Giải quyết đối với trường hợp phạm nhân bỏ trốn, phạm nhân chết là gì? Quy định về trường hợp phạm nhân bỏ trốn? Quy định về trường hợp phạm nhân chết?
Trại giam là nơi tiếp nhận, tổ chức quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân. Trong quá trình chấp hành bản án có hiệu lực của pháp luật có thể xảy ra trường hợp phạm nhân bỏ trốn hoặc trường hợp phạm nhân chết. Trong những trường hợp này, trại giam nơi quản lý phạm nhân cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải tiến hành thông báo và xử lý theo quy định của Luật thi hành án hình sự 2019. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức pháp lý liên quan đến quy định về giải quyết đối với trường hợp phạm nhân bỏ trốn, phạm nhân chết
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
–
– Luật thi hành án hình sự 2019
– Nghị định 133/2020/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thi hành án hình sự
1. Giải quyết đối với trường hợp phạm nhân bỏ trốn, phạm nhân chết là gì?
Phạm nhân là người đã bị Tòa án tuyên là đã có tội phải chịu hình phạt và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Giải quyết đối với trường hợp phạm nhân bỏ trốn, phạm nhân chết là phương án được đưa ra bởi trai giam nới giam giữ, quản lý phạm nhân cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành các biện pháp truy bắt phạm nhân (trường hợp phạm nhân bỏ trốn) và thủ tục xử lý trong trường hợp phạm nhân chết theo đúng quy định của pháp luật.
2. Quy định về trường hợp phạm nhân bỏ trốn
2.1 Cơ sở pháp lý
Trường hợp phạm nhân bỏ trốn được quy định tại Điều 42 Luật thi hành án hình sự 2019
2.2 Thủ tục giải quyết đối với trường hợp phạm nhân bỏ trốn
– Khi phạm nhân bỏ trốn, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải tổ chức truy bắt ngay,
– Cơ quan thi hành án hình sự đồng thời báo cáo về cơ quan quản lý thi hành án hình sự và thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
– Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi phát hiện phạm nhân bỏ trốn mà việc truy bắt không có kết quả thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt. Mọi trường hợp phạm nhân bỏ trốn đều phải được lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Phạm nhân bỏ trốn là hành vi thiện sự chống đối, ngoan cố của đối tượng phạm tội. Đối tượng bỏ trốn sẽ là mối de dọa nghiêm trọng đối với trật tự an toàn xã hội, vì vậy việc truy bắt phạm nhân cần phải diễn ra nhanh chóng và ít gây tổn hại nhất.
2.3 Truy nã phạm nhân bỏ trốn
Truy nã phạm nhân bỏ trốn là việc cơ quan điều tra ra quyết định để truy tìm tung tích của phạm nhân khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.
Theo quy định tại Điều 112 BLTTHS 2015 về bắt người bị truy nã bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
2.4 Giải quyết đối với trường hợp phạm nhân bỏ trốn ra đầu thú
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 42, trường hợp phạm nhân đã bỏ trốn ra đầu thú thì cơ quan tiếp nhận phạm nhân đầu thú lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền hoặc giao phạm nhân đó cho cơ quan thi hành án hình sự nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.
2.4 Khởi tố phạm nhân bỏ trốn khỏi trại giam
Hành vi trốn khỏi trại giam sẽ bị khởi tố một tội danh độc lập do đối tượng trốn khỏi trại giam đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, khi xét xử tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với tội danh mới. Sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung (theo quy định tại khoản 2, Điều 56
Đôi với hành vi trốn khỏi nơi giam giữ, phạm nhân có thể bị khởi tố theo Điều 386 BLHS 2015 sửa đổi 2017, cụ thể:
” Điều 386. Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử
1. Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải”.
Như vậy, đối với phạm nhân bỏ trốn khỏi nơi giam giữ có thể bị phạt tù với khung hình phạt cao nhất là 10 năm.
3. Quy định về trường hợp phạm nhân chết
3.1 Cơ sở pháp lý
Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết được quy định tại Điều 56 Luật thi hành án hình sự 2019
3.2 Thủ tục giải quyết trường hợp phạm nhân chết
Trách nhiệm thông báo
– Khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân.
– Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tục đăng ký khai tử tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân trước khi làm thủ tục mai táng.
– Trường hợp phạm nhân chết ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó gửi giấy báo tử cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
– Trường hợp phạm nhân chết là người nước ngoài, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trại giam có trách nhiệm tổ chức mai táng.
Thực hiện các thủ tục mai táng
– Khi cơ quan có thẩm quyền cho phép làm các thủ tục mai táng người chết thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo về việc mai táng cho thân nhân hoặc người đại diện của phạm nhân.
– Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị thì bàn giao tử thi đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
– Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện tổ chức mai táng theo quy định của pháp luật và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của người chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Viện kiểm sát có thẩm quyền, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở.
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc mai táng và quản lý mộ của phạm nhân. Kinh phí cho việc mai táng được Nhà nước cấp.
– Trường hợp phạm nhân chết là người nước ngoài, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi thông báo về phạm nhân chết, nếu cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch không đề nghị nhận tử thi thì trại giam tổ chức mai táng.
Thân nhân đề nghị nhận tự thi hoặc hài cốt của phạm nhân
– Trường hợp thân nhân hoặc đại diện của phạm nhân có đơn đề nghị được nhận tử thi hoặc hài cốt của phạm nhân và tự chịu chi phí, thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể xem xét, giải quyết, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.
– Việc nhận hài cốt chỉ được giải quyết sau thời hạn 03 năm kể từ ngày mai táng. Trường hợp phạm nhân là người nước ngoài thì việc nhận tử thi hoặc hài cốt phải được cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định.
Như vậy, hậu quả pháp lý đối với trường hợp phạm nhân đang chấp hành bản án của Tòa án bị chết thì quyết định chấp hành án phạt tù sẽ bị đình chỉ. Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của người chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Viện kiểm sát có thẩm quyền, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về giải quyết đối với trường hợp phạm nhân bỏ trốn, phạm nhân chết. Để được tư vấn rõ hơn hoặc có bất cứ vấn đề pháp luật gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!