Hiện nay, khi tiến hành thu hồi đất, Nhà nước sẽ đưa ra các phương án bồi thường, đền bù nhằm bảo đảm lợi ích cho người sử dụng đất. Vậy giá đền bù đất thổ cư khi đất bị thu hồi là bao nhiêu?
Mục lục bài viết
1. Các phương án đền bù khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai 2013 :
– Hiện nay, khi tiến hành thu hồi đất, Nhà nước sẽ đưa ra các phương án bồi thường, đền bù nhằm bảo đảm lợi ích cho người sử dụng đất.
Luật đất đai 2013 quy định về các hình thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
+ Người sử dụng đất được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
+ Người sử dụng đất được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
+ Nhà nước sẽ hỗ trợ bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo.
+ Khi thu hồi đất ở, Nhà nước sẽ bồi thường về đất cho người sử dụng đất.
+ Nhà nước thực hiện bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân.
+ Nhà nước sẽ tiến hành bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trên đây là các phương án, hình thức bồi thường mà Nhà nước áp dụng cho người sử dụng đất. Có thể thấy, Nhà nước chia ra làm các trường hợp cụ thể khi đưa ra phương án thu hồi đất đai. Ở từng trường hợp này, tùy thuộc vào loại đất, giá trị của đất mà Nhà nước đề ra phương thức bồi thường cụ thể. Đây được xem là cơ sở nhằm duy trì và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Có thể thấy, đền bù đất là một trong những phương án bồi thường của Nhà nước đối với người sử dụng đất khi có quyết định thu hồi đất đai. Khi thuộc các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật, Nhà nước sẽ đưa ra phương hướng đền bù đất cho người dân.
– Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 83 Luật đất đai 2013, hỗ trợ tái định cư là một trong những phương án hỗ trợ thu hồi đất của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hỗ trợ tái định cư được diễn ra khi người sử dụng đất bị thu hồi đất ở, phải di chuyển ra chỗ ở khác, thì sẽ được cơ quan Nhà nước hỗ trợ tái định cư.
Nhà nước đưa ra chính sách hỗ trợ đền bù đất ở cho người dân nhằm đảm bảo cho các cá nhân, hộ gia đình thuộc trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật được tái định cư, đảm bảo lợi ích về chỗ ở nhằm phát triển cuộc sống.
2. Giá đền bù đất thổ cư khi Nhà nước thu hồi đất là bao nhiêu?
– Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật đất đai 2013, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Theo quy định này, một trong những nguyên tắc bồi thường đất mà Nhà nước đưa ra là việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi (được đền bù về đất).
Tức khi Nhà nước thu hồi đất thổ cư, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà sẽ đền bù lại đất thổ cư cho người sử dụng đất.
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật đất đai 2013, người sử dụng đất được đền bù bồi thường bằng đất ở hoặc bằng tiền theo giá đất ở. Đồng thời, trong trường hợp không có đất để bồi thường, người sử dụng đất được nhận tiền đền bù. Giá tính tiền đất mà người sử dụng đất được nhận đền bù bồi là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quyết định tại thời điểm thu hồi.
– Khoản 3 Điều 114 quy định về giá đền bù đất khi Nhà nước thu hồi đất như sau:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Từ những nội dung phân tích nêu trên, có thể khẳng định: giá đền bù đất thổ cư khi Nhà nước thu hồi đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Ở từng địa phương, tỉnh thành, mức giá đất mà cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ là khác nhau. Do đó, giá đền bù đất thổ cư khi Nhà nước thu hồi đất ở từng địa phương là khác nhau, và nó phụ thuộc vào quyết định do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa ra.
Thực tế, quy định về giá đền bù đất thổ cư khi Nhà nước thu hồi đất là hoàn toàn hợp lý. Bởi nó thể hiện sự linh hoạt trong thực tiễn áp dụng mức giá bồi thường đất cho người dân. Ở từng địa phương, với địa bàn đất chuyên biệt, giá đất cũng khác nhau. Nhà nước không thể đưa ra một quy chuẩn chung để áp dụng cho tất cả địa phương, mà nó phải là sự hợp, khách quan trong quá trình kiểm tra, xem xét để xét duyệt giải quyết.
3. Cách xác định giá đền bù đất thổ cư khi Nhà nước thu hồi đất như thế nào?
Cách xác định giá đền bù đất thổ cư khi Nhà nước thu hồi đất là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bởi lẽ, nó chính là căn cứ để xác định xem giá đất đền bù mà Nhà nước đưa ra dựa trên những cơ sở thực tiễn nào, có hợp lý hay không.
Theo nội dung phân tích nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Đồng thời, Luật đất đai 2013 cũng quy định rõ, việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Theo đó, dựa vào cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 114 Luật đất đai 2013, giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp 1: Giá đất cụ thể được sử dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, nó còn được dùng để tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân;
+ Trường hợp 2: Giá đất cụ thể được sử dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Đây được coi là cơ sở để công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất;
+ Trường hợp 3: Giá đất do cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra nhằm mục đích tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất;
+ Trường hợp 4: Giá đất cụ thể được sử dụng để tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm;
+ Trường hợp 5: Giá đất cụ thể được sử dụng để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Từ nội dung phân tích nêu trên, có thể thấy, giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá được dùng làm cơ sở để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Vậy nên, những căn cứ về việc xác minh, xác định giá đất chính là cơ sở đảm bảo việc áp dụng giá đất đền bù diễn ra chuẩn chỉnh, khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật đất đai 2013.