Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm đặc sắc nó không chỉ là câu chuyện về một số phận cá biệt mà còn là lời kêu gọi chống lại những bất công và ác độc trong xã hội phong kiến. Dưới đây là bài viết về chủ đề: Giá trị hiện thực trong Chuyện người con gái Nam Xương, mời bạn đọc theo dõi.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý Giá trị hiện thực trong Chuyện người con gái Nam Xương:
Mở bài
Giới thiệu về tác phẩm “Chuyện Người Con Gái Nam Xương” của nhà văn Nguyễn Dữ và nhấn mạnh vào giá trị hiện thực sâu sắc mà tác phẩm mang lại.
“Chuyện Người Con Gái Nam Xương” không chỉ là câu chuyện về cuộc đời và tình yêu của nhân vật chính mà còn là bức tranh phản ánh nhiều mặt của xã hội phong kiến, những giá trị và thách thức mà người phụ nữ phải đối mặt.
Thân bài
Bi kịch của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến:
- Xuất thân bình dân, với vẻ đẹp nết na và thùy mị, Vũ Nương đại diện cho hình ảnh phụ nữ trong xã hội phong kiến.
- Chồng đi lính, để lại một mình quán xuyến nhà, lo cho mẹ chồng và con, nhưng đau lòng khi mẹ chồng qua đời, và cô phải “lo liệu ma chay như cha mẹ đẻ.”
- Trương Sinh nghi ngờ vợ và đánh đuổi cô đi, khiến Vũ Nương phải chịu bất công và lựa chọn cái chết để minh oan.
Phản ánh hiện thực xã hội bất công:
- Xã hội phong kiến dung túng cho tư tưởng “trọng nam khinh nữ,” giới tính trở thành yếu tố quyết định sự phân biệt đối xử.
- Ghen tuông mù quáng của Trương Sinh phản ánh sự hiểu biết hạn hẹp và lòng tin không đủ vào vợ, điều này là hậu quả của một xã hội với tư tưởng lạc hậu.
- Tố cáo chiến tranh phi nghĩa không chỉ đẩy gia đình Vũ Nương đến bờ vực tan rã mà còn gây nhiều mất mát và thương tâm cho cộng đồng.
Kết bài
Nhìn chung, “Chuyện Người Con Gái Nam Xương” là một tác phẩm nghệ thuật sâu sắc và đầy ý nghĩa về giá trị hiện thực trong xã hội phong kiến.
2. Giá trị hiện thực trong Chuyện người con gái Nam Xương:
Phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công:
- Chế độ nam quyền: Người phụ nữ bị phụ thuộc vào chồng, không được quyền tự quyết định cuộc sống của mình.
- Tư tưởng trọng nam khinh nữ: Con trai được coi trọng hơn con gái.
- Lối sống trọng lễ giáo: Đề cao chữ trinh tiết của người phụ nữ.
Phản ánh số phận bi thảm của người phụ nữ:
- Vũ Nương: Nàng là một người phụ nữ đức hạnh, nết na, hiếu thảo, nhưng lại phải chịu nhiều bất hạnh.
- Số phận oan nghiệt: Nàng bị nghi oan thất tiết, phải tự vẫn để minh oan cho mình.
Lên án những thế lực tàn ác:
- Trương Sinh: Người chồng ghen tuông mù quáng, độc đoán, đã đẩy vợ đến bước đường cùng.
- Bà mẹ chồng: Người phụ nữ cổ hủ, tin lời con trai mà nghi oan cho con dâu.
Khẳng định giá trị con người:
- Vũ Nương: Nàng là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam: đức hạnh, nết na, hiếu thảo, thủy chung.
- Tác giả: Nguyễn Dữ đã thể hiện sự trân trọng, đồng cảm với số phận của người phụ nữ.
Ngoài ra, tác phẩm còn có giá trị hiện thực:
- Phản ánh đời sống sinh hoạt của người dân thời kỳ đó.
- Thể hiện quan niệm về đạo đức, luân lý của xã hội.
Giá trị hiện thực của Chuyện người con gái Nam Xương có ý nghĩa:
- Giúp người đọc hiểu được xã hội phong kiến bất công và số phận bi thảm của người phụ nữ.
- Khơi gợi lòng thương cảm cho những người phụ nữ bất hạnh.
- Lên án những thế lực tàn ác, bất công.
- Khẳng định giá trị con người.
Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương là một áng văn chương bất hủ, có giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao đẹp.
3. Phân tích Giá trị hiện thực trong Chuyện người con gái Nam Xương hay nhất:
Nguyễn Dữ một danh sĩ sống ở thời kỳ Lê – Mạc từng vượt qua kỳ thi hương để bước vào sự nghiệp làm quan. Tuy nhiên sự bất mãn với chính quyền phong kiến và khát khao về một xã hội lý tưởng đã khiến ông quyết định rời bỏ cuộc sống ồn ào để ẩn mình tại vùng núi xứ Thanh. Với tư tưởng hiền thánh ông luôn mơ ước về một xã hội nơi con người sống trong đức trí, công bằng và tình yêu thương. Tư tưởng này được thể hiện rõ trong tập “Truyền kì mạn lục”.
Nguyễn Dữ được đánh giá là “cây bút kí tài của văn học cổ Việt Nam”. “Chuyện người con gái Nam Xương” là một truyện ngắn với những yếu tố li kì, sáng tạo miêu tả về một bức tranh thu nhỏ của xã hội thế kỉ 16.
Câu chuyện đã tố cáo chiến tranh trong thời phong kiến đã dẫn đến biết bao khổ đau, xót xa cho người dân vô tội. Khi Trương Sinh bị bắt đi lính để lại vợ dại con thơ chốn quê nhà. Trách nhiệm của người làm mẹ, làm cha dồn hết trên đôi vai của người vợ tên Vũ Nương. Chính vì lẽ đó là nguyên nhân dẫn đến những hiểu lầm và gây nên cái chết oan của người vợ bạc mệnh. Một sự thật xót xa nữa chính là bé Đản, khi vừa sinh ra đã không biết mặt cha, không được sự quan tâm, chăm sóc từ người cha thân yêu của mình. Trong tâm tưởng của bé chưa một lần được chạm, được ôm lấy người cha thật sự của mình. Vì thế, bé đã tưởng nhầm cái bóng là cha của mình, vô tình gây nên cái chết của mẹ.
Nhắc tới người mẹ già của Trương Sinh, vì lo lắng, thương nhớ con trai nên sinh ra bệnh tật, đau ốm triền miên. Tới lúc qua đời, đi về với thế giới bên kia, bà cũng chẳng có cơ hội được gặp đứa con trai duy nhất của mình tới một lần. Thế nhưng, nỗi bất hạnh lớn nhất có lẽ là cuộc đời của nàng Vũ Nương. Chưa được đoàn tụ, hưởng hạnh phúc cuộc sống gia đình bao lâu thì đã phải chịu cảnh chia ly, một mình bụng mang dạ chửa lại phải chăm sóc mẹ già. Những năm tháng của tuổi thanh xuân đã phải sống trong cơ cực, nhớ thương. Tất cả những nỗi éo le của những mảnh đời trong câu chuyện đều bắt nguồn từ chiến tranh gây nên. Chiến tranh gây nên sự chia cách, cô độc khi trẻ lớn lên không biết mặt cha, người mẹ già chẳng thể nhìn mặt con trai lần cuối.
Chiến tranh đã gây nên biết bao cảnh đổ máu, cái chết cho biết bao gia đình. Chính xã hội với chế độ nam quyền đã cướp đi người chồng thân yêu của biết bao người phụ nữ. Cũng như bao người phụ nữ khác, Vũ nương còn là nạn nhân của chế độ trọng hình thức, phân cấp giàu nghèo sâu sắc. Chỉ với trăm lạng vàng, người ta đã cưới được một cô vợ “ thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp” chứ chẳng phải xuất phát từ tình yêu. Người giàu, họ cho mình cái quyền được chọn lựa, định đoạt số phận của kiếp người phụ nữ. Trong khi đàn ông năm thê bảy thiếp thì người phụ nữ phải chịu cảnh một thân một mình, thủ tiết chờ chồng.
Hơn thế nữa, chính xã hội ấy cho người đàn ông quyền được rẻ rúng, nghi ngờ tấm lòng thủy chung son sắt của người vợ. Bao nhiêu tháng ngày yêu chồng nhớ nhung, vậy mà khi chồng từ mặt trận trở về, nàng còn chưa hưởng được chút quan tâm, chăm sóc đã vướng vào vòng lao lí, mắng nhiếc. Họ tự cho họ cái quyền vũ phu, đánh đập người phụ nữ mà chẳng cần biết lý do. Có thể nói, Trương Sinh là sản phẩm được sinh ra trong chế độ xã hội mục nát, bạo tàn ấy.
Hiện thực tàn khốc nhất chính là cái chết của Vũ Nương, Khi Trương sinh nghe theo lời con nhỏ mà kết án vợ hư hỏng, đã thất tiết khi mình đi vắng. Vũ nương- một người phụ nữ chân yếu tay mềm chẳng thể phản kháng và chứng minh mình trong sạch. Nàng đã phải tìm đến cái chết để chứng minh cho tấm lòng thủy chung, son sắt của mình. Còn gì tủi hổ, tuyệt vọng hơn khi người mà mình luôn tin tưởng, yêu thương bao lâu nay lại trở nên hắt hủi, quay lưng lại với nàng. Cái chết của nàng một lần nữa nói lên sự thật xót xa về thân phận người phụ nữ. Họ luôn khát khao được chở che, làm chủ hạnh phúc gia đình nhưng những thước đo, luật lệ của xã hội đã đẩy người phụ nữ ấy vào bước đường cùng.
Phía sau những giá trị hiện thực tàn khốc ấy, Nguyễn Dữ đã thêm tình tiết ly kỳ cho câu chuyện, vừa mang kết thúc có hậu và nhân đạo. Sau cái chết của nàng, các vị tiên đã cứu giúp cho nàng hồi sinh vì đức tính và phẩm hạnh cao quý của nàng. Chi tiết ấy là giúp nàng có cơ hội được giải oan, khi Trương Sinh nhận được lời nhắn gửi của Phan Lang Lạc, đã lập đàn giải oan cho mình. Ban đầu, trương sinh còn nghi ngờ nhưng sau khi nhìn thấy chiếc trâm của vợ, đã đồng ý lập đần. Hình ảnh cuối cùng khi Vũ Nương hiện lên trên dòng sông, lúc ẩn lúc hiện. Nàng đã yên lòng rời xa nhân thế, với niềm vui được rửa oan và chứng minh được sự trong sạch của mình.
Qua câu chuyện của Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã lên án gay gắt chế độ phong kiến, tố cáo những hủ tục lạc hậu đã làm khổ đau biết bao người phụ nữ. Đồng thời, tác giả cũng ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
Giá trị hiện thực của “Chuyện người con gái Nam Xương” không chỉ dừng lại ở đó. Tác phẩm còn đặt ra những vấn đề mang tính thời sự, vẫn còn giá trị đến ngày nay. Đó là vấn đề về gia đình, về quan hệ vợ chồng, về sự tôn trọng lẫn nhau. Qua câu chuyện của Vũ Nương, chúng ta rút ra bài học về sự cần thiết của lòng tin, sự bao dung và sự thấu hiểu trong mỗi mối quan hệ.
3. Giá trị hiện thực và nhân đạo trong Chuyện người con gái Nam Xương:
Trong xã hội cũ, thân phận nữ nhi vẫn luôn ở mức dưới đáy của xã hội. Dù họ có tốt đẹp, có trong sáng đến mấy cũng không có quyền được sống tự do, được hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc. “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã bày tỏ những niềm xót xa, đồng cảm với thân phận bọt bèo, nổi trôi của người phụ nữ qua nhân vật Vũ Nương. Giá trị nhân đạo và hiện thực mà tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc bao niềm xót thương và đồng cảm.
Trước hết, “Chuyện người con gái Nam Xương” đã khắc họa chân thực cuộc đời của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến:
Chịu ảnh hưởng của Nho giáo với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” – số phận của người phụ nữ xưa vô cùng bấp bênh, khổ cực. Họ không được quyền quyết định cuộc đời của bản thân mà phải phụ thuộc vào người đàn ông. Vũ Nương – một cô gái con nhà nghèo được chàng Trương Sinh vốn là con nhà hào phú cảm mến vì tư dung tốt đẹp nên đã xin mẹ đem trăm lạng vàng sang hỏi cưới. Cuộc hôn nhân không tình yêu theo sự sắp đặt của cha mẹ khiến Vũ Nương không được hưởng ngọt ngào của tình yêu. Dù vậy, nàng vẫn cố gắng vun đắp hạnh phúc gia đình. Nhưng chiến tranh lại cướp đi niềm khao khát của nàng. Trương Sinh tuy gia đình giàu có nhưng ít học nên phải đi lính. Cuộc chiến tranh loạn lạc đã đẩy gia đình nàng vào cảnh ly biệt. Bản thân Vũ Nương – một người phụ nữ chân yếu tay mềm nay phải gánh vác việc gia đình: chăm sóc mẹ già, dạy dỗ con thơ. Nàng đã không được hưởng hạnh phúc bình yên, mà còn gánh vác thêm nhiều trách nhiệm. Dành cả tuổi xuân hy sinh cho chồng con, gia đình. Nhưng nàng lại bị Trương Sinh ruồng rẫy, đánh đập. Khi đi lính trở về, Trương Sinh chỉ vì tin lời con trẻ mà nghi là vợ thất tiết. Lễ giáo phong kiến đã buộc người phụ nữ vào gánh nặng danh tiết. Dù Vũ Nương có giải thích cũng không còn được chồng tin tưởng. Nàng chỉ biết cách chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch. Cái chết của Vũ Nương một lần nữa cho thấy thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Dù khao khát hạnh phúc gia đình, cuộc sống bình yên nhưng khi sóng gió ập đến họ không thể làm chủ cuộc đời mình. Ở đây, chính xã hội phong kiến Nam quyền mà Trương Sinh chính là đại diện điển hình đã đẩy nàng đến cái chết. Hiện thực tàn khốc khiến nàng dù đã được giải oan, nhưng vẫn không muốn quay trở về làm người, đoàn tụ với chồng con. Bởi Nguyễn Dữ hiểu được hiện thực xã hội lúc bấy giờ là vô cùng bất công với người phụ nữ.
Nổi bật hơn vẫn là tinh thần nhân đạo cao cả của tác phẩm. Nguyễn Dữ đã ca ngợi vẻ đẹp tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh nhân vật Vũ Nương. Nàng mang đầy đủ những nét đẹp truyền thống của một người phụ nữ: công, dung, ngôn, hạnh. Mặc dù xuất thân trong một gia đình bình thường “thiếp vốn con nhà khó” nhưng lại xinh đẹp, thùy mị nết na. Đối với chồng hết mực yêu thương, dịu dàng và biết giữ gìn khuôn phép. Đối với mẹ chồng thì hiếu thảo, chăm lo như chính mẹ đẻ của mình. Đối với con luôn chăm sóc ân cần, lo lắng con thiếu thốn tình cảm mà hết lòng bù đắp. Nàng đã sống trọn tình khi làm tròn bổn phận người vợ, người con dâu và người mẹ. Đặc biệt, môt biểu hiện của giá trị nhân văn khi thông qua Vũ Nương nhà văn muốn gửi gắm tiếng nói đồng cảm về khát vọng tình yêu, hôn nhân của người phụ nữ. Vũ Nương luôn hết mực vun vén cho hạnh phúc gia đình. Biết chồng hay ghen, nàng cố gắng giữ gìn khuôn thước để gia đình luôn hòa thuận. Ngày chồng phải lên đường ra nơi trận mạc, Vũ Nương không mong muốn chồng có thể lập được chiến công hiển hách để “mang ấn phong hầu về”. Vì nàng hiểu Trương Sinh bước ra nơi trận mạc là đang đối đầu với cái chết. Nàng chỉ mong chồng có thể bình an trở về, tức chỉ mong có niềm hạnh phúc gia đình sum họp. Ngay cả khi bị chồng hiểu lầm, Vũ Nương vẫn tìm cách hết lời biện bạch với mong muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chỉ đến khi lời giải thích đều vô nghĩa, nàng mới tìm đến cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình.
Trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ, Nguyễn Dữ lại càng xót xa cho số phận bất hạnh của họ. Nhà văn đau đớn cho cuộc đời của một con người có đầy đủ những phẩm chất đáng quý, tận tụy vun đắp cho hạnh phúc gia đình nhưng lại chẳng được hưởng hạnh phúc lâu dài. Lấy chồng chẳng được bao lâu vì chiến tranh mà phải xa chồng. Trong suốt những năm tháng chồng đi chinh chiến, nàng ở nhà chờ đợi đằng đẵng nhưng đến khi trở về chưa được hưởng niềm hạnh phúc gia đình đoàn tụ đã chịu cảnh oan khuất. Nàng hết mực van xin chàng nói rõ mọi nguyên cớ để cởi tháo mọi nghi ngờ; hàng xóm rõ nỗi oan của nàng nên kêu xin giúp, tất cả đều vô ích. Đến cả lời than khóc xót xa tột cùng: “Nay đã bình rơi trâm gãy, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió, cái én lìa đàn…” cũng không khiến người chống động lòng. Một người với tấm lòng thủy chung, trong trắng đã bị vùi dập thật tàn nhẫn, phũ phàng.
Nhưng bằng tấm lòng nhân đạo cao cả của mình, tác giả không để cho con người ấy phải chết oan. Điều đó thể hiện ở đoạn kết của câu chuyện. Nhờ có yếu tố kì ảo của thể loại truyền kì, nhà văn Nguyễn Dữ đã để cho nhân vật của mình không chết đi. Vũ Nương đã được chư tiên dưới thủy cung thương tình cứu sống. Nàng sống dưới thủy cung, tình cờ gặp gỡ Phan Lang – một người sống cùng làng và kể lại cho Phan nghe toàn bộ câu chuyện. Phan Lang được lời gửi gắm của Vũ Nương sau khi trở về đến gặp Trương Sinh để giải oan cho Vũ Nương. Sau đó, Trương Sinh lập đàn giải oan cho vợ. Vũ Nương hiện về nhưng không thể sống với chồng và con: “thiếp chẳng thể về với nhân gian được nữa”. Cái kết này cũng chưa hoàn toàn có hậu, bởi hạnh phúc cũng chỉ là ước mơ, Vũ Nương vẫn không thể đoàn tụ với gia đình của nàng, trở về làm người.
Tác phẩm cũng có nhiều thành công về nghệ thuật khi xây dựng được tình huống truyện độc đáo. Các tình tiết thắt nút, mở nút gây ra được yếu tố bất ngờ. Ngoài ra, tác giả cũng tạo ra được chi tiết đắt giá là “cái bóng” – chi tiết thắt nút và mở nút của toàn bộ câu chuyện. Thế mới thấy được tài năng của Nguyễn Dữ khi sáng tạo ra một tác phẩm giàu ý nghĩa để gửi gắm tư tưởng của chính minh.
Tóm lại, “Chuyện người con gái Nam Xương” là một tác phẩm vô cùng đặc sắc. Ở đó, tác giả đã cho ta thấy bức tranh về xã hội phong kiến thối nát, tàn bạo, bất lương, vô nhân tính. Những thông điệp sâu sắc về số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ đọng lại trong tác phẩm sẽ luôn khiến người đọc cảm thấy day dứt, nhói lòng khi nghĩ tới.
THAM KHẢO THÊM: