Yêu cầu chữa bệnh là phải: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách dùng và đúng bệnh, nếu làm trái với những yêu cầu đó tức là gây phương hại cho người bệnh dưới hình thức nhiễm độc hoặc ngộ độc thuốc. Ngộ độc hoặc nhiễm độc thuốc có nhiều nguyên nhân.
Các thuốc dùng chữa bệnh là một trong những nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội hàng ngày. Trên đà phát triển khoa học kỹ thuật lớn mạnh hiện nay, việc phát minh các phương tiện chẩn đoán bệnh (sinh hoá, di truyền, ADN, vi sinh vật, điện não đồ, soi ổ bụng, siêu âm, X quang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ v.v…) ngày càng tinh vi hiện đại khiến người ta phát hiện sớm nhiều loại bệnh, nên việc chữa bệnh và dự phòng và dự phòng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Song song với công tác chẩn đoán phát hiện bệnh, việc sản xuất các thuốc tổng hợp mới thuộc nhiều loại biệt dược khác nhau có hiệu lực đẩy mạnh việc điều trị cứu sống được nhiều bệnh nhân.
Mục lục bài viết
1. Các nguyên nhân thường gây nhiễm độc thuốc:
1.1. Do bệnh nhân:
Những năm gần đây do nền kinh tế thị trường tác động, thuốc chữa bệnh nhập vào nước ta ngày càng nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại. Việc sử dụng thuốc tùy tiện, bán thuốc tự do không cần đơn của thầy thuốc và việc tự điều trị cho bản thân khi bị bệnh đang là vấn đề chưa kiểm soát được của ngành y tế, nên những tai biến bởi người bệnh tự điều trị muốn bệnh chóng khỏi đã dùng thuốc quá liều, tiêm nhầm thuốc, dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc đã bị nhiễm độc, ngộ độc thuốc, không ít trường hợp đã tử vong.
* Bệnh nhân bị họ tự đi mua penicillin nhờ người hàng xóm điều trị giúp nhưng đã lấy nhầm lọ thuốc chống bọ rầy để tiêm khiến nạn nhân chết ngay tại chỗ (QB).
1.2. Do dược sĩ bào chế thuốc:
- Pha chế nhầm đơn của người bệnh.
- Trả nhầm thuốc.
- Pha chế cân đong nhầm nồng độ giữa mililit, centigam và gam.
1.3. Do thầy thuốc:
Viết đơn không ghi rõ tên thuốc, viết nguệch ngoạc trong đơn thuốc rất khó đọc. Thậm trí có khi viết tên thuốc tắt: penicillin thì chỉ viết: “peni”; gentamicin thì lại viết “genta” v.v.., ghi liều lượng sai 0.01 với 0.1 hoặc chỉ viết tên thuốc không ghi hàm lượng mà chỉ ghi khối lượng như: “ thuốc giảm đau 01 ống” và trong đơn thuốc không chỉ định cách dùng.
Chỉ định nhầm hay phát thuốc nhầm như bệnh nhân được uống paracetamol lại cho uống Asimal (chữa hen suyễn) làm chết hai bệnh nhi (YTĐT) cho bệnh nhân uống nhầm formon làm chết một người và 2 người nhiễm độc nặng (V.M.T.W). Y văn cũng ghi nhận tại Stuart bang Florida thay vì tiêm lidocain gây mê thì họ lại tiêm adrenalin làm bệnh nhân chết vì phù phổi. Theo số liệu của Viện Y khoa Hoa Kỳ hàng năm ở nước này có khoảng 44.000 đến 89.000 ca tử vong do nhầm thuốc.
Chỉ định thuốc cho bệnh nhân không đúng, như người ta có cơ địa dị ứng với thuốc nào đó lại tiếp tục cho loại thuốc ấy như penicillin, gentamicin không hiếm các trường hợp đã chết vì choáng phản vệ, hoặc bệnh nhân đã có bệnh suy gan, viêm thận mạn lại cho thuốc có thuỷ ngân làm bệnh nhân chết vì suy gan, thận cấp, urê máu cao.
1.4. Do thuốc:
Ở nước ta hiện nay có rất nhiều loại thuốc mới, biệt dược mới xuất hiện trên thị trường; môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm, việc dùng thuốc chữa bệnh tuỳ tiện, làm cho tình trạng dị ứng thuốc (phản ứng thuốc) ngày càng có xu hướng tăng. Theo Nguyễn Năng An, Lê Văn Khang trong 2882 đối tượng được điều tra có 201 người bị dị ứng thuốc chiếm 7.05%; có 51 loại thuốc với 19 nhóm gây dị ứng, trong đó chủ yếu do nhóm kháng sinh đứng đầu là Penicillin 17.91%, Ampicilin 11.94%, Cloroxit 6.97%, Tetracilin 498%. Tỷ lệ dị ứng của nhóm kháng sinh trong những người dị ứng thuốc chiếm 57.69%; tiếp theo là các loại sinh tố 12.91%. Điều đặc biệt đáng chú ý là các thuốc dùng để chống dị ứng thì chính nó cũng gây dị ứng như Prednisolon, Phenecgan, Atropin v.v… 4.46%, thậm chí dị ứng gây chết người.
* Tại Trung tâm Y tế huyện ở Quảng Ngãi, dùng atropin chống choáng để hút điều hoà kinh nguyệt, sau khi tiêm ít phút thì nạn nhân khó thở, tím tái và tử vong.
* Tại trung tâm y tế huyện Ngân Sơn Streptomycin bệnh nhân khó thở, tím tái và tử vong.
Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng thuốc:
Biểu hiện lâm sàng của dị ứng rất đa dạng, nhưng đáng lo ngại nhất là sốc phản vệ (choáng phản vệ) đó là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất với nhiều loại thuốc có thể gây sốc phản vệ như kháng sinh, huyết thanh, vacxin, thuốc chống viêm không steroid, vitamin C, v.v…
Bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ biểu hiện nhẹ như bồn chồn, hoảng hốt, đau đầu, hoa mắt, nổi mề đay, buồn nôn, nôn, khó thở, đau bụng, tim đập nhanh, tụt huyết áp; biểu hiện nặng như nghẹt thở, co giật, tim đập yếu, huyết áp không đo được. Trường hợp tối cấp, sau khi dùng thuốc chớp nhoáng bệnh nhân hôn mê, co giật, ỉa đái không tự chủ, tim loạn nhịp, huyết áp không đo được và tử vong sau vài phút. Ngoài ra còn gặp các dạng biểu hiện lâm sàng khác:
– Mày đay: Sau khi dùng thuốc người bệnh thấy nóng bừng người, ngứa râm ran, sau đó xuất hiện những nốt sẩn gồ cao màu hồng nhạt, kích thước to nhỏ không đều, hình tròn hoặc bầu dục thành từng đám trên người, có thể sốt, buồn nôn, khó thở nhẹ. Đây là triệu chứng hay gặp nhất của dị ứng thuốc. Các loại thuốc đều có thể gây mày đay.
– Phù Quinck: là một dạng mày đay lớn do Quinck mô tả năm 1882. Trong da và tổ chức dưới da của bệnh nhân xuất hiện từng đám sưng nề, đường kính 2 – 10 cm, xuất hiện ở những vùng da trên khớp, thân mình, ở mặt, đặc biệt ở mi mắt và môi làm biến dạng mặt, cảm giác ngứa và căng da. Phù Quinck ở thanh quản gây khó thở, ở đường tiêu hoá gây buồn nôn, đau bụng, ỉa chẩy, ở não gây nhức đầu, ở tử cung gây đau bụng dưới ra máu âm đạo.
Viêm da dị ứng do tiếp xúc: nơi có dị nguyên tiếp xúc thấy ngứa đỏ da, sưng nề, mưng mọng.
– Đỏ da toàn thân: gồm viêm đỏ da, có bong vảy da như phấn ở kẽ mưng mů, tay, chân, có khi bị nứt da bội nhiễm.
– Hồng ban nút: sau dùng thuốc người bệnh sốt cao, đau người, xuất hiện nhiều nốt to, nhỏ, nổi lên trên mặt da nhẵn đỏ ấn đau. Màu sắc của nốt chuyển từ màu đỏ đến tím, xanh rồi nhạt dần.
Hội chứng Stevens – Johnson: Sau khi dùng thuốc vài ngày hoặc vài giờ, sốt cao, mệt, ngứa khắp người, nổi ban đỏ và phỏng nước trên da, có thể tổn thương gan, thận.
Hội chứng Lyell: Là tình trạng nhiễm độc da dị ứng nghiêm trọng nhất, gây tử vong nhiều nhất. Lyell là người đầu tiên mô tả hội chứng này vào năm 1956. Bệnh xuất hiện từ vài giờ đến một hai tuần sau khi dùng thuốc với các triệu chứng: mệt rã rời, sốt cao, rét run, ngứa khắp người, trên da xuất hiện nhiều mảng đỏ, vài ngày sau lớp thượng bì tách khỏi da, viêm loét các hốc tự nhiên, có tổn thương gan thận.
2. Bệnh do quá trình điều trị gây nên:
Bệnh do quá trình điều trị gây nên ở Việt Nam cũng như các nước khác có khuynh hướng tăng lên và xảy ra ở mọi chuyên khoa của ngành y và được coi là tai nạn rủi ro, hãn hữu do thiếu tinh thần trách nhiệm. Bởi nghề thầy thuốc từ cổ xưa cho đến ngày nay được nhân loại coi là nghệ “Nhân đạo cao cả”, nghề “cứu nhân độ thế “cứu được mạng sống là phúc đẳng hà sa” nên luôn được kính trọng. Các thầy thuốc không ai muốn bệnh nhân tử vong và khi người bệnh tử vong vì bất cứ lý do nào họ cũng đau buồn và day dứt. Tuy nhiên trong quá trình khám chữa bệnh vẫn không tránh khỏi được những sơ suất, sai sót như phẫu thuật viên bỏ quên dao, kéo trong bụng bệnh nhân. Chỉ định dùng thuốc không đúng đối tượng, không đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm đã để lại hậu quả nghiêm trọng như vụ 34 trẻ em dùng thuốc K-cort (corticoid) chữa hen, viêm phế quản đã bị áp xe chỗ tiêm, teo cơ, mọc lông, da đổi màu. v.v.Thậm chí đã có những trường hợp cắt nhầm phủ tạng (thận nhầm khối u); mổ nhầm tai lành; cắt bao quy đầu gây liệt dương; trả nhầm con v.v… Y văn nước ngoài cũng ghi nhận ở Thuỵ Sĩ có một bệnh nhân 80 tuổi bị viêm tắc động mạch chân trái phải cắt bỏ, nhưng kíp phẫu thuật 8 người đã cắt nhầm chân phải của họ. Tại nước Anh, quận Cambridge, trong gây mê tim bệnh nhân ngừng đập giây lát, hậu quả não thiếu máu, bệnh nhân bị mù và liệt v.v…
Ngày nay việc áp dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để chẩn đoán bệnh và thăm dò chức năng cũng gây một số tai biến, biến chứng như nong động mạch vành gây tử vong; chụp đại tràng bằng thuốc cản quang Baryt làm thủng đại tràng v.v… Theo dõi tại biến trong thông tim người ta gặp 9%, trong đó 6% nhiễm trùng huyết, 1% viêm phúc mạc.
Tại một bệnh viện lớn ở Pháp trong 3 năm có 157 trường hợp biến chứng của điều trị, có 5 trường hợp tử vong. Tại trung tâm cấp cứu trong 2 năm có 264 trường hợp ngộ độc, dị ứng chiếm 2.3% có liên quan đến di truyền 2.3%; phù hợp với thuốc 2.3 %. Cũng tại Pháp một trung tâm hồi sức cấp cứu khác ở Paris có 2.7% tai nạn điều trị tử vong 16%. Theo số liệu của Bộ y tế Mỹ mỗi năm ở nước này có tới 98.000 người bị tử vong do sai sót trong y học gây nên đứng thứ tư trong số các nguyên nhân tử vong sau bệnh tim (727 ngàn ca); đột quỵ (160 ngàn ca); bệnh phổi và ung thư đường hô hấp ( 158 ngàn ca). Trong số này các trường hợp tử vong do lỗi kỹ thuật chiếm 44%. Sau đó là chẩn đoán sai bệnh 17%; nhầm thuốc 10% và các nguyên nhân khác 17%.
3. Giám định y pháp nhiễm độc thuốc và bệnh do điều trị:
Mục tiêu vì sức khỏe nhân dân của cán bộ viên chức ngành y tế là trực tiếp chăm sóc, khám chữa bệnh cho dân bằng chuyên môn nghiệp vụ của mình. Hàng ngày các cán bộ y tế phải tiếp xúc với người bệnh đủ mọi thành phần xã hội. Nội dung và môi trường công tác rất đa dạng, phức tạp ở mọi khâu trong quá trình khám chữa bệnh, nếu không luôn rèn luyện y đức làm chủ bản thân đều có thể dễ xảy ra sơ suất, sai sót hoặc sai phạm. Những khiếm khuyết ấy trong đời thường dễ được bỏ qua. Nhưng đối với thầy thuốc và nhân viên y tế lại có thể trở thành vấn đề bởi dư quan trọng luận xã hội rất mẫn cảm, xúc động về sai sót quan hệ giữa cán bộ y tế với bệnh nhân, mà họ luôn ghi nhận nghề thầy thuốc là nghề nhân đạo cao cả, thầy thuốc phải như mẹ hiền.
Vì vậy khi sai sót xảy ra đối với người thầy thuốc và nhân viên y tế có liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe thì cơ quan chủ quản và cơ quan bảo vệ pháp luật thường phải xem xét hết sức thận trọng, toàn diện, nghiêm túc, thấu tình đạt lý về lợi ích, sức khỏe của nhân dân và đạo nghĩa thiêng liêng của người thầy thuốc.
Đối với giám định viên y pháp, đứng trước một vụ việc được trưng cầu liên quan đến nghiệp vụ y tế cũng phải hết sức tỉnh táo, thận trọng, nghiêm túc, khách quan, khoa học và cần phải:
- Thu lượm đầy đủ các tư liệu về mọi khía cạnh có liên quan đến vụ việc, trước hết là hồ sơ bệnh án, các tang vật liên quan (chai lọ đựng thuốc, bơm tiêm, thuốc còn lại…)
- Khám nghiệm tử thi phải toàn diện. Cần chú ý màu sắc hoen tử thi, đồng tử mắt co hay giãn để định hướng loại thuốc (ngộ độc thuốc ngủ barbituric hoen tử thi màu đỏ tươi…). Cần phải lấy mẫu phủ tạng tìm chất độc, xét nghiệm mô bệnh học v.v…
- Tận dụng tất cả tri thức cao nhất của chuyên gia các chuyên khoa ngành y tế có liên quan để phân tích, đánh giá nhận định, đưa ra kết luận chuẩn xác, thấu tình đạt lý.