Giải quyết tranh chấp về xác định cha cho con. Mức cấp dưỡng cho con chưa thành niên.
Giải quyết tranh chấp về xác định cha cho con. Mức cấp dưỡng cho con chưa thành niên.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có thai với bạn trai trước khi kết hôn. Sau khi tôi sinh con, tôi yêu cầu anh ấy làm giám định ADN để con tôi được khai sinh mang họ của cha, nhưng anh ấy không đồng ý. Tôi có thể nhờ sự can thiệp của Tòa án về việc xác nhận cha cho con không? Đơn mẫu như thế nào? Khi giám định được chính xác cha của con tôi thì tôi có thể đề nghị cha của cháu trợ cấp nuôi con không và đề nghị như thế nào? Tôi cần gửi đơn đến cơ quan nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Nội dung tư vấn:
Như bạn trình bày, bạn có thai với bạn trai trước khi kết hôn. Sau khi bạn sinh con, bạn yêu cầu anh ấy làm giám định ADN để được khai sinh mang họ của cha, nhưng người yêu bạn không đồng ý. Do hai bạn chưa đăng ký kết hôn, nên nếu bạn muốn để tên cha trên giấy khai sinh thì bạn phải thực hiện thủ tục xác nhận cha cho con.
Nay người yêu bạn không đồng ý thực hiện thủ tục này, bạn có quyền làm đơn khởi kiện tới Tòa án để yêu cầu tòa án giải quyêt theo quy định tại Khoản 4, Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015: "4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ."
Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về xác định cha, mẹ như sau:
''1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.''
Như vậy bạn chuẩn bị hồ sơ gồm:
+ Đơn khởi kiện về việc xác nhận cha cho con (theo mẫu của Tòa án)
+ Giấy tờ xác nhận hai người là cha con (băng ghi hình người yêu bạn chơi với con, hình ảnh chung, xét nghiệm ADN,…)
+ Chứng minh thư nhân dân của bạn
+ Sổ hộ khẩu gia đình của bạn
Đối với giám định ADN, bạn phải tự thực hiện được thủ tục này, nếu người yêu bạn không hợp tác thì bạn có thể nhờ Tòa án can thiệp.
Bạn gửi hồ sơ trực tiếp tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu bạn đang sinh sống để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân qua tổng đài: 1900.6568
''1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.''
Như vậy, bạn có quyền yêu cầu người yêu bạn cấp dưỡng cho bạn nuôi con. Nếu người yêu bạn không tự nguyện thực hiện, thì bạn có quyền làn đơn tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu bạn đang sinh sống để được giải quyết.
Điều 188 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định phạm vi khởi kiện như sau: "1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án."
Như vậy, khi khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp xác định cha cho con, thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề cấp dưỡng nuôi con.