Gói thầu xây lắp là cụm thuật ngữ được ghi nhận trong các văn bản pháp luật về đấu thầu tại Việt Nam, đây được xem là nội dung khá quan trọng liên quan đến hoạt động đấu thầu xây lắp, là lĩnh vực đấu thầu ngày càng phát triển ở nước ta. Vậy gói thầu xây lắp là gì? Được chỉ định thầu xây lắp dưới 5 tỷ được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Gói thầu xây lắp là gì?
Trước khi giải thích về gói thầu xây lắp, tác giả nêu ra khái niệm về “đấu thầu xây lắp” nhằm giúp người đọc có cái nhìn tổng quan hơn, theo đó, đấu thầu xây lắp là phương thức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà thầu thực hiện những công việc xây dựng và lặp đặt các công trình, hạng mục công trình, cải tạo, sửa chữa lớn. Tham gia đấu thầu xây lắp là các nhà thầu xây lắp, tuỳ từng dự án khác nhau mà nhà thầu tham dự phải đáp ứng được những điều kiện nhất định.
Như đã nói ở phần mở đầu, khái niệm về gói thầu xây lắp không được giải thích trong bất kỳ văn bản pháp luật hiện hành nào, do đó, cách giải thích được Luật Dương Gia cung cấp dưới đây được đúc kết từ quá trình tìm hiểu, tổng hợp và phân tích.
– Theo quy định tại Khoản 15, Điều 4 Luật Đấu thầu: “Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm, có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với dự toán mua sắm, mua sắm tập trung.“
– Xây lắp là việc thực hiện các công việc xây dựng, lắp đặt các công trình, hạng mục công trình, cải tạo, sửa chữa lớn.
Từ hai khái niệm trên, có thể hiểu gói thầu xây lắp (Construction Work Package) là gói thầu được hình thành trong giai đoạn thực hiện dự án, là một phần hoặc toàn bộ dự án liên quan đến việc thực hiện các công việc xây dựng, lắp đặt các công trình, hạng mục công trình, cải tạo, sửa chữa lớn. Ví dụ như xây dựng trường học, bệnh viện, công trình thủy lợi,…
Gói thầu xây lắp sẽ có các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đó là tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, cụ thể, theo Khoản 4, Điều 12
Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm (Điểm a)
Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, trong đó phải quy định mức yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đạt đối với từng nội dung về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu. Cụ thể như sau:
– Kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự về quy mô, tính chất kỹ thuật, điều kiện địa lý, địa chất, hiện trường (nếu có); kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính có liên quan đến việc thực hiện gói thầu.
– Năng lực kỹ thuật: Số lượng, trình độ cán bộ chuyên môn chủ chốt, công nhân kỹ thuật trực tiếp thực hiện gói thầu và số lượng thiết bị thi công sẵn có, khả năng huy động thiết bị thi công để thực hiện gói thầu.
– Năng lực tài chính: Tổng tài sản, tổng nợ phải trả, tài sản ngắn hạn, nợ ngắn hạn, doanh thu, lợi nhuận, giá trị hợp đồng đang thực hiện dở dang và các chỉ tiêu cần thiết khác để đánh giá về năng lực tài chính của nhà thầu.
Việc xác định mức độ yêu cầu cụ thể đối với từng tiêu chuẩn cần căn cứ theo yêu cầu của từng gói thầu. Nhà thầu được đánh giá đạt tất cả nội dung nêu tại Điểm này thì đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm.
Năng lực và kinh nghiệm là yếu tố chi phối mạnh mẽ tới sự ra đời và vận hành của các nhà thầu, do đó, cũng không có gì lạ khi tiêu chuẩn về hai nội dung này phải được pháp luật quy định và đặt lên đầu đối với các gói thầu xây lắp- loại gọi thầu đòi hỏi cao nhất trong các lĩnh vực.
Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật (Điểm b)
Sử dụng tiêu chí đạt, không đạt hoặc phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000 để xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, trong đó phải quy định mức điểm tối thiểu và mức điểm tối đa đối với từng tiêu chuẩn tổng quát, tiêu chuẩn chi tiết khi sử dụng phương pháp chấm điểm. Việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dựa trên các nội dung về khả năng đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ thiết kế, tiên lượng mời thầu, uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và các yêu cầu khác nêu trong hồ sơ mời thầu. Căn cứ vào từng gói thầu cụ thể, khi lập hồ sơ mời thầu phải cụ thể hóa các tiêu chí làm cơ sở để đánh giá về kỹ thuật bao gồm:
– Tính hợp lý và khả thi của các giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công phù hợp với đề xuất về tiến độ thi công.
Trừ những trường hợp do tính chất của gói thầu mà hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải thực hiện theo đúng biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu, trong hồ sơ mời thầu cần quy định nhà thầu được đề xuất biện pháp thi công khác với biện pháp thi công nêu trong hồ sơ mời thầu.
– Tiến độ thi công;
– Các biện pháp bảo đảm chất lượng;
– Bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường và các điều kiện khác như phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động;
– Mức độ đáp ứng các yêu cầu về bảo hành, bảo trì;
– Uy tín của nhà thầu thông qua việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó;
– Các yếu tố cần thiết khác.
Việc đặt ra các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu xây lắp là điều hoàn toàn cần thiết, nhằm lựa chọn chính xác các nhà thầu có năng lực đảm nhận trách nhiệm thực hiện hoạt động xây lắp hiệu quả, đảm bảo cho các công trình được xây dựng an toàn và hoàn thành nhanh chóng theo đúng tiến độ công việc. Bên cạnh tiêu chuẩn trên, thông thường còn sẽ có tiêu chuẩn về năng lực tài chính, đây cũng là vấn đề quan trọng cần được xem xét trong quá trình đánh giá.
2. Có được chỉ định thầu xây lắp dưới 5 tỷ?
Gói thầu xây lắp dưới 5 tỷ là đối tượng được ưu đãi đối với đấu thầu trong nước, theo đó điểm d Khoản 2 Điều 10
Như vậy, nhằm hạn chế sự cạnh tranh quá lớn và mất cân bằng giữa các doanh nghiệp lớn và nhó đối với các gói thầu có giá trị nhỏ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, pháp luật đã quy định định về việc chỉ cho phép các doanh nghiệp “yếu thế” này được tham gia đấu thầu đối với gói thầu xây lắp dưới 05 tỷ. Trong đó:
– Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng. (Khoản 1 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa)
– Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP
(Khoản 2 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa)
– Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP
(Khoản 3 Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa)
Thực tế, vấn đề chỉ định thầu trong mối tương quan với giá trị gói thầu không có mối quan hệ quá chặt chẽ, bản thân chỉ định thầu là một chế định độc lập, được ghi nhận trong Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, về cơ bản có thể khắng định: Có thể chỉ định thầu xây lắp dưới 5 tỷ? Câu chuyện được đặt ra là: Trong trường hợp nào và điều kiện gì thì được chỉ định thầu?
Chỉ định thầu là hình thức trực tiếp lựa chọn một nhà thầu có khả năng đáp ứng được yêu cầu của gói thầu để thương thảo và ký hợp đồng. Chỉ định thầu có thể áp dụng đối với nhà thầu hoặc nhà đầu tư, tuy nhiên các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ tham gia với tư cách là nhà thầu, do đó, tác giả chỉ cung cấp các trường hợp chỉ định thầu đối với nhà thầu.
3. Các trường hợp chỉ định thầu:
Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 23, Luật Đấu Thầu, chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
– Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố, tai nạn bất ngờ, thảm họa hoặc sự kiện bất khả kháng khác;
– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cần triển khai ngay để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề hoặc để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn;
– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm, linh kiện, phương tiện, phụ kiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện;
– Gói thầu cần thực hiện để bảo vệ bí mật nhà nước;
– Gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bản quyền sở hữu trí tuệ, mua bản quyền chương trình phát sóng; gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay;
– Gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu thực hiện được trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ;
– Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo nghị quyết của quốc hội khi quyết định chủ trương đầu tư dự án;
Đối với một số gói thầu cụ thể việc chỉ định còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2, Điều 23, Luật Đấu thầu nhằm đảm bảo triệt để tính quản lý và năng lực của nhà thầu được lựa chọn.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật đấu thầu năm 2023