Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là hành vi che giấu, cất giữ trái phép, vận chuyển trái phép các hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh, buôn bán, sử dụng, lưu hành, chưa được phép sử dụng, chưa được phép lưu hành, do người có năng lực TNHS hoặc pháp nhân thương mại thực hiện với lỗi cố ý.
Mục lục bài viết
1. Hàng cấm là gì:
Hàng cấm là cụm từ mà được sử dụng rất nhiều trong đời sống, cũng như trong kinh tế xã hội. Hàng cấm có thể hiểu là những sản phẩm, hàng hóa không cho phép tồn tại hay mua bán. Hàng hóa phải đáp ứng được hai điều kiện, đó là sản phẩm do lao động tạo ra và sản phẩm đó phải dùng được vào mục đích buôn bán trên thị trường. Tuy vậy, mỗi hàng hóa lại có một tính chất riêng. Có những loại hàng hóa đặc biệt mà việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng các loại hàng hóa đó trên thị trường gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường, xã hội, gây ra các ảnh hưởng lớn đến quốc phòng – an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa dân tộc vì vậy Nhà nước cần phải độc quyền quản lý loại hàng hoá đó. Trong xã hội gọi những hàng hoá này là “hàng cấm” hay “hàng quốc cấm”. Từ điển Luật học cũng giải thích rằng: “hàng cấm là hàng hoá bị Nhà nước cấm kinh doanh”.
Từ các phân tích ở trên, quan điểm của tác giả về hàng cấm như sau: “hàng cấm là các loại hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, trao đổi, mua bán, sản xuất, sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng, lưu hành ở Việt Nam, được liệt kê cụ thể trong danh mục cấm cá nhân, tổ chức sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán”.
2. Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là gì:
Tội phạm nói chung hay tội tàng trữ vận chuyển hàng cấm nói riêng đều là biểu hiện xấu của xã hội, xuất phát từ mối quan hệ cung–cầu và sự phát triển kinh tế xã hội. Ở các quốc gia trên thế giới, với mong muốn bảo vệ lợi ích của đất nước mình và đồng nhất tập quán thương mại quốc tế đã và đang đưa ra những giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh và giảm thiểu tác động xấu của loại tội phạm này. Hành vi thoả mãn các yếu tố nêu trên mới được coi là tội phạm. Hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm để được coi là tội phạm cũng phải thoả mãn các yếu tố theo quy định của pháp luật.
Vì bản chất là hoạt động kinh tế mang tính xã hội nên lưu thông hàng cấm sẽ luôn chịu ảnh hưởng của các quy luật kinh tế, vậy nên quan niệm về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm của từng quốc gia trên thế giới trong từng giai đoạn kinh tế, văn hóa xã hội, chính trị cũng sẽ không đồng nhất. Một số quốc gia sở hữu nền kinh tế phát triển nên có hệ thống pháp luật về kinh doanh, thương mại trong nước rất chặt chẽ nên việc quản lý hàng hóa lưu thông nội địa được quy định rất nghiêm ngặt, cùng với đó là chế tài xử phạt với hoạt động lưu thông mặt hàng không được kinh doanh, hàng hóa kém chất lượng rất nghiêm khắc, vì vậy các mặt hàng bị cấm mới được áp dụng trong hệ thống luật hình sự theo quy định đối với hành vi lưu thông hàng hóa cụ thể như pháo nổ, ma túy... Với các quốc gia khác – có nền kinh tế kém phát triển hơn thì việc chấp hành pháp luật của người dân sẽ còn hạn chế, những hành vi lưu thông hàng cấm tinh vi, phức tạp hơn, gây khó khăn cho cơ quan điều tra, vậy nên các quốc gia này phải áp dụng biện pháp nghiêm khắc nhất là hình phạt với những hành vi lưu thông hàng cấm có trong danh mục do Chính phủ quy định.
Với những phân tích trên có thể rút ra khái niệm về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm như sau: Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là hành vi che giấu, cất giữ trái phép, vận chuyển trái phép các hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh, buôn bán, sử dụng, lưu hành, chưa được phép sử dụng, chưa được phép lưu hành, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm chế độ của Nhà nước trong quản lý, sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa cụ thể.
3. Đặc điểm của tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm:
Thứ nhất, hàng cấm là hàng hóa không được pháp luật Việt Nam cho phép lưu thông trên thị trường, cả sản xuất lẫn kinh doanh buôn bán; Các loại hàng hóa mà Nhà nước độc quyền quản lý (vd: vật liệu nổ, pháo hoa, hàng hóa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, thuốc lá điếu...); Các loại hàng hóa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người;
Thứ hai, hàng cấm gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Những loại hàng cấm điển hình như pháo nổ, vũ khí quân dụng, đồ chơi nguy hiểm, sản phẩm đồi trụy, mê tín dị đoan là những loại hàng hóa gây ra tác động xấu đến tình hình an ninh, chính trị, sức khỏe và tính mạng của người dân.
Thứ ba, hàng cấm do Nhà nước xác định trong từng thời kì nhất định tùy vào tình hình kinh tế xã hội trong giai đoạn nhất định. Danh mục các loại hàng hóa cấm không cố định mà có sự thay đổi, trong danh mục đó có loại hàng cấm có tính chất vĩnh viễn, không thay đổi như các chất ma tuý nhưng cũng có loại hàng cấm không có tính chất như vậy như thuốc lá điếu của nước ngoài...vậy nên muốn xác định hàng hóa nào là hàng cấm cần phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố như vị trí, môi trường, văn hóa, tình hình chính trị...từ đó mới có thể xác định đâu là hàng hóa gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và có những biện pháp nghiêm cấm loại hàng hóa đó.
Thứ tư, hàng cấm có tính chất và giá trị sử dụng đặc biệt đã được quy định thành các tội phạm độc lập khác. Các loại hàng cấm này là những hàng hóa mang tính chất nguy hiểm cả về an ninh – trật tự lẫn sức khỏe, tính mạng con người, tiêu biểu nhất là ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ... Việc chỉ xếp những hàng hóa này vào danh mục hàng cấm là chưa phản ánh hết những ảnh hưởng tiêu cực mà chúng đem lại, vậy nên việc quy định các loại hàng cấm này thành những tội phạm độc lập là phù hợp và đúng với yêu cầu thực tiễn từ các hoạt động trong tố tụng hình sự. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 tội phạm về ma túy được quy định đầy đủ tại một chương riêng từ Điều 247 cho đến Điều 259, với khung hình phạt rất nghiêm khắc để thấy rằng tác hại của loại hàng cấm này là vô cùng lớn. Cũng theo Bộ luật Hình sự 2015, tội phạm liên quan đến vũ khí quân dụng và vật liệu nổ cũng đã được quy định riêng tại các Điều 304 và Điều 305, góp phần răn đe và tăng sự nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm mà các loại hàng cấm đó đem lại.
Những khái niệm mà các nhà khoa học đưa ra đều nhằm mục đích chung đó là thể hiện bản chất của tội phạm này một cách rõ ràng và cụ thể nhất. Cùng với đó, bắt đầu từ những quy định pháp luật về các hành vi phạm tội cụ thể của Luật hình sự trong từng thời kỳ cho đến quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hiện hành, lịch sử pháp luật Việt Nam về tội phạm tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và cho thấy quy định về tội này trong pháp luật hình sự là cả một quá trình lâu dài, thể hiện thái độ của Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng chống tội tàng trữ, vận chuyển hàng cám.