Một số kiến nghị giải pháp đảm bảo quyền của phụ nữ trong tố tụng hôn nhân và gia đình gao gồm: Giải pháp hoàn thiện pháp luật; Giải pháp về tổ chức, thể chế và xã hội.
Hoàn thiện những quy định của pháp luật hiện hành là giải pháp cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ. Tuy nhiên, để đưa những quy định này vào thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền của phụ nữ là một chặng đường dài, đòi hỏi những giải pháp có tính đồng bộ, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật quy định về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ, theo tác giả, cần thực hiện hai giải pháp chính bao gồm giải pháp hoàn thiện pháp luật và giải pháp hoàn thiện tổ chức, thể chế và xã hội.
1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật:
Thông qua phân tích những quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong tố tụng vụ việc HNGĐ và thực tiễn áp dụng đã nêu trên, pháp luật về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ cần được bổ sung và hoàn thiện hơn. Trong giới hạn phạm vi của vấn đề nghiên cứu, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần đảm bảo tốt hơn cho việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong tố tụng vụ việc HN&GĐ. Cụ thể như sau:
– Sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện giữa vợ và chồng cho phù hợp với thực tiễn, hạn chế các nguy cơ vô hiệu của giao dịch:
– Sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng và các quy định khác về quyền sở hữu của vợ chồng để đảm bảo sự minh bạch, công khai đối với các giao dịch liên quan đến tài sản trong hôn nhân góp phần bảo vệ lợi ích của gia đình, quyền, lợi ích của người thứ ba ngay tình.
– Về bảo vệ quyền tự do ly hôn của người phụ nữ
Thứ nhất, trong trường hợp yêu cầu ly hôn xuất phát từ một bên theo quy định tại Điều 56 Luật HN&GĐ năm 2014 [13, Điều 56], pháp luật cần nêu rõ cụ thể như thế nào là vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng để đảm bảo quyền lợi cho người vợ.
Thứ hai, cần quy định bổ sung xem xét các trường hợp người vợ bị tâm thần hoặc bị bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi của minh đồng thời người chồng không có hành vi bạo lực với người vợ nhưng có hành vi tẩu tán, chiếm đoạt tài sản của người vợ. Trong trường hợp này pháp luật chưa có quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người vợ.
Thứ ba, quy định tại Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014 [13, Điều 51] cần phải có những hướng dẫn bổ sung quy định làm rõ các trường hợp sau: Nếu người chồng không có hành vi bạo lực gia đình mà có hành vi tẩu tán, chiếm đoạt tài sản của người vợ thì cha, mẹ, người thân thích cũng được quyền thay mặt người vợ yêu cầu ly hôn.
– Về bảo vệ quyền làm mẹ của người vợ khi ly hôn
Một là, để bảo vệ quyền làm mẹ của người vợ thì pháp luật đã hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong một số trường hợp. Nhưng cần xem xét một số trường hợp sau để thuận tiện trong việc thực thi pháp luật. Trường hợp người chồng biết rõ và có chứng cứ khẳng định người vợ đang mang thai không phải là con chung của hai người thì cần quy định để người chồng được quyền ly hôn, Trường hợp người vợ nhận nuôi con riêng và con nuôi dưới 12 tháng tuổi, pháp luật nên cho phép người chồng có quyền ly hôn để đảm bảo cuộc sống ổn định của vợ, chồng.
Hai là, pháp luật cần quy định người vợ bị tâm thần, bị bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cần có người đại diện hoặc giám hộ để chăm sóc, quản lý tài sản sau khi ly hôn theo quy định tại Điều 51 Luật HN&GĐ năm 2014.
– Về bảo vệ quyền sở hữu tài sản của người vợ khi ly hôn
Một là, pháp luật ghi nhận sau khi kết hôn thì quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, để đảm bảo hơn nữa thì ngoài pháp luật HN&GĐ thì các quy định pháp luật khác về đăng ký, về chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần có quy định chặt chẽ hơn, phù hợp để đảm bảo quyền sử dụng đất của người vợ.
Hai là, quyền sở hữu tài sản của người vợ trong tài sản chung đưa vào sản xuất kinh doanh cần có quy định cụ thể hơn trong các trường hợp tài sản chung của vợ chồng là các tài sản vô hình, các quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ được đưa vào sản xuất, kinh doanh. Việc phân định tài sản này cho các bên sau khi ly hôn còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được so với thực tiễn đặt ra.
Ba là, việc vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận cần được quy định cụ thể hơn. Cần phải cho phép vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận ngay cả khi vợ chồng đã kết hôn thì mới đảm bảo quyền nhân thân về tài sản của vợ chồng cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Pháp luật cần định cụ thể về việc thỏa thuận trong nội dung thỏa thuận về tài sản quy của vợ chồng. Lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận tức là về nguyên tắc là không cần sử dụng đến quy định của pháp luật khi phân chia tài sản sau ly hôn. Do vậy, cần quy định cụ thể sau khi ly hôn người vợ, người chồng được hưởng phần tài sản như thế nào trong khối tài sản chung và được hưởng thế nào trong khối tài sản riêng của bên kia.
– Về bảo vệ quyền lưu cư ở của người vợ khi ly hôn
Một là, pháp luật cần quy định cụ thể hóa quyền lưu cư cho người vợ. Về mặt quy định pháp luật người vợ có quyền lưu cư nhưng nếu người chồng không có nghĩa vụ cho người vợ được lưu cư thì rất khó có thể thực hiện quyền này của người vợ, pháp luật cũng chưa dự phòng được những trường hợp thực tế nếu người vợ được quyền lưu cư lại trong nhà của người chồng nhưng người chồng có hành vi cản trở việc thực hiện quyền, có hành vi gây khó khăn trở ngại cho người vợ như cắt điện, cắt nước sinh hoạt, có hành vi chửi bới, mắng đuổi người vợ trong thời gian lưu cư thì pháp luật HN&GĐ chưa quy định được chế tài cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người vợ.
Hai là, việc phân chia nhà ở của vợ chồng khi nhà ở là tài sản của người khác cũng chưa có quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi cho người vợ. Pháp luật cần bổ sung thêm quy định bảo vệ sự ổn định về nơi ở của người vợ khi ly hôn trong trường hợp này. Đặt trong bối cảnh cụ thể người vợ khi nuôi con nhỏ rất khó khăn trong trường hợp ổn định nơi ở và nếu sau khi ly hôn người chồng có những hành vi gây trở ngại cho người vợ thì sẽ ảnh hưởng, đảo lộn cuộc sống của người vợ. Do đó, cần bổ sung thêm quy định về trường hợp này.
– Về bảo vệ quyền được cấp dưỡng của người vợ. Pháp luật quy định người chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người vợ sau khi ly hôn nếu người vợ khó khăn, túng thiếu và có lý do chính đáng. Nếu người chồng không thực hiện việc cấp dưỡng thì theo quy định người vợ có được quyền yêu cầu Tòa án buộc người chồng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hay không? Để đảm bảo tốt hơn cho quyền lợi của người vợ thì pháp luật về tố tụng cần quy những trường hợp này phải được thực hiện trong thời gian tố tụng ngắn nhất và nhanh nhất đồng thời phải trải qua thủ tục tố tụng đơn giản nhất. Thêm vào đó phải bổ sung khái niệm thế nào là khó khăn, túng thiếu.
2. Giải pháp về tổ chức, thể chế và xã hội:
Hoàn thiện những quy định của pháp luật hiện hành là giải pháp cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ. Tuy nhiên, để đưa những quy định này vào thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền của phụ nữ là một chặng đường dài, đòi hỏi những giải pháp có tính đồng bộ, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật quy định về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong tố tụng vụ việc HN&GĐ, theo tác giả, cần thực hiện những biện pháp sau:
– Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân trí. Nhà nước cần chú trọng đầu tư, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng nông thôn, hải đảo, miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Việc nâng cao trình độ dân trí đồng nghĩa với việc người dân có khả năng tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn. Từ đây góp phần cải tạo tư duy theo lối mới ở những người lạc hậu bảo thủ. Đồng thời có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể xã hội để đào tạo giáo dục, định hướng cho thanh thiếu niên về HN&GĐ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
– Giải pháp về tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật là giải pháp nhằm mục đích nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân nói chung, người phụ nữ nói riêng để họ chủ động, tích cực bảo vệ quyền của mình và dũng cảm đấu tranh khi các lợi ích của mình bị xâm phạm.
Để việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ đạt hiệu quả, các cơ quan chức năng ở địa phương, Sở Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể xã hội trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ nói chung, pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về bảo vệ quyền lợi, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ tại các địa bàn dân cư bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau như mở lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tổ chức các cuộc thi về tìm hiểu Luật HN&GĐ, Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình; phát hành tờ rơi, thông tin trên báo đài và các phương tiện truyền thông khác theo quy định của pháp luật ...
Bên cạnh việc nâng cao hiểu biết pháp luật cần tăng cường nhận thức cho người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa về thực trạng tảo hôn, chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn; đưa ra các ví dụ điển hình về số phận của những người phụ nữ bất hạnh khi ly hôn ... Từ đó, góp phần thay đổi quan điểm của chị em phụ nữ và nâng cao ý thức bảo vệ mình trong quan hệ HN&GĐ.
– Giải pháp đối với hoạt động của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể có liên quan trong việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Bảo vệ quyền của phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: Đối với các cơ quan quản lý hộ tịch, việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Tư pháp – Những người trực tiếp thực thi và áp dụng pháp luật về kết hôn cần phải được chú ý.
Vì thế, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp địa phương cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, đảm bảo cán bộ Tư pháp có trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý hộ tịch, góp phần quản lý chặt chẽ, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật xâm hại tới quyền lợi của phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ. Ngành Tòa án nhân dân có vai trò quan trọng trong việc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật HN&GĐ trong thực hiện, bảo vệ các quyền về HN&GĐ của người dân. Ngành Tòa án cần tích cực thực hiện công tác triển khai thi hành Luật HN&GĐ năm 2014. Bên cạnh việc tham gia ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HN&GĐ năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao cần phải tiến hành nhiều hoạt động tập huấn nâng cao nghiệp vụ giải quyết các vụ việc dân sự nói chung, vụ việc về HN&GĐ nói riêng để hạn chế ban hành những bản án, quyết định thiếu rõ ràng, có sai sót hoặc khó thi hành ...
Trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã đóng vai trò tích cực trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật HN&GĐ trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc về HN&GĐ kịp thời, đúng pháp luật. Đồng thời, ngành Kiểm sát thông qua công tác kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố đã góp phần quan trọng trong việc xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm chế độ HN&GĐ, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền, lợi ích chính đáng của người dân được tôn trọng và bảo vệ.
Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực HN&GĐ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tổ chức nhiều đợt tập huấn cho Viện Kiểm sát nhân dân các cấp những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật HN&GĐ năm 2014 và nghị định hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ; đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên nắm vững những quy định của pháp luật trong lĩnh vực HN&GĐ để áp dụng cho phù hợp trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần chú trọng tập hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật HN&GĐ năm 2014, xây dựng các thông báo rút kinh nghiệm trong nhận thức, áp dụng pháp luật cho Viện Kiểm sát địa phương. Cần chỉ đạo hướng dẫn tập trung, đồng bộ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng với sự tích cực nghiên cứu, tìm hiểu để vận dụng của cán bộ toàn ngành góp phần làm cho ngành Kiểm sát hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh các giải pháp chính nêu trên, còn có những giải pháp khác có thể đóng góp trong việc đảm bảo quyền của phụ nữ:
– Hoàn thiện hệ thống chính sách về bình đẳng giới, thực hiện vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong HN&GĐ trong các chính sách, pháp luật, chương trình, chiến lược;
– Phát triển các hệ thống dịch vụ có chất lượng, hiệu quả để hỗ trợ cho phụ nữ và nam giới tiếp cận và thực hiện được các quyền của mình trong HN&GĐ;
– Có cơ chế huy động nguồn lực từ xã hội và ngân sách của Nhà nước cho việc thực thi bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ trong HN&GĐ;
– Tăng cường các nghiên cứu liên quan đến bình đẳng giới nói chung, trong việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ nói riêng nhằm cung cấp cơ sở khoa học vững chắc cho việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về vấn đề này trong HN&GĐ;
– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương, song phương và phi Chính phủ, nâng cao hiệu quả hội nhập để người dân có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận các quyền về HN&GĐ nói chung và bình đẳng giới nói riêng,
– Nâng cao năng lực, thể chế phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong quan hệ HN&GĐ. Tăng cường sự chỉ đạo và kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới nói chung, trong HN&GĐ nói riêng nhằm tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong triển khai, thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trong HN&GĐ.