Tố cáo luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Tố cáo có ý nghĩa cũng như đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Vấn đề giải quyết tố cáo từ đó cũng rất được quan tâm và pháp luật đã có những quy định cụ thể về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Giải quyết tố cáo là gì?
Ta hiểu về giải quyết tố cáo như sau:
Hoạt động tố cáo có ý nghĩa quan trọng. Tố cáo được hiểu cơ bản chính là việc các cá nhân căn cứ theo thủ tục quy định của pháp luật báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Giải quyết tố cáo được hiểu cơ bản chính là xem xét, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và ra quyết định xử lí theo trình tự và thủ tục do luật định đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo là có hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức nào đó.
Theo quy định pháp luật hiện hành thì việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó thì việc giải quyết tố cáo cũng sẽ cần đảm bảo nguyên tắc đó là cần phải bảo đảm an toàn cho chủ thể là người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
Giải quyết tố cáo tiếng Anh là: Settlement of complaints
2. Nguyên tắc xác định thẩm quyền trong giải quyết tố cáo:
Nguyên tắc xác định thẩm quyền trong giải quyết tố cáo được quy định cụ thể tại Điều 12, Luật Tố cáo năm 2018 với nội dung như sau:
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý cụ thể như sau:
+ Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của chủ thể là người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;
+ Trong trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết. Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
– Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
– Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết.
– Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
3. Nguyên tắc xác định thẩm quyền đối với tố cáo hành vi vi phạm quản lý nhà nước:
Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, Luật Tố cáo năm 2018 quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền như sau:
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Do hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có thể xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực trong quản lý nhà nước như quản lý nhà nước và thuộc thẩm quyền của rất nhiều cơ quan, cá nhân; cũng chính vì vậy, việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối phải căn cứ trên cơ sở nội dung tố cáo.
Trường hợp, tố cáo nhiều hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để thống nhất xác định cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.
Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết.
Nguyên tắc xác định thẩm quyền trong giải quyết tố cáo sẽ tuân theo đúng cá nguyên tắc cụ thể được nêu trên. Mỗi cơ quan sẽ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật khác nhau.
Các chủ thể bị tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 ngoài các quy định tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đã bổ sung quy định tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ…
Thông qua các quy định pháp luật, ta nhận thấy rằng, trong quá trình giải quyết tố cáo, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền cần phải xác định đúng thẩm quyền của mình mà pháp luật về tố cáo quy định từ khi tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; đến xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung tố cáo, xử lý tố cáo và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo… tránh hiện tượng thụ lý, giải quyết tố cáo không đúng thẩm quyền, chồng chéo hoặc đùn đẩy, né tránh giải quyết giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân.