Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong số các biện pháp ngăn chặn được người có thẩm quyền áp dụng đối với bị can và bị cáo khi có căn cứ cho rằng họ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra và xét xử. Vậy gây tai nạn giao thông chết người có bị tạm giam hay không?
Mục lục bài viết
1. Gây tai nạn giao thông chết người có bị tạm giam không?
Trong hệ thống các biện pháp ngăn chặn thì tạm giam là biện pháp mang tính nghiêm khắc nhất. Điều đó thể hiện ở chỗ tạm giam cách ly đối tượng bị áp dụng ra khỏi đời sống xã hội trong một khoảng thời gian tương đối dài so với việc áp dụng biện pháp tạm giữ và các biện pháp ngăn chặn khác. Bên cạnh đó thì người bị tạm giam còn bị hạn chế một số quyền công dân, như quyền tự do đi lại, quyền tuyên truyền tín ngưỡng tôn giáo … Để trả lời được câu hỏi: Gây tai nạn giao thông chết người có bị tạm giam hay không? Thì cần phải tìm hiểu các quy định của pháp luật về các trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giam. Căn cứ theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, biện pháp tạm giam sẽ được áp dụng trong trường hợp như sau:
Thứ nhất, đối với bị can hoặc bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ 07 năm tù đến 15 năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Theo đó, tạm giam đã được áp dụng đối với các bị can hoặc bị cáo phạm tội tại khoản 2 (khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù) và khoản 3 (khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù) của Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015. Tức là những đối tượng gây tai nạn giao thông làm chết từ hai người trở lên.
Thứ hai, đối với bị can hoặc bị cáo về tội nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự năm 2015 quy định hình phạt tù trên 02 năm (khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015) khi căn cứ xác định người đó thuộc một trong những trường hợp sau:
– Đã áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng các đối tượng này vẫn vi phạm pháp luật;
– Các đối tượng phạm tội không có nơi cư trú rõ ràng và không thể xác minh được lý lịch của bị can;
– Các đối tượng phạm tội bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc nhận thấy có dấu hiệu sẽ bỏ trốn;
– Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu sẽ tiếp tục phạm tội;
– Có hành vi mua chuộc hoặc cưỡng ép hoặc xúi giục người khác dưới bất kỳ hình thức nào để khai báo gian dối và cung cấp các tài liệu sai sự thật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của hành vi tiêu huỷ và giả mạo chứng cứ, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án, có hành vi đe dọa và không chế hoặc trả thù người làm chứng, người bị hại và người tố giác tội phạm hoặc những người thân thích của các đối tượng này.
Thứ ba, đối với bị can về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự năm 2015 quy định hình phạt tù lên đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội, hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, khi gây ra tai nạn giao thông chết người mà thuộc một trong những trường hợp nêu trên thì có thể bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
2. Những trường hợp gây tai nạn giao thông chết người không áp dụng biện pháp tạm giam:
Theo như phân tích ở trên, người có hành vi gây tai nạn giao thông chết người có thể bị tạm giam theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên có ngoại lệ, căn cứ theo quy định tại Điều 119 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sẽ không áp dụng biện pháp tạm giam đối với các đối tượng sau trong trường hợp gây tai nạn giao thông chết người, bao gồm:
Thứ nhất, bị can là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, bị can được xác định là người già yếu hoặc những người bị bệnh nặng, có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, thì sẽ không bị áp dụng biện pháp tạm giam mà sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Với điều kiện sinh hoạt và y tế trong các cơ sở tạm giam không đáp ứng đầy đủ yêu cầu đối với những đối tượng này, vì vậy quá trình tạm giam có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Đây là quy định thể hiện tính nhân đạo của nhà nước.
Thứ hai, đối với bị can hoặc bị cáo được xác định là người dưới 18 tuổi. Đây được xem là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta trong việc cải cách tạm giam nhằm đảm bảo yêu cầu phòng tránh tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự gắn liền với việc bảo vệ quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Các đối tượng trên đây khi có hành vi gây tai nạn giao thông chết người sẽ không bị áp dụng biện pháp tạm giam, mà cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên các quy định mang tính chất nhân đạo này sẽ không được áp dụng trong những trường hợp, xét thấy các đối tượng trên có dấu hiệu sau:
– Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
– Tiếp tục phạm tội;
– Có hành vi mua chuộc hoặc cưỡng ép hoặc xúi giục người khác dưới bất kỳ hình thức nào để khai báo gian dối và cung cấp các tài liệu sai sự thật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của hành vi tiêu huỷ và giả mạo chứng cứ, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án, có hành vi đe dọa và không chế hoặc trả thù người làm chứng, người bị hại và người tố giác tội phạm hoặc những người thân thích của các đối tượng này;
– Là bị can và bị cáo trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, có đầy đủ căn cứ cho rằng, nếu không tạm giam thì họ sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
3. Gây tai nạn giao thông chết người bị tạm giam bao lâu?
Theo như phân tích ở trên thì hành vi gây tai nạn giao thông chết người có thể bị tạm giam khi thỏa mãn các điều kiện luật định. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định cụ thể về thời hạn tạm giam nói chung và tạm giam đối với hành vi gây tai nạn giao thông chết người nói riêng. Căn cứ theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn tạm giam bị can tiến hành hoạt động điều tra tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là:
– Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
– Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;
– Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, trong trường hợp xét thấy vụ án tai nạn giao thông có tình tiết phức tạp và cần thời gian cho hoạt động điều tra kéo dài, thì chậm nhất trong khoảng thời gian 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam nêu trên, cơ quan điều tra cần phải có văn bản đề nghị lên chủ thể có thẩm quyền đó là Viện kiểm sát để gia hạn tạm giam, việc gia hạn tạm giam đã được thực hiện như sau:
– Được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 01 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
– Được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 02 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng;
– Được gia hạn tạm giam 01 lần không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
– Được gia hạn tạm giam 02 lần, mỗi lần không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Khi hết thời hạn tạm giam thì người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Như vậy, thời hạn tạm giam đối với các đối tượng gây tai nạn giao thông chết người cần phải được thực hiện theo quy định nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).