Hành vi hôi của trong tai nạn giao thông bị xử phạt như thế nào? Trộm cắp tài sản trong vụ tai nạn giao thông xử lý thế nào?
Hành vi hôi của trong tai nạn giao thông bị xử phạt như thế nào? Trộm cắp tài sản trong vụ tai nạn giao thông xử lý thế nào?
Hành vi lợi dụng việc người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, thậm chí đã chết… để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc (hôi của) của người bị tai nạn giao thông không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi “hôi của” có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Trộm cắp tài sản”.
1. Xử lý hành chính
Trong trường hợp hành vi “hôi của” chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP người có hành vi “hôi của” tùy theo tính chất và mức độ có thể bị xử lý hành chính như sau: đối với hành vi trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt tài sản thì mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng (điểm a, điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Đối với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác thì mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng (điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Ngoài ra còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc trục xuất khỏi Việt Nam nếu là người nước ngoài có hành vi vi phạm.
2. Xử lý hình sự
Thứ nhất, trường hợp nạn nhân có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt nhưng không có điều kiện ngăn cản vì đau, chấn thương…do tai nạn giao thông thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”.
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác trong hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản. Điều 137 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung quy định như sau: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Bên cạnh mức hình phạt trên điều luật còn quy định ba khung hình phạt nặng hơn; trong đó mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể là tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, trường nạn nhân không có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt vì choáng, ngất…do tai nạn thì người “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”.
Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung thì:
“Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Tội “Trộm cắp tài sản” cũng có ba khung hình phạt nặng hơn; trong đó mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể là tù chung thân; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.