Một số giải pháp chủ yếu về bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.
Nếu chúng ta không khẩn trương thực hiện hành động cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu, thì trẻ em sẽ tiếp tục phải chịu thiệt hại và ảnh hưởng đến quyền nhiều nhất. So với người lớn, trẻ em cần nhiều thức ăn và nước uống trên một đơn vị trọng lượng cơ thể hơn, ít có khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, và dễ bị ảnh hưởng hơn bởi hóa chất độc hại, thay đổi nhiệt độ, và bệnh tật,…vì vậy, một số giải pháp chủ yếu để đảm bảo quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam tác giả để xuất như sau:
Tăng cường vai trò, quản lý đầu tư của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu. Nhà nước cần tăng cường đầu tư ngân sách và nguồn lực về khả năng chống chịu, và thích ứng với biến đổi khí hậu trong các dịch vụ chính cho trẻ em. Để bảo vệ trẻ em, cộng đồng và những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra, các dịch vụ quan trọng phải được tăng cường tính thích ứng, bao gồm hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường, các dịch vụ y tế và giáo dục.
Giảm phát thải khí nhà kính. Để ngăn ngừa các tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng khí hậu, cần thực hiện hành động toàn diện và khẩn cấp. Việt Nam nên phối hợp cùng với các quốc gia cam kết và phải cắt giảm lượng phát thải ít nhất là 45% (so với mức năm 2010) vào năm 2030 để giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5 độ C.
Nhà nước cần đảm bảo việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 mang tính xanh, hòa nhập, và phát thải ít khí carbon, nhằm không gây tổn hại đến năng lực của các thế hệ tương lai trong việc giải quyết và ứng phó với khủng hoảng khí hậu và hướng dẫn cách tiếp cận thích ứng với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới đối với tất cả các địa phương.
Nâng cao giáo dục nhận thức về bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu Giáo dục cho trẻ em về khí hậu và trang bị cho các em kỹ năng xanh, đảm bảo trẻ em ở các khu vực nông thôn, vùng núi, hải đảo cũng có thể tiếp cận được bằng cách lồng ghép biến đổi khí hậu và thích ứng vào chương trình giảng dạy trong trường học. Đây là những kỹ năng rất quan trọng để trẻ em thích ứng và chuẩn bị trước các tác động của biến đổi khí hậu. Trẻ em và thanh thiếu niên sẽ phải đối mặt với toàn bộ hậu quả tàn khốc của khủng hoảng khí hậu và mất an ninh nguồn nước, trong khi các em không phải là đối tượng gây ra tình trạng đó. Chúng ta cần thể hiện trách nhiệm đối với tất cả thanh thiếu niên và thế hệ tương lai. Trong đó, nhà trường và gia đình là nòng cốt trong việc giáo dục, trang bị kỹ năng cho trẻ em để có thể thích ứng và có kỹ năng chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai.
Khuyến khích, thúc đẩy, nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em, thanh thiếu niên biết đến tất cả các cuộc thi, bài tìm hiểu, các cuộc đàm phán và quyết định về khí hậu của quốc gia, trong khu vực và trên toàn cầu. Trẻ em, thanh thiếu niên phải được tham gia trong tất cả các quyết định liên quan đến khí hậu. Nhà nước cần đảm bảo có cơ chế và khuyến khích rõ ràng để trẻ em và thiếu niên có cơ hội nêu lên ý kiến về mối quan tâm, ưu tiên và đóng góp ý tưởng, sáng tạo đổi mới với vai trò tác nhân thay đổi trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Nếu thay đổi thực sự diễn ra, việc lắng nghe ý kiến của trẻ em và thanh thiếu niên về các vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến các em trong hiện tại và tương lai là rất quan trọng. Hiện nay, đã có pháp luật hỗ trợ với mục đích rõ ràng; việc cần thiết bây giờ là cần phát huy sự tư duy sáng tạo, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu cởi mở những quan điểm có thể thay đổi tình trạng hiện tại của trẻ em. Điều quan trọng cần đưa ý kiến và tiếng nói của trẻ em vào đánh giá về tính dễ bị tổn thương và vấn đề về biến đổi khí hậu để cung cấp thông tin cho chính sách, chiến lược và hành động của quốc gia.
Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các kế hoạch, hành động giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu
Cùng với người lớn, trẻ em cũng có thể trực tiếp thực hiện các kế hoạch, hành động nhằm góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu dưới sự hướng dẫn của thầy cô, gia đình, hoặc thông qua sách báo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng:
Thứ nhất, tiết kiệm năng lượng: Thông qua việc đưa ra những lựa chọn ít tác động có hại hơn đến môi trường, trẻ em có thể góp phần nào đó trong việc thay đổi kết quả và tạo ra sự ảnh hưởng tới mọi người. Từ nguồn điện sử dụng, thức ăn tiêu thụ và phương tiện chúng ta đi lại.
Thứ hai, trồng nhiều cây xanh (nhất là những loại cây hấp thụ nhiều CO2 trong quá trình quang hợp) nhằm làm giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển, từ đó làm giảm hiệu ứng nhà kính khí quyển.
Thứ ba, chia sẻ với gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, lên tiếng đối với mọi hành động hủy hoại và tác động xấu đến môi trường. Kêu gọi người thân trong gia đình, bạn bè thực hiện hành động cụ thể nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, cụ thể: tiết kiệm năng lượng, phân loại rác tại nguồn, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thứ tư, theo dõi lượng phát thải carbon hằng ngày bằng cách rèn luyện thói quen phân loại rác hằng ngày để kiểm soát lượng phát thải khí CO2 của bản thân từ các hoạt động ăn uống.
Sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật trong việc bảo đảm quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu
Hiện nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể nào liên quan đến vấn đề đảm bảo quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu, nhà nước cần sớm xây dựng, ban hành một đạo luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung trong các quy định đã có liên quan đến vấn đề lấy trẻ em làm trung tâm, trao quyền cho trẻ em giám sát, hành động, quản lý rủi ro một số vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu. Đây là một việc làm cần thiết để làm khung cơ sở pháp lý cho các kế hoạch, hành động trở nên có hiệu quả hơn, làm gia tăng trách nhiệm của người lớn đối với trẻ em trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. Vì vậy, trẻ em cũng cần được hướng dẫn, học cách thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự báo về biến đổi khí hậu
Khi các tác động của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu lên kinh tế và con người ngày càng gia tăng, tầm quan trọng của các dự báo cũng sẽ ngày càng quan trọng đối với cuộc sống và sinh kế của con người.
Điều này dẫn đến một sự thay đổi trong nhận thức về tác động của các dự báo đối với cuộc sống, được thúc đẩy bởi cộng đồng khí tượng quốc tế và được tạo điều kiện bởi những bước tiến nhảy vọt trong khoa học và công nghệ. Mặc dù không thể ngăn cản biến đổi khí hậu và những tác động của nó đến đời sống kinh tế xã hội, tuy nhiên chúng ta có thể giảm thiểu được số người thương vong, thiệt hại kinh tế nặng nề, bảo đảm quyền con người nói chung và quyền trẻ em nói riêng tốt hơn nhờ vào việc tăng cường các cảnh báo chính xác và kịp thời.
Để làm tốt được công tác dự báo về biến đổi khí hậu tại Việt Nam cần phải tăng cường công tác dự báo thời tiết trên cơ sở hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn (cả về con người và cơ sở vật chất); Tăng cường công tác thông tin thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống phát thanh để đến được các vùng sâu, vùng xa, ngư trường, hải đảo..
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, vì vậy, nếu làm tốt công tác dự báo liên quan đến biến đổi khí hậu thì đây sẽ là một giải pháp quan trọng mang tính phòng ngừa, ứng phó chủ động với các tác động của biến đổi khí hậu ở nước ta.