Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế? Xử phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế?
Trong một bài viết về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, Luật Dương Gia đã từng nói rằng, thời hạn đó không mang tính chất tuyệt đối, tức là nó không được áp dung một cách “cứng nhắc”, tại sao lại nói như vậy, bởi vì ở đó có sự hiện diện của quy định về gian hạn nộp hồ sơ khai thuế. Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế có ý nghĩa quan trọng và việc tìm hiểu về nó sẽ giúp cho người nộp thuế chủ động hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ để tránh tình trạng bị xử phạt do chậm nộp hồ sơ khai thuế. Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ cung cấp tới người đọc hai nội dung chính là gia hạn nộp hồ sơ khai thuế và quy định về xử phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Quản lý thuế năm 2019.
Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
Mục lục bài viết
1. Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế như thế nào?
Hồ sơ khai thuế được giải thích tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế là “tờ khai thuế và các chứng từ, tài liệu liên quan làm căn cứ để xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế với ngân sách nhà nước do người nộp thuế lập và gửi đến cơ quan quản lý thuế bằng phương thức điện tử hoặc giấy.“
Nộp hồ sơ khai thuế là việc người nộp thuế gửi hồ sơ tới địa điểm (cơ quan tiếp nhận hồ sơ khai thuế) và trong thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế là việc kéo dài thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật.
Quy định về gia hạn nộp hồ sơ khai thuế được thể hiện tại Điều 46 Luật quản lý thuế, nội dung được ghi nhận tại điều luật này thể hiện các khía cạnh sau:
– Thứ nhất, các trường hợp được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế: “Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ…” Trong đó:
+ Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất,
+ Thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. (Khoản 13 Điều 2 Luật Quốc phòng năm 2018).
+ Dịch bệnh là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định. (Khoản 13, Điều 2, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).
+ Họa hoạn là một từ hán việt để chỉ về một hiểm họa do lửa gây ra, gây thiệt hại đến tình mạng, sức khỏe, tài sản của con người.
+ Tai nạn bất ngờ là sự kiện xảy ra với người nộp thuế nằm ngoài ý chí chủ quan của họ và dù đã áp dụng mọi cách nhưng vẫn không thể khắc phục được.
Các trường hợp trên đây phải dẫn đến việc “người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn” dù đã áp dụng mọi biện pháp xử lý.
– Thứ hai, chủ thể có thẩm quyền gia hạn nộp hồ sơ khai thuế: “…thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.” Với tư cách là người đứng đầu cơ quan tiếp nhận hồ sơ khai thuế, thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp được trao quyền gia hạn là điều hợp lý.
– Thứ ba, thời gian gia hạn nộp hồ sơ khai thuế: “Thời gian gia hạn không quá 30 ngày đối với việc nộp hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế quý, khai thuế năm, khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế; 60 ngày đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế.” Thời hạn gia hạn sẽ được xác định dựa trên cách xác định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, việc quy định thời hạn thêm 30 ngày hay 60 ngày tùy vào trường hợp cũng là sự linh hoạt tương ứng với tính phức tạp theo từng hồ sơ khai thuế hay hồ sơ khai quyết toán thuế.
– Thứ tư, thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế: “Người nộp thuế phải gửi đến cơ quan thuế văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế trước khi hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn nơi phát sinh trường hợp được gia hạn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phải trả lời bằng văn bản cho người nộp thuế về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.” Thủ tục gia hạn khá đơn giản, chỉ cần có xác nhận của chủ thể có thẩm quyền để chứng minh về các trường hợp được phân tích ở trên là có căn cứ thì người nộp thuế sẽ được tiếp nhận và chấp nhận cho gia hạn.
2. Xử phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế như thế nào?
Chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến việc chậm nộp thuế sẽ bị xử phạt như thế nào và thực tiễn cũng cho thấy các nhà phân tích cũng thường tập trung vào nội này, tuy nhiên với tư cách là “biểu hiện ban đầu’ của việc chứng minh tính tuân thủ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì việc chậm nộp hồ sơ khai thuế cũng là một trong những điều đáng để lưu tâm và chắc chắn việc xử phạt là không thể bỏ qua.
Chậm nộp hồ sơ khai thuế là việc người nộp thuế đã quá thời hạn nộp hồ sơ khai thuế mà chưa thực hiện nộp hồ sơ khai thuế (quá cả thời hạn được gia hạn).
Chậm nộp hồ sơ khai thuế sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, theo đó, tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể:
“1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 ngày đến 90 ngày;
b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
d) Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế theo quy định tại khoản 11 Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp số tiền phạt nếu áp dụng theo khoản này lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa đối với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp hơn mức trung bình của khung phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.“
Như vậy, đối với hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế, người nộp thuế có thể sẽ bị phạt đến 25 triệu đồng. Cần chú rằng, múc phạt trên áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền được áp dụng gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo nguyên tắc về xử phạt được ghi nhận trong Luật Xử lý hành chính).
Về nguyên tắc xử phạt về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế: ” Trường hợp cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định này và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.” (điểm b, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
Có thể thấy, quy định về xử phạt chậm nộp hồ sơ khai thuế khá đầy đủ và việc áp dụng trong thực tế cần nhiều hơn trách nhiệm của cơ quan thuế có thẩm quyền.