Luật sư cho tôi hỏi hành vi giả mạo hồ sơ bệnh án bệnh nhân thì bị xử lý như thế nào?
Tóm tắt tình huống:
Sự việc tôi xin trình bày như sau : Tôi có 1 ông anh ( gọi là A). A là nhân viên của 1 bệnh viện X
– 1 hôm A nhận được 1 cuộc điện thoại của 1 người giới thiệu là bệnh nhân cũ của A
– Cuộc điện thoại gọi điện nhờ vả A , và A nhận người bệnh nhân đấy là người nhà A
Tình trạng bệnh nhân : trước kia 1 năm đã mổ và điều trị tại nơi A làm việc , sau 1 năm liên lạc thì hỏi ra A biết bệnh nhân cũ đó đang đi cai nghiện tại 1 trại cai nghiện !
– Người nhà của bệnh nhân đó nhờ A nhận bệnh nhân đó là người nhà và làm 1 tờ giấy chứng nhận A bị 1 bệnh phải "điều trị lâu dài ", để xin được tờ giấy Đơn xin xác nhận để người nhà bệnh nhân đó "chạy "cho bệnh nhân đó ko pải đi cai tiếp mà về nhà tự cai ( vì đi cai rất khổ và người nhà bệnh nhân không muốn con em mình phải khổ ) , A nhận lời và nhờ 1 vài bác sỹ ở Bệnh viện kia cho bệnh nhân vào viện nhưng chỉ nằm điều trị bằng thuốc và không can thiệp phẫu thuật hay mổ xẻ gì !
– sau vài ngày nằm viện thì A nhờ bác sỹ C kí vào giấy Đơn xin xác nhận tình trạng bệnh của bệnh nhân kia và chỗ quan trọng nhất là tiên lượng đã ghi : điều trị viêm … mổ nạo chỗ viêm và điều trị lâu dài ! (thực tế thì thời gian nằm viện này không mổ mà đã mổ 1 năm trước)
– Người nhà đã nói với A là đã lo xong xuôi hết thủ tục chạy trong trại cai và chỉ còn thiếu tờ giấy Đơn này !
– Vậy tôi xin hỏi quý công ty :
Thứ 1 : nếu điều tra ra giấy đơn đấy xác nhận không đúng với sự thật thì người chịu trách nhiệm là ai ? là bác sỹ C đã ký vào đơn hay anh A ? nếu như vậy thì bị buộc vào tội gì và phải chịu mức hình phạt ra sao ?
Thứ 2 : nếu anh A có dính líu đến vụ việc thì anh A có phải chịu hay nhận mức hình phạt nào không ? và nếu có thì mức xử phạt sẽ như thế nào
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Về vấn đề trách nhiệm thuộc về ai nếu phát hiện ra giấy xác nhận trên không đúng sự thật:
Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định các hành vi bị cấm trong khám chữa bệnh bao gồm:
“1. Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh
2. Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
3. Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.
4. Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.
5. Người hành nghề bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ bác sỹ đông y, y sỹ đông y, lương y và người có bài thuốc gia truyền.
6. Áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh.
7. Quảng cáo không đúng với khả năng, trình độ chuyên môn hoặc quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động; lợi dụng kiến thức y học cổ truyền hoặc kiến thức y khoa khác để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh.
8. Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.
9. Người hành nghề sử dụng rượu, bia, thuốc lá hoặc có nồng độ cồn trong máu, hơi thở khi khám bệnh, chữa bệnh.
10. Vi phạm quyền của người bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh.
11. Gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề.
12. Ngăn cản người bệnh thuộc diện chữa bệnh bắt buộc vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc cố ý thực hiện chữa bệnh bắt buộc đối với người không thuộc diện chữa bệnh bắt buộc.
13. Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo
14. Đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Áp dụng trong trường hợp này ta thấy, A nhờ 1 vài bác sĩ đưa bệnh nhân đó vào viện nằm điều trị bằng thuốc và không có can thiệp phẫu thuật. Sau đó vài ngày, A nhờ bác sỹ C ký vào đơn xin xác nhận tình trạng bệnh của bệnh nhân đó và nội dung xác định tình trạng bệnh không đúng với tình hình thực tế bệnh nhân đó đang nằm viện tại đây. Như vậy, hành vi của bác sỹ C đã vi phạm vào các hành vi bị cấm trong khám chữa bệnh, đó là: “tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh.” Như vậy, nếu như phát hiện ra giấy xác nhận tình trạng bệnh của bệnh nhân đó không đúng sự thật thì bác sỹ C sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiên. Cụ thể đó là:
– Bị xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh: “2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh;
b) Sử dụng hình thức mê tín khi hành nghề;
c) Không tôn trọng quyền của người bệnh được quy định tại các điều 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
d) Lạm dụng nghề nghiệp để có hành vi quấy rối tình dục người bệnh;
đ) Trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh bằng tiếng Việt nhưng chưa được công nhận là biết tiếng Việt thành thạo hoặc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà chưa được đăng ký sử dụng;
e) Chỉ định điều trị, kê đơn thuốc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt mà ngôn ngữ đó chưa được đăng ký sử dụng hoặc người phiên dịch chưa được công nhận đủ trình độ phiên dịch dịch sang tiếng Việt.” Như vậy bác sỹ C sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
– Nếu hành vi vi phạm này gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thiệt hại xảy ra thì bác sỹ C có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo Điều 284 Bộ luật hình sự: “1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.”
2. Đối với vấn đề trách nhiệm của A:
– Nếu C bị xử phạt vi phạm hành chính trong khám chữa bệnh thì A sẽ không bị quy trách nhiệm.
– Nếu C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giả mạo trong công tác thì A sẽ phải chịu trách nhiệm về đồng phạm với C.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Hoàng Thu Giang