Người có hành vi hành hung, gây thương tích cho tiếp viên hàng không thì tùy thuộc vào mức độ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người khác thì sẽ có mức xử phạt khác nhau. Vậy hành hung tiếp viên hàng không bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hành hung tiếp viên hàng không bị xử lý thế nào?
1.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Theo khoản 6, Điều 26 Nghị định 162/2018/NĐ-CP cá nhân khi có hành vi vi phạm quy định về an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; trên chuyến bay; tại nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không thì sẽ bị xử phạt vi phạm tùy thuộc vào hành vi nhất định. Hiện nay, mức phạt tiền giao động từ từ 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) đến 15.000.000 đồng (mười lăm triệu đồng) sẽ được áp dụng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Không có sự chấp thuận từ người có thẩm quyền mà có hành động xâm nhập trái phép vào tàu bay;
– Vì bất kỳ lý do nào mà gây sự, hành hung thành viên tổ bay, hành khách, người khác trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Vi phạm nguyên tắc bảo vệ an toàn của tàu bay như cố tình đưa công cụ hỗ trợ, chất dễ cháy, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, súng săn và các loại vũ khí, đồ vật khác có hình dạng, tính năng, tác dụng tương tự vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay. Hành vi được xác định là sai trái nhưng xét về tính chất, mức độ cũng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Cá nhân có những phát ngôn đe dọa an toàn hàng không mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Cố tình đưa vật phẩm nguy hiểm lên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, hành vi hành hung tiếp viên hàng không thuộc một trong các trường hợp có thể bị áp dụng mức phạt tiền giao động từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng.
1.2. Từ chối vận chuyển trên hãng hàng không:
Cá nhân khi là hành khách tham gia trên chuyến bay nhưng hành vi gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tài sản của người khác thì hãng hàng không hoàn toàn có quyền từ chối vận chuyển người này. Bởi vì, theo quy định tại Điều 146 Luật hàng không dân dụng Việt Nam cũng đã ghi nhận rõ trường hợp này, cụ thể:
– Nếu người vận chuyển nhận thấy tình trạng sức khoẻ của hành khách sẽ gây nguy hại đến sức khỏe cho hành khách đó, cho những người khác trong tàu bay hoặc gây nguy hại cho chuyến bay thì có thể từ chối vận chuyển hành khách này;
– Mục tiêu là để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh đối với cả chuyến bay cũng như toàn xã hội đối với những dịch bệnh nguy hiểm, có tính lây lan cao;
– Hành khách khi được hướng dẫn bởi tiếp viên hàng không nhưng không chấp hành quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác vận chuyển hàng không;
– Nhận thấy hành động của hành khách đang gây mất trật tự công cộng, có tính chất uy hiếp an toàn bay hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác;
– Trường hợp hành khách khi tham gia chuyến bay mà trong tình trạng say rượu, bia hoặc các chất kích thích khác mà không làm chủ được hành vi thì hoàn toàn có thể từ chối vận chuyển cá nhân này;
– Ngoài ra, vì một số lý do an ninh cũng sẽ được áp dụng để từ chối hay tiếp tục nhận vận chuyển hành khách;
– Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thì cần tuân thủ.
Với quy định nêu trên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những đối tượng có hành vi côn đồ trong vụ việc nêu trên. Để lường trước được nguy hiển có thể xảy ra thì có các biện pháp tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các cảng hàng không để an ninh được đảm bảo, ứng phó xử lý kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
2. Người hành hung tiếp viên hàng không có bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi của một cá nhân nếu cố tình gây thương tích cho người khác thì không có bất kỳ lý do nào để biện minh về hành động này. Trên thực tế, nếu việc hành hung tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của tiếp viên hàng không thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì việc hành hung đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích thì có thể bị áp dụng một trong các khung hình phạt như:
– Cá nhân có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
Tỷ lệ bị tổn hại sức khỏe của người bị hành hung từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị:
+ Có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn mà biết rõ nếu sử dụng hung khí này có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
+ Có sự hỗ trợ những loại a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
+ Hành vi tác động đến với người yếu thế như, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; hoặc đối với người dưới 16 tuổi;
– Với những khu vực đông người, mà có hành động côn đồ, gây rối trật tự,…
Ngoài mức phạt trên, các khung hình phạt tăng nặng khác với Tội cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 134 như sau:
– Cá nhân này cũng có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Trên thực tế, khi đã giám định mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của người khác lên mức ảnh hưởng từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
+ Hành vi phạm tội có sự tái phạm nguy hiểm, phạm tội 02 lần trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
– Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Hành hung tiếp viên hàng không mà gây thương tích (trừ trường hợp làm biến dạn vùng mặt) hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Ngoài ra, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, với hậu quả nghiêm trọng khi hành hung tiếp viên hàng không thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 14 thậm chí bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
3. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi hành hung tiếp viên hàng không?
Căn cứ theo Điều 37, Nghị định 162/2018/NĐ-CP thì việc lập biên bản vi phạm hành chính phải được thực hiện bởi người có thẩm quyền trong lĩnh vực hàng không dân dụng, bao gồm:
– Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng:
+ Cá nhân là công chức thuộc Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm;
+ Người là Công chức, viên chức thuộc các Cảng vụ hàng không đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành.
+ Cá nhân đang giữ vị trí là người chỉ huy tàu bay, thành viên tổ bay được người chỉ huy tàu bay giao lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay khi tàu bay đang bay.
– Đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay đang bay hoặc chuyển vụ việc cho Cảng vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay của Việt Nam nơi tàu bay hạ cánh thì người nào đang giữ chưc vụ là chỉ huy tàu bay mang quốc tịch Việt Nam thì có thâm quyền thực hiện lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.
Trường hợp người chỉ huy tàu bay chuyển vụ việc cho Cảng vụ hàng không lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay đang bay thì đại diện của hãng hàng không phải tham gia trong quá trình lập biên bản vi phạm hành chính để phối hợp, hỗ trợ cho Cảng vụ hàng không.
– Sau khi chuyển giao vụ việc cho Cảng vụ hàng không lập biên bản vi phạm hành chính, thì người chỉ huy tàu bay tiến hành bàn giao đối tượng vi phạm, kèm theo các tài liệu, chứng cứ có liên quan.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 sửa đổi năm 2014;
– Nghị định số 162/2018/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.