Giải pháp hoàn thiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm? Hoàn thiện các văn bản pháp luật khác về kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự?
Thực trạng cho thấy, sự hạn chế về chất lượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, một phần là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Trước hết cần nghiên cứu và bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự để bảo đảm có cơ sở pháp lý cho hoạt động kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và cần tập trung tháo gỡ những vấn đề cơ bản sau:
Mục lục bài viết
1. Hoàn thiện quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm:
– Sửa đổi quy định về đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định đối tượng của kháng cáo, kháng nghị gồm “quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm” tuy nhiên lại không quy định rõ những quyết định đó là những quyết định nào. Bởi trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành rất nhiều loại quyết định, việc quy định chung chung như vậy gây khó khăn cho việc xác định đối tượng của kháng cáo, kháng nghị..
Chính vì vậy, cần sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng quy định rõ về đối tượng của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, cụ thể:
“2. Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo”.
– Bổ sung quyền kháng cáo cho bị can.
Khi vụ án bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, bị hại, đương sự có quyền kháng cáo nếu các quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định nào để bị can yêu cầu giải quyết tiếp vụ án, nếu như các quyết định đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Việc chưa quy định quyền kháng cáo cho bị can dẫn đến không đảm bảo quyền bình đẳng giữa bị can với bị hại, đương sự trong vụ án. Do vậy, việc bổ sung quyền kháng cáo đối với bị can là cần thiết, một mặt, bảo vệ quyền lợi cho bị can, mặt khác, quyền kháng cáo của bị can cũng góp phần tạo nên sự bình đẳng giữa những chủ thể tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Bên cạnh đó, việc giải quyết vụ án được đưa lên cấp phúc thẩm để xem xét sẽ bảo đảm được tính chính xác, khách quan và thuyết phục hơn.
– Bổ sung quy định về quyền kháng cáo của người đại diện của bị hại tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định chỉ trong trường hợp có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của bị hại thì HĐXX phúc thẩm có quyền sửa bản án theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm cả theo hướng có lợi hoặc bất lợi cho bị cáo. Nhưng theo khoản 2 Điều 357 thì kể cả trong trường hợp bị hại chết, người đại diện của họ cũng không thể kháng cáo theo hướng tăng hình phạt, tăng mức bồi thường thiệt hại cho bị cáo bởi điều luật này không quy định cho người đại diện của bị hại được kháng cáo. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 357 và khoản 1 Điều 331, khoản 5 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là mâu thuẫn với nhau và không đảm bảo quyền kháng cáo người đại diện hợp pháp của bị hại. Theo đó, nên bổ sung quy định về quyền kháng cáo của người đại diện của bị hại vào khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
– Sửa đổi, bổ sung quyền kháng cáo cho người bị Tòa án tuyên không có tội quy định tại khoản 6 Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Khoản 6 Điều 331 quy định: Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội. Tuy nhiên việc quy định như vậy là hạn chế bởi ngoài phần căn cứ xác định không có tội, còn những phần khác của bản án có liên quan đến quyền lợi của họ mà người đó cũng cần có quyền kháng cáo để đảm bảo quyền lợi của chính mình. Bởi vậy nên sửa lại khoản 6 Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 theo hướng như sau:
“Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội và những phần khác của bản án liên quan đến họ”.
Bên cạnh đó nên có văn bản giải thích phần bản án liên quan đến những chủ thể này bao gồm: Phần bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng...
– Sửa đổi phạm vi kháng nghị của Viện kiểm sát
Như đã phân tích tại mục 2.2.2 của Chương II, việc quy định Viện kiểm sát có quyền kháng nghị việc tăng mức bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là chưa phù hợp bởi Viện kiểm sát không phải là chủ thể của quyền dân sự trong vụ án hình sự mà quyền đó thuộc về đương sự. Đương sự trong vụ án có quyền tự định đoạt và thỏa thuận nhau về mức bồi thường trong vụ án. Do đó cần sửa đổi quy định về phạm vi kháng nghị của Viện kiểm sát tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 theo hướng thu hẹp như sau:
“2. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể: Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp; Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn; Không cho bị cáo hưởng án treo.”
– Bổ sung quy định về căn cứ kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm
Trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định căn cứ kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Đối với kháng cáo thường mang ý chí chủ quan của người kháng cáo, từ đó dẫn đến tình trạng thực tế nhiều kháng cáo tràn lan, gây tốn kém và mất thời gian cho các hoạt động tố tụng. Đối với kháng nghị, chỉ dựa trên Quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự do Viện kiểm sátND tối cao ban hành để xác định bốn căn cứ để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 37), tuy nhiên quy định đó chỉ mang tính chất hướng dẫn nội bộ trong ngành Kiểm sát, không có hiệu lực chung với các ngành khác. Có thể thấy khi bàn về các căn cứ này chúng ta chỉ dựa trên các quy định trong các bản hướng dẫn của Viện kiểm sátND để làm căn cứ áp dụng mà chưa hề có các quy định về mặt lập pháp tố tụng hình sự”. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác kháng cáo, kháng nghị, cần xem xét bổ sung những quy định cụ thể về căn cứ kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để tạo ra sự thống nhất trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật.
– Bổ sung quy định về thủ tục và hình thức kháng cáo, kháng nghị
Về thủ tục và hình thức kháng cáo: Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cho phép chủ thể thực hiện quyền kháng cáo theo hai hình thức là đơn kháng cáo và trình bày kháng cáo trực tiếp tại Tòa án. Quy định này còn tồn tại một số hạn chế sau:
Thứ nhất, Điều 332 Bộ luật tố tụng hình sự chỉ ghi nhận nội dung cần có trong đơn kháng cáo mà không quy định biên bản kháng cáo trong trường hợp kháng cáo trực tiếp tại Tòa án phải có những nội dung gì. Để thống nhất cũng như đảm bảo nội dung của biên bản, cần bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 332 như sau: “2. Đơn kháng cáo, biên bản về việc kháng cáo có các nội dung chính:….”
Thứ hai, mặc dù khoản 1 của Điều 334 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định Tòa án phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo nhưng không có điều luật nào quy định về tính hợp lệ của kháng cáo. Đây là điểm bất cập của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cần được hoàn thiện trong thời gian tới.
Thứ ba, Điều 332 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bị cáo đang bị tạm giam thực hiện quyền kháng cáo của mình dưới hình thức đơn kháng cáo nhưng không quy định việc thực hiện kháng cáo bằng lời trình bày. Trong trường hợp họ là người không biết chữ hoặc không có khả năng viết được đơn kháng cáo, nên luật này không quy định rõ đối với trường hợp người kháng cáo là bị cáo đang bị tạm giam thì có thể thực hiện việc kháng cáo thông qua việc trình bày trực tiếp với Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án hoặc Tòa án cấp phúc thẩm hay không?”. Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo đang bị tạm giam nói riêng và của quyền bình đẳng của các chủ thể có quyền kháng cáo nói chung, nên bổ sung quy định lập biên bản về việc kháng cáo hoặc trình bày trực tiếp kháng cáo trong trường hợp bị cáo không có khả năng viết đơn kháng cáo..
Về hình thức và thủ tục kháng nghị cũng không được quy định trong một điều luật cụ thể nào của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Hình thức kháng nghị chỉ được quy định tại Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự của Viện kiểm sátND tối cao. Do đó, pháp luật tố tụng hình sự cần bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.
– Sửa đổi, bổ sung quy định về kháng cáo quá hạn
Thứ nhất, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định về thời hạn xét kháng cáo quá hạn. Có thể thấy quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn có ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể kháng cáo, trong trường hợp kháng cáo quá hạn được chấp nhận, các chủ thể có liên quan cũng cần có thời gian để chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm, nhất là trường hợp bản án đã có hiệu lực được một thời gian dài, bản án cũng đang được thi hành thì càng ảnh hưởng đến quyền lợi của những người liên quan đến bản án. Do đó, cần đặt ra vấn đề về thời hạn giải quyết kháng cáo quá hạn.
Thứ hai, kháng cáo được thực hiện thông qua hai hình thức là bằng đơn kháng cáo hoặc bằng lời trình bày trực tiếp của người kháng cáo với Tòa án. Tuy nhiên, tại Điều 335 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ đề cập đến thủ tục, trình tự xét đơn kháng cáo quá hạn mà không quy định về thủ tục, trình tự xét kháng cáo quá hạn đối với trường hợp người kháng cáo trực tiếp trình bày với Tòa án. Điều này dẫn tới không đảm bảo quyền lợi của người kháng cáo trong trường hợp người kháng cáo trình bày kháng cáo trực tiếp tại Tòa án. Vì vậy, nên sửa đổi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 335 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để bao quát rộng hơn hình thức của kháng cáo quá hạn, đảm bảo tính công bằng, quyền bình đẳng của các chủ thể thực hiện kháng cáo, cụ thể:
Thứ ba, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể như thế nào là “lý do bất khả kháng” và “trở ngại khách quan” là căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét kháng cáo quá hạn. Điều đó dẫn đến sự không thống nhất trong cách áp dụng pháp luật và không đảm bảo được quyền lợi của người kháng cáo . Do vậy, cần bổ sung quy định cụ thể những trường hợp nào được coi là “lý do bất khả kháng”, “trở ngại khách quan”.
– Sửa đổi quy định về thời hạn
Thời hạn Tòa án cấp sơ thẩm giao, gửi bản án cho Viện kiểm sát trong 10 ngày theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là chưa phù hợp. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm giao bản án đúng thời hạn là 10 ngày thì Viện kiểm sát cùng cấp chỉ có 05 ngày và Viện kiểm sát cấp trên xem xét kháng nghị cũng chỉ có 20 ngày để nghiên cứu bản án sơ thẩm, hồ sơ vụ án.Thời hạn này là không đủ bởi việc nghiên cứu, xem xét quyết định kháng nghị cần nhiều thời gian hơn, đặc biệt trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp. Do đó, cần sửa đổi theo hướng rút ngắn thời hạn giao, gửi bản án của Tòa án cấp sơ thẩm tại khoản 1 Điều 262 để đảm bảo quyền kháng nghị của Viện kiểm sát, nâng cao chất lượng của quyết định kháng nghị.
– Sửa đổi, bổ sung quy định về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị
Theo quy định tại khoản 1 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì sự thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phải tuân thủ nguyên tắc “không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo”. Có thể thấy quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ đưa ra điều kiện đối với việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị là không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo mà “không hạn chế bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị làm xấu hơn tình trạng của các đương sự khác”. Vì vậy, bên cạnh nguyên tắc không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo cần bổ sung quy định về việc thay đổi, bổ sung kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm phải xem xét đến quyền và lợi ích của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án để không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Có như vậy mới bảo đảm triệt để nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
2. Hoàn thiện các văn bản pháp luật khác:
– Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường thực hiện hoạt động giải thích pháp luật, nhất là việc giải thích những quy định của các đạo luật tư pháp mới ban hành tạo sự thống nhất trong việc hiểu các quy định của pháp luật. Đồng thời, các cơ quan liên ngành tố tụng trung ương phối hợp chặt chẽ kịp thời ban hành, bổ sung các quy định về việc phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của công tác giải quyết các vụ án. Thẩm quyền hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử phải được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, theo đó chỉ có Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mới có quyền ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, tuyệt đối không được ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật đơn ngành tùy tiện không đúng thẩm quyền như trong thời gian qua.
– Liên ngành tư pháp cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, như:Quy định rõ các căn cứ và những yêu cầu đối với một bản kháng nghị; trình tự, thủ tục, thẩm quyền, hậu quả pháp lý khi Viện kiểm sát rút một phần hay toàn bộ kháng nghị. Sửa đổi Điều 337 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 theo hướng thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp nhận được bản án, quyết định sơ thẩm để Viện kiểm sát có thời gian kiểm tra, nghiên cứu phát hiện vi phạm kháng nghị phúc thẩm...
– Ngoài việc hoàn thiện bộ luật, các luật nêu trên cần hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật như các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán
+ Sửa đổi Điều 11 và Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo hướng nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp Tòa án không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thuộc về những chủ thể đã kháng cáo, kháng nghị độc lập.
+ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về việc giao
pháp luật của các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong đó có nhiều kháng nghị của Viện kiểm sátND trong một số lĩnh vực không được Tòa án chấp nhận, nguyên nhân do còn khác nhau về việc đánh giá, quan điểm giải quyết giữa hai cơ quan, trong khi đó không có hướng dẫn của ngành cấp trên.
+ Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa vào thi hành hơn 03 năm nhưng đến nay một số văn bản hướng dẫn áp dụng vẫn chậm sửa đổi theo quy định mới mà vẫn áp dụng các văn bản hướng dẫn đối với các quy định pháp luật cũ như vậy là không phù hợp, điển hình như: Nghị quyết số 04/2004/NQ–HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “xét xử sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Nghị quyết số 05/2005/NQ–HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư “xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự...
Hiện nay Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn về phần xét xử phúc thẩm nên các cơ quan áp dụng pháp luật vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết 05/2005 hướng dẫn phần xét xử phúc thẩm cho Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Mặt khác giữa Nghị quyết 05/2005 và Bộ luật tố tụng hình sự 2015 vẫn có quy định chưa thống nhất về chủ thể có quyền kháng cáo cũng như phạm vi kháng cáo dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan áp dụng pháp luật cũng như làm cho những chủ thể có quyền kháng cáo không nắm chắc được quy định của pháp luật về phạm vi kháng cáo của họ.