Tranh chấp đất đai là hiện tượng phổ biến diễn ra trong đời sống xã hội, trong quá trình giải quyết, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà không thể tránh khỏi những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. Vậy câu hỏi đặt ra là: Gây thương tích khi tranh chấp đất đai thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hành vi cố ý gây thương tích khi tranh chấp đất đai như thế nào?
Cho đến ngày nay thì tội cố ý gây thương tích đã được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành. Nhìn chung thì tội cố ý gây thương tích xâm phạm đến quyền tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người khác nhưng không phải là sức khỏe của chính kẻ phạm tội. Nếu người phạm tội tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của chính mình thì sẽ cấu thành tội khác ví dụ như tội trốn tránh nghĩa vụ… sức khỏe của con người được hiểu đó là tình trạng thoải mái của con người về các mặt thể lực, tinh thần và xã hội (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới). Như vậy thì quyền được sống trong trạng thái thoải mái và bình thường về mặt thể lực chính là khách thể trực tiếp của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác. Sức khỏe của con người là đối tượng của tội phạm nhưng không chỉ dừng lại ở tội cố ý gây thương tích mà còn có thể ở nhiều tội phạm khác.
Hành vi cố ý gây thương tích nói chung và hành vi cố ý gây thương tích khi xảy ra tranh chấp đất đai nói riêng sẽ được thể hiện bằng những hành động tác động trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người khác, ví dụ như hành vi dùng thủ đoạn và vũ khí hoặc vũ khí nguy hiểm gây nguy hại cho người khác, hành vi dùng các chất hóa học nguy hiểm tác động trực tiếp gây tổn hại và thương tích đến sức khỏe của người khác, hoặc hành vi khác dẫn đến việc gây thương tích cho các chủ thể khác … hoặc bất kỳ hành vi trái pháp luật nào gây tổn hại đến tính mạng và sức khỏe của người khác đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài.
Có thể nói rằng bảo vệ con người và bảo hộ quyền được sống khỏe mạnh của con người là mục tiêu của nhiều lĩnh vực hoạt động của nhà nước, trong đó công cụ sắc bén có tính cưỡng chế pháp lý cao nhất là luật hình sự. Nhìn chung thì trong thời gian vừa qua luật hình sự đã góp phần to lớn vào việc bảo vệ quyền con người cũng như giữ vững trật tự kỷ cương xã hội. Tuy nhiên công tác đấu tranh phòng chống các tội phạm liên quan đến tính mạng sức khỏe đặc biệt là tội cố Ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn của một số tỉnh thành nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề phải đặt ra cần phải thực hiện một cách nghiêm túc và hoàn chỉnh.
2. Gây thương tích khi tranh chấp đất đai bị xử lý như thế nào?
2.1. Xử lý hành chính:
Theo Điều 5 của nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thì trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai nếu xảy ra hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính theo các bước sau đây:
– Tiến hành phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng đối với hành vi như sau: có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
– Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đánh nhau, gây thương tích mà chưa đủ đến mức chịu trách nhiệm hình sự hoặc xúi giục người khác đánh nhau (bằng nhiều thủ đoạn và phương thức tác động đến ý thức của người khác khiến cho họ thực hiện hành vi gây thương tích);
– Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác.
2.2. Xử lý hình sự:
Tùy thuộc vào mức độ vi phạm khác nhau mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành. Hành vi khách quan của cấu thành tội phạm cố ý gây thương tích là biểu hiện bằng hành động. Tức là người phạm tội thực hiện những động tác cơ học mà bị pháp luật cấm tác động đến thân thể của người khác khiến cho người này bị thương tích. Đối tượng của hành vi phạm tội là thân thể con người và là sức khỏe của họ.
Hành vi khách quan của tội này thường thể hiện bằng việc dùng vũ lực. Ví dụ như đấm, đạp, bóp cổ … vào người nạn nhân. Công cụ phạm tội ở đây rất phong phú và đa dạng, đó có thể là dao, gậy … những thứ này có thể được chuẩn bị sẵn hoặc kẻ phạm tội có được ngay tại hiện trường. Trong những trường hợp có sử dụng công cụ và phương tiện phạm tội, có những trường hợp do tính chất đặc biệt của công cụ và phương tiện mà những hành vi phạm tội sẽ được xem là có tính nguy hiểm cao ví dụ như thuốc nổ hoặc axit … hậu quả của tội phạm này là làm cho sức khỏe của người khác bị thiệt hại, cụ thể là sự biến đổi tình trạng bình thường của thực thể tự nhiên của con người. Hậu quả này mang tính chất định lượng, nghĩa là trong mọi trường hợp phải được xác định bằng tỷ lệ thương tật. Đó chính là mức độ thương tích hoặc mức độ tổn hại đến sức khỏe, hậu quả ở đây có thể là tổn thất cho từng bộ phận hoặc cho toàn bộ cơ thể hoặc là tổn hại hay là mất chức năng của một cơ quan nào đó trong cơ thể con người. Mức độ thương tích hoặc tổn hại sức khỏe là căn cứ để định tội và đồng thời là căn cứ để quyết định hình phạt cũng như quyết định việc bồi thường thiệt hại.
2.3. Xử lý dân sự:
Nếu giải quyết theo hướng dân sự thì đây được xác định là trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, dựa trên các cơ sở sau theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ nhất, có thiệt hại thực tế xảy ra. Thiệt hại thực tế là căn cứ không thể thiếu trong việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chỉ có thiệt hại thì mới phải bồi thường và chỉ khi nào biết được thiệt hại là bao nhiêu mới có thể ấn định được người gây thiệt hại phải bồi thường bao nhiêu. Vì thế cho nên muốn áp dụng trách nhiệm này thì việc đầu tiên phải xem xét có thiệt hại xảy ra hay không và xác định thiệt hại là bao nhiêu, tức là mức độ mất mát và tổn thất về vật chất hoặc tinh thần của người có hành vi gây thiệt hại cho người bị thiệt hại là bao nhiêu theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật. Đánh người xuất phát từ tranh chấp đất đai được coi là một trong những hành vi vi phạm pháp luật và nó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại của người bị hại, nó xâm phạm tới lợi ích của các chủ thể dân sự. Khi đó thì sẽ đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với hành vi vi phạm của mình là những hành vi xâm phạm tới sức khỏe và tính mạng cũng như danh dự và nhân phẩm của các chủ thể, đa phần được thể hiện dưới dạng hành động.
Thứ ba, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại. Quá trình phát sinh và chấm dứt sẽ xảy ra mối quan hệ nội tại đó là sự vật và hiện tượng này là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của sự vật và hiện tượng kia. Hậu quả gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe chính là hậu quả trực tiếp xuất phát từ hành vi gây thương tích bởi nguyên nhân tranh chấp đất đai của người thực hiện hành vi vi phạm và ngược lại. Vì vậy để xác định người phải bồi thường thiệt hại cần phải dựa vào cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả, để tìm ra mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, trong đó thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và hành vi trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Như vậy khi đó, thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự.
3. Trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai đúng quy định của pháp luật:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và hợp lệ Theo đúng quy định của pháp luật.
Bước 2: Các chủ thể có nhu cầu sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Uỷ ban nhân dân cấp huyện và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (đối với trường hợp đó là tổ chức hoặc cơ sở tôn giáo hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bao gồm cả trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét thấy hồ sơ chưa đủ và chưa hợp lệ thì trong khoảng thời gian 3 ngày làm việc thì cơ quan tiếp nhận đó sẽ phải gửi thông báo bằng văn bản và hướng dẫn người nộp hồ sơ tiến hành bổ sung và hoàn chỉnh sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.
Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải quyết yêu cầu và tranh chấp về đất đai. Tiến hành thẩm tra và xác minh vụ việc cũng như tổ chức các phiên hòa giải để lấy ý kiến và tham mưu ý kiến bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Bước 4: Chủ thể có thẩm quyền là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ gửi quyết định đến cho các bên tranh chấp. Đối với trường hợp các bên hòa giải không thành thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền sẽ tiến hành gửi đơn khởi kiện lên tòa án nhân dân để giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.