Một số hạn chế bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam và Nguyên nhân hạn chế bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Mục lục bài viết
- 1 1. Các quyền cơ bản của trẻ em chưa được đảm bảo đầy đủ:
- 2 2. Cơ chế thực hiện, bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu của các bên còn thiếu:
- 3 3. Hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu:
- 4 4. Nguyên nhân hạn chế bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam:
1. Các quyền cơ bản của trẻ em chưa được đảm bảo đầy đủ:
Ngày nay, nhiều trẻ em ở Việt Nam được hưởng cuộc sống chất lượng mà thế hệ đi trước không bao giờ có thể hình dung ra được. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều trẻ em bị bỏ lại phía sau tiếp tục sống trong điều kiện thiếu thốn và bị loại ra ngoài bởi tác động của sự phát triển toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tế cho thấy, vẫn còn không ít những hạn chế trong việc bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu. Những chênh lệch ngày càng tăng này bị ảnh hưởng bởi sắc tộc, giới tính, quê quán và khuyết tật. Nghĩa là một phần năm trẻ em (khoảng 5,5 triệu) bị thiếu thốn ít nhất trong 2 lĩnh vực: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường, hoặc hòa nhập xã hội. Tính dễ bị tổn thương do khí hậu tác động đến hơn 74% dân số, đặc biệt là những người nghèo thiếu khả năng chống lại những cú sốc, trong khi tốc độ đô thị hóa càng làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương của các gia đình đi cư, là những gia đình ít tiếp cận được với dịch vụ xã hội.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 88% các bệnh do biến đổi khí hậu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. An ninh lương thực cho trẻ em đang bị đe dọa bởi các tác động đến ngành nông nghiệp, từ mất mùa hoàn toàn đến năng suất giảm triền miên và thu nhập thấp hơn cho các gia đình. Trẻ em ở khu vực nông thôn đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực, vì những giai đoạn thiếu dinh dưỡng có thể góp phần làm chậm quá trình phát triển, các em được đi học ít hơn do thu nhập hộ gia đình thấp hơn, và tăng khả năng mắc các bệnh không lây nhiễm trong cuộc sống sau này. Trẻ em ở các khu vực thành thị đặc biệt có nguy cơ mắc các bệnh do nguồn nước gây ra, điều này có thể gia tăng do xảy ra tình trạng mưa quá nhiều và lũ lụt cục bộ. Các dấu hiệu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng ở Việt Nam và được dự báo sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ cao hơn góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, bệnh tay chân miệng và tỷ lệ nhập viện cao hơn, đặc biệt là ở người cao tuổi và trẻ em. Lĩnh vực Nước sạch và vệ sinh môi trường cũng bị ảnh hưởng theo nhiều cách do tình trạng biến đổi khí hậu bao gồm các tác động tiêu cực đến nguồn nước và chất lượng nước uống và sử dụng nước tại hộ gia đình.
Việc giáo dục và học tập của trẻ em bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Hạn hán và kéo theo tình trạng khan hiếm nước và thực phẩm cũng có thể ảnh hưởng đến việc học tập vì số lượng và chất lượng các bữa ăn cho trẻ trong hộ gia đình cũng như chất lượng và số lượng nước của trường học bị suy giảm.
Tỷ lệ các bệnh liên quan tới nhiệt độ cao cùng với áp lực căng thẳng có thể giảm khả năng học của học sinh và khả năng dạy của giáo viên trong lớp học. Việc học tập của học sinh cũng bị ảnh hưởng do cơ sở vật chất trường học bị hỏng hoặc mất mát, thường xảy ra ở những nơi bị ảnh hưởng bởi lụt lội nghiêm trọng và thường dẫn đến việc đóng cửa trường học. Thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu có thể góp phần làm gia tăng số học sinh bỏ học và học kém. Biến đổi khí hậu cũng được nhìn nhận là một yếu tố chính khiến người dân phải di cư khi sinh kế hiện tại của họ bị mất đi hay bị tác động tiêu cực bởi thời tiết khắc nghiệt và để sinh tồn người dân phải chuyển đi nơi khác tìm việc. Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi cha mẹ phải di cư để tìm việc làm, tỷ lệ trẻ em bị sao nhãng và xâm hại cũng như tỷ lệ bỏ học tăng lên. Trong các trường hợp chuyển chỗ ở và di cư, trẻ em gái có nguy cơ bị bạo lực và bóc lột cao hơn. Việc di cư hoặc gián đoạn về nơi ở, trường học và các thói quen sinh hoạt thường ngày, có thể khiến trẻ em và thanh thiếu niên bị tổn thương về sức khỏe tâm thần hoặc tâm lý xã hội.
2. Cơ chế thực hiện, bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu của các bên còn thiếu:
Về các văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù ở Việt Nam đã và đang từng bước nội luật hóa các quy định của các văn bản pháp luật quốc tế, sớm xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền trẻ em và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một văn bản luật nào quy định cụ thể về vấn đề bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, mà nó mới chỉ dừng lại ở các chương trình hành động, thông qua các hội nghị trong nước và quốc tế, những dự án bảo vệ trẻ em và ứng phó biến đổi khí hậu của UNICEF, các tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ hoặc thông qua những tài liệu hướng dẫn, báo cáo của các bộ ban ngành nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nếu Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trung tâm thì cần sớm ban hành một văn bản luật có nội dung đầy đủ, toàn diện liên quan đến bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu. Một vấn đề khác liên quan đến các báo cáo tổng kết, nghị quyết về đánh giá tổn thất, mức độ phơi bày trước hiểm họa, tính dễ bị tổn thương của trẻ em do sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay còn chưa thật sự đầy đủ, chính xác so với thực tế.
Về phía cơ quan có thẩm quyền, hầu hết cán bộ làm công tác về trẻ em ở các cơ quan nhà nước, đặc biệt là những cơ quan ở cấp cấp xã, phường, thị trấn là kiêm nhiệm, do vậy việc quản lý, nắm thông tin, tình hình của trẻ em chưa được bao quát, kịp thời, nhất là trong việc can thiệp, trợ giúp các em bị bạo lực, xâm hại, ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra. Khi có sự việc xảy ra, các cấp, các ngành còn lúng túng trong xử lý, giải quyết. Kinh phí dành cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế. Việc trợ giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt dựa chủ yếu vào nguồn vận động và mới chỉ tập trung vào giúp đỡ vật chất. Dịch vụ trợ giúp trẻ em chưa đồng bộ; thiếu các điều kiện ngăn chặn nguy cơ trẻ em bị xâm hại, lạm dụng, bở rơi, tổn thương tinh thần và thể chất do biến đổi khí hậu.
Về phía gia đình, nhiều cha mẹ, người chăm sóc và bản thân các em chưa nhận thức đầy đủ được trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em, thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, những hộ gia đình có mức sống thấp, trình độ dân trí chưa cao sẽ thiếu sự giáo dục cơ bản cho các em về các quyền đáng lẽ có thể được hưởng như quyền được lắng nghe, quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền được giáo dục, quyền vui chơi giải trí… và thường có hành động thiếu quan tâm, bỏ mặc các em tự đối mặt với các hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra vì lý do kinh tế.
3. Hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu:
Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Năng lực và nguồn lực về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các làng nghề, lưu vực một số dòng sông; ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố lớn gia tăng. Tình trạng xâm nhập mặn, phèn hóa, bão lũ tiếp tục diễn ra ở duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Sự tham gia vào công tác quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi người là khác nhau, sự nhận thức đầy đủ, toàn diện ở khắp cả nước không đồng đều.
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ ở cấp quốc tế và khu vực mang tới những cơ hội thực hiện quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhưng cũng có các rào cản về luật, tài chính, chuyển giao công nghệ, chia sẻ rủi ro thiên tai, và phổ biến kiến thức. Việc xem xét các cơ hội, các hạn chế và thách thức của luật quốc tế, tài chính quốc tế và các vấn đề khác sẽ giúp đưa ra một cái nhìn tổng quát về những rào cản, cơ hội và các lựa chọn cho các hoạt động quản lý rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu của quốc tế và ở Việt Nam.
Do những hạn chế trong quá khứ về quản lý rủi ro thiên tai và diễn biến mới về biến đổi khí hậu, cho nên việc cải thiện đáng kể trong còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, đây là một trong những hạn chế cơ bản trong công tác bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu, do trẻ em là đối tượng phụ thuộc vào người lớn, chưa có đầy đủ năng lực quản lý và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Nguyên nhân hạn chế bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam:
4.1. Phân tích, thống kê số liệu chưa đầy đủ, chính xác:
Đánh giá tổn thất, mức độ phơi bày trước hiểm họa, tính dễ bị tổn thương do cực đoan khí hậu đã được nghiên cứu ở nhiều mức độ khác nhau, tuy nhiên còn có nhiều hạn chế và khó khăn.
Khó khăn đầu tiên do thiếu thông tin, dữ liệu tin cậy: thiếu số liệu về tính dễ bị tổn thương, phơi bày trước hiểm họa, tổn thất của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em; chuỗi số liệu theo thời gian thường ngắn, không liên tục; quy trình, thu thập, xử lý số liệu về tổn thương, tổn thất, độ nhạy cảm, nhất là quy trình điều chỉnh các số liệu tổn thất theo thời gian khác nhau.
Thứ hai, trong các tài liệu, thiệt hại được nêu do tác động của biến đổi khí hậu chủ yếu là thống kê chung về số lượng người chết, mất tích, bị thương, tài sản (nhà cửa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, hóa màu và gia súc), khó và hầu như chưa được lượng hoá đầy đủ các số liệu thống kê riêng về trẻ em. Do vậy, các tổn thất về vật chất và phi vật chất liên quan đến quyền trẻ em không được phản ánh đầy đủ trong các đánh giá thiệt hại, các tác động dài hạn chưa được tính đến, và chưa được nêu cụ thể trong các báo cáo chung.
Thứ ba, tài liệu chính thống (công bố chính thức hoặc trong các báo cáo của các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế) chưa nhiều và ít các bằng chứng thuyết phục về tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất, mức độ phơi bày trước hiểm họa, tác động ảnh hưởng đến quyền trẻ em.
4.2. Tính dễ bị tổn thương của trẻ em:
Về yếu tố chủ quan, trẻ em vốn là đối tượng không có sức khỏe về tinh thần và thể chất như người lớn, còn phụ thuộc vào người lớn, nhạy cảm với các thay đổi của thời tiết. Sự tò mò và những hạn chế về nhận thức, cảm xúc, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống có thể dẫn trẻ em đến các hoàn cảnh rủi ro. Trẻ em ít có khả năng kiểm soát cảm xúc và có thể trải qua các tác động tâm lý do các hoàn cảnh khó khăn gây ra. Nhân cách chưa hoàn chỉnh nên dễ bị kéo vào những hành vi lệch chuẩn có ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Về yếu tố khách quan, môi trường văn hóa thiếu sự sàng lọc và quản lý khiến trẻ em dễ bị cám dỗ bởi những luồng văn hóa không lành mạnh. Nhu cầu vui chơi lành mạnh của trẻ em chưa được đáp ứng đầy đủ. Đối với cha mẹ, thầy cô, trẻ em chưa thực sự được coi trọng, lắng nghe về các quan điểm, ý kiến cá nhân. Hệ thống giáo dục chưa đảm bảo cho trẻ sự phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần (quá nặng về kiến thức sách vở, nhẹ về kỹ năng sống).
Do người lớn không thể trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi đều ở cạnh chăm sóc, giám sát, bảo vệ trẻ em mà chỉ có thể bảo vệ và bảo đảm một phần, thậm chí có nhiều người lớn còn bỏ mặc trẻ em, tước bỏ một số quyền như quyền giáo dục, quyền tiếp cận văn hóa, vui chơi giải trí trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến vấn đề kinh tế, vì vậy trẻ em vẫn luôn thuộc nhóm đối tượng bị tổn thương và hạn chế về quyền do biến đổi khí hậu gây ra.
4.3. Sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong phát triển kinh tế:
Suy thoái môi trường tại Việt Nam, thường trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, cũng có tác động tiêu cực tới trẻ em. Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, do đó, đang và sẽ tiếp tục là nguồn phát thải khí nhà kính lớn trong khu vực, đồng thời góp phần lớn gây ô nhiễm không khí, trừ khi năng lượng này được thay thế bằng năng lượng tái tạo. Tỷ lệ nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp dưới có liên quan chặt chẽ với mức độ 8 ô nhiễm không khí hàng ngày. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước có liên quan đến tình trạng tiêu chảy dai dẳng và các bệnh do nguồn nước gây ra; tình trạng này cũng ngày càng phổ biến hơn. Tình trạng mất đa dạng sinh học cũng làm mất đi những lợi ích quan trọng về giải trí, văn hóa và tinh thần – tất cả đều cần thiết đối với sự phát triển của trẻ em. Các dịch vụ này thường được coi trọng khi các quốc gia phát triển kinh tế.
4.4. Biến đổi khí hậu diễn biến nghiêm trọng và không thể ngăn cản:
Việc ngăn cản các thiên tai xảy ra do biến đổi khí hậu là không thể, con người chỉ có thể dự báo trước các hiện tượng này để có thể ứng phó, giảm thiểu hậu quả do thiên tai gây ra và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nguy cơ chính về biến đổi khí hậu trên phương diện lý sinh ở Việt Nam là lượng mưa thay đổi, nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tại liên quan. Tất cả những điều này đều có tác động thứ cấp: lũ lụt và sạt lở đất, mất đa dạng sinh học, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng do bão và lốc xoáy. Những tác động này sau đó dẫn đến các tác động tiếp theo: sản lượng nông nghiệp giảm, cơ sở hạ tầng trường học và nhà cửa bị tổn hại, khan hiếm nước, chất lượng nước kém và tình trạng di cư, từ đó tác động đến trẻ em theo nhiều cách khác nhau. Việt Nam đang đối mặt với tần suất lũ lụt, hạn hán dày hơn, cũng như nhiệt độ cao hơn và mực nước biển dâng và nhu cầu và cạnh tranh về nước sạch. Tần suất lũ lụt ở Việt Nam đã tăng lên trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2010. Cổng thông tin kiến thức về biến đổi khí hậu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam có khả năng phải đối mặt với lũ lụt rất cao. Đất nước cũng gánh chịu tình trạng hạn hán nghiêm trọng – năm 2015-2016, Việt Nam đã trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm, ảnh hưởng đến hơn hai triệu người (trong đó có 520.000 trẻ em) tại 52 trong số 63 tỉnh thành. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Việt Nam tăng khoảng nửa độ C trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Mực nước trung bình tại các khu vực ven biển của Việt Nam tăng khoảng 3,5 mm/năm và ở một số vùng ven biển, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền lên đến 90km, làm cho nước sông quá mặn đối với con người hoặc động vật khác; quá mặn không thể tưới tiêu cho cây trồng và nuôi cá.