Ngày nay khi khoa học công nghệ càng phát triển càng có nhiều hình thức phạm tội thực hiện qua không gian mạng trong đó có hành vi ghi lô đề. Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn các quy định pháp luật về tội đánh bạc.
Mục lục bài viết
1. Ghi lô đề qua zalo, facebook có bị coi là đánh bạc không?
Tội đánh bạc là tội danh được thực hiện bởi hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực, trách nhiệm hình sự đầy đủ và đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tham gia trò chơi bất hợp pháp thông qua một hoặc nhiều hình thức khác nhau được hoặc thua bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị từ 5 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Hành vi vi phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng. Đánh bạc qua mạng là hành vi thông qua mạng internet, phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến trái phép.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự, việc sử dụng mạng internet, phương tiện điện tử để thực hiện việc đánh bạc trực tuyến là một trong những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với Tội đánh bạc.
Vậy nếu ghi lô đề qua Zalo, Facebook… thì có bị coi là đánh bạc với tình tiết định khung tăng nặng tại điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 hay không?
Để thống nhất trong cách hiểu về tình tiết tăng nặng này, Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn tại Công văn 196/TANDTC-PC năm 2018 như sau:
Sử dụng mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính và các phương tiện điện tử khác để thực hiện việc đánh bạc trực tuyến có thể là đánh bạc qua các chiếu bạc online, hoặc sử dụng mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính và các phương tiện điện tử khác để gá bạc hoặc tổ chức đánh bạc.
Do đó, nếu người phạm tội thông qua mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính và các phương tiện điện tử khác là phương tiện để liên lạc với nhau, ví dụ như là nhắn tin qua điện thoại qua facebook, zalo,… để ghi hoặc lưu lại số đề mà không thực hiện hoặc hình thành nên các trò chơi có tính chất được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì sẽ không thuộc vào tình tiết định khung tăng nặng sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự.
2. Chơi lô, đề bị có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Theo quy định Điều 321 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết
Có thể hiểu “Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Theo đó mọi hành vi đánh bạc dù thực hiện dưới bất cứ hình thức nào tùy thuộc mức độ nguy hiểm của hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.1. Trường hợp đánh bạc bị xử phạt hành chính:
Căn cứ khoản 1 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, xử phạt với mức tiền từ 200.000 đồng – 500.000 đồng đối với hành vi mua số lô, số đề có thể được thực hiện dưới một trong các hình thức trực tiếp, qua phương tiện điện tử, qua mạng xã hội là hành vi đánh bạc trái phép.
Và căn cứ điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP xử phạt từ 2 triệu – 5 triệu đồng đối với người có hành vi bán bảng đề, số lô, số đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô đề hoặc là người giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng cũng bị coi là hành vi đánh bạc trái phép.
Và căn cứ theo điểm c khoản 5 Điều 28 Nghị định 144/2021 quy định xử phạt từ 10 triệu – 20 triệu đồng đối với người thực hiện hành vi tổ chức đánh đề hoặc tổ chức mạng lưới số lô, số đề cũng bị coi là hành vi đánh bạc trái phép.
Lưu ý: Ngoài bị phạt tiền người có hành vi vi phạm trong trường hợp mua số lô, số đề, tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề nêu trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được từ hành vi này.
2.2. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ Điều 321 Bộ luật Hình sự quy định về Tội đánh bạc như sau:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào có hành vi đánh bạc trái phép được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng dưới bất kỳ hình thức nào hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tính chất chuyên nghiệp tức là người phạm tội đã việc đánh bạc từ 05 lần trở lên;
+ Sử dụng tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên để đánh bạc;
+ Sử dụng mạng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi phạm tội;
+ Tái phạm nguy hiểm tức là người phạm tội đã từng bị kết án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc rất biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý, mặc dù chưa được xóa án tích nhưng lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý; Hoặc người phạm tội đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
– Ngoài hình phạt tù có thời hạn người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy trường hợp người có hành vi ghi lô, đề với số tiền từ 05 triệu hoặc dưới 05 triệu nhưng đã có tiền án, tiền sự về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc mà tái phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc.
3. Nguyên nhân của tội đánh bạc:
Việc một người tham gia vào hành vi đánh bạc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng những nguyên nhân chính có thể kể đến bao gồm:
Thứ nhất, do lòng tham của con người. Một số người cho rằng việc đánh bạc có thể giúp họ kiếm được một khoản lãi lớn trong thời gian ngắn mà không tốn quá nhiều công sức. Ban đầu tham gia vào việc đánh bạc có thể người chơi sẽ thu được một khoản lợi rất lớn nhưng sau khi bị thua lỗ để gỡ lại phần lỗ, người chơi lại tiếp tục tham gia vào việc đánh bạc.
Thứ hai, do phong tục tập quán của người Việt Nam trong những ngày lễ, tết cổ truyền của dân tộc thường hay tổ chức các trò chơi như chọi gà, ba cây, xóc đĩa,…để giải khuây. Dần dần điều này trở thành một phong tục tập quán không thể thiếu trong những ngày lễ tết.
Thứ ba, sự phát triển của khoa học công nghệ, các hình thức marketing nên các tổ chức đánh bạc phi pháp có thể lợi dụng để tiếp cận và thu hút những khách hàng tiềm năng tham gia vào việc đánh bạc.
Thứ tư, do nhận thức của nhiều người không hiểu rõ về tác hại của việc đánh bạc và thiếu kiến thức về các quy định xử phạt khi thực hiện hành vi đánh bạc trái phép.
Thứ năm, do khó khăn về mặt tài chính nên nhiều người lựa chọn đánh bạc để có thể xoay sở số tiền lớn trong một thời gian ngắn và họ chấp nhận lựa chọn việc đánh bạc như một cách đánh liều để giải quyết vấn đề tài chính của họ.
Có thể thấy hành vi đánh bạc xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng những nguyên nhân này đều có thể tự khắc phục được vì vậy điều quan trọng nhất để đẩy lùi tệ nạn cờ bạc đó là phải nâng cao nhận thức của người dân đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội này.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;