Vay tiền là một trong những giao dịch dân sự phổ biến nhất hiện nay, giao dịch đó cần phải xuất phát từ sự tự nguyện của các bên chủ thể. Vì vậy người nào có hành vi đe dọa, ép buộc người khác thực hiện giao dịch vay tiền thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Ép người khác viết giấy vay nợ có phạm tội không?
Trên thực tế hiện nay, giao dịch dân sự là sự thoả thuận của các bên, trong đó hành vi vay tiền cũng là một hình thức thể hiện của giao dịch dân sự. Quá trình thực hiện hợp đồng vay cần phải xuất phát từ sự tự nguyện của các bên, không bị ép buộc hoặc lừa dối dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, người nào có hành vi uy hiếp hoặc đe dọa người khác ký một khoản vay thì đó sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
Theo đó, hành vi ép người khác viết giấy vay nợ hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 170 của Bộ luật hình sự năm 2015, khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và xâm phạm đến khách thể do bộ luật hình sự bảo vệ. Theo đó, cưỡng đoạt tài sản sẽ được xem là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người đó trái quy định của pháp luật. Nhìn chung, tội cưỡng đoạt tài sản là một trong những tội danh xâm phạm đồng thời hai quan hệ xã hội được bộ luật hình sự bảo vệ, đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Cả hai quan hệ này đều được xem là khách thể trực tiếp của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định của pháp luật. Hành vi phạm tội của tội cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp này được quy định có thể là:
– Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực;
– Hoặc hành vi khác uy hiếp tinh thần của nạn nhân. Có thể kể đến một số thủ đoạn như:
+ Đe dọa hủy hoại tài sản của người khác;
+ Đe dọa tố giác hành vi vi phạm của bị hại;
+ Đe dọa tố giác hành vi vi phạm đạo đức;
+ Đe dọa loan những thông tin liên quan đến bí mật đời tư …
Theo đó thì có thể nói, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần của người phạm tội đã thể hiện lỗi của người phạm tội trong trường hợp này là lỗi cố ý. Mục đích của người phạm tội là mục đích chiếm đoạt tài sản của bị hại trái với mong muốn và nguyện vọng của họ. Việc thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi uy hiếp tinh thần là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, nếu thực hiện các hành vi đó nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thì sẽ không phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Theo đó thì có thể nói, người nào có hành vi ép buộc người khác viết giấy vay nợ, tùy theo tính chất và mức độ người đó hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức thấp nhất là phạt tù 01 năm và cao nhất là phạt tù lên đến 20 năm. Đồng thời, người phạm tội trong trường hợp này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc tịch thu toàn bộ tài sản vi phạm pháp luật.
2. Hành vi ép người khác ký giấy vay nợ nhằm mục đích đòi tiền thì bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Bên cạnh bức chi cứu trách nhiệm hình sự theo như phân tích nêu trên, người có hành vi ép người khác ký giấy vay nợ nhằm mục đích đòi tiền con có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi của người đó chưa đến mức bị coi là tội phạm. Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức và cá nhân khác trong xã hội. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Có hành vi trộm cắp tài sản, có hành vi xâm nhập trái quy định của pháp luật vào nhà ở/kho bãi hoặc các địa điểm thuộc quyền quản lý của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản;
+ Công nhiên chiếm đoạt tài sản tuy nhiên chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Sử dụng các thủ đoạn gian dối hoặc sử dụng hành vi bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác, hoặc đến thời điểm cần phải hoàn trả lại tài sản xuất phát từ các giao dịch dân sự như vay mượn, thuê tài sản của người khác, nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có đầy đủ điều kiện và có đầy đủ khả năng để hoàn trả nhưng cố tình không trả;
+ Không trả lại tài sản cho người khác xuất phát từ các giao dịch dân sự như vay mượn, thuê tài sản của người khác, hoặc có được tài sản của người khác thông qua hình thức hợp đồng hợp pháp, tuy nhiên sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp, dẫn đến tình thế không còn đủ khả năng để hoàn trả lại tài sản đó;
+ Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, tài sản của các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Có hành vi hủy hoại hoặc cố tình làm hư hỏng tài sản của các tổ chức, cá nhân;
+ Dùng các thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra hoàn cảnh khách quan để bắt buộc người khác đưa tiền và tài sản cho mình;
+ Có hành vi lừa đảo hoặc gian lận trong quá trình thực hiện hoạt động môi giới, giới thiệu dịch vụ mua bán nhà đất hoặc các tài sản khác;
+ Mua bán, sử dụng, cất giữ tài sản của người khác khi biết rõ đó là tài sản do hành vi vi phạm pháp luật mà có;
+ Sử dụng, thế chấp, cầm cố, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác;
+ Cưỡng đoạt tài sản tuy nhiên không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó thì có thể nói, cá nhân có hành vi ép buộc người khác ký giấy vay nợ nhằm mục đích đòi tiền, không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Tuy nhiên cần phải lưu ý, đó là mức xử phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức vi phạm thì có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, tức là gấp hai lần đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm. Còn đối với người nước ngoài khi có hành vi vi phạm pháp luật nêu trên thì còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là trục xuất ra khỏi lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, cá nhân có hành vi ép buộc người khác ký giấy vay nợ còn cần phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đó là hoàn trả lại số tài sản đã chiếm giữ trái phép của người đó.
3. Bị người khác ép ký giấy vay nợ thì có buộc phải trả khoản tiền đó không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự sẽ có hiệu lực khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự trong quá trình xác lập các giao dịch dân sự;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự phù hợp quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
– Hình thức của giao dịch dân sự cũng được xem là một trong những điều kiện có hiệu lực khi pháp luật coi đó là điều kiện bắt buộc.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về vấn đề giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Cụ thể như sau:
– Khi một trong các bên tham gia vào giao dịch dân sự do bị lừa dối, bị đe dọa hoặc cưỡng ép dưới bất kỳ hình thức nào thì cá nhân đó hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là tòa án ra quyết định tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu;
– Lừa dối trong giao dịch dân sự sẽ được xem là hành vi cố tình của một bên nhằm mục đích cho bên còn lại hiểu sai về vấn đề, hiểu sai về chủ thể và tính chất của đối tượng, hiểu sai về nội dung của giao dịch dân sự phải vì vậy họ đã xác lập giao dịch dân sự đó;
– Đe dọa hoặc cưỡng ép người khác thực hiện giao dịch dân sự là hành vi cố tình của một bên bắt buộc bên còn lại phải thực hiện giao dịch dân sự để tránh những thiệt hại về danh dự và nhân phẩm, tính mạng và sức khỏe, thiệt hại về tài sản của mình hoặc những người thân của mình.
Theo đó thì có thể nói, giao dịch dân sự cần phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện nêu trên thì mới có hiệu lực, trong đó giao dịch dân sự cần phải được các chủ thể thực hiện một cách hoàn toàn tự nguyện. Giấy vay nợ khi bị người khác ép viết chắc coi là văn bản không có hiệu lực, vì nó không xuất phát từ ý chí tự nguyện của người viết giấy. Vì vậy, người bị hại sẽ không phải có nghĩa vụ hoàn trả các khoản tiền ghi nhận trong giấy vay nợ đó. Người bị ép viết giấy vay nợ cũng có quyền yêu cầu phải khởi kiện lên toà án để tuyên bố giấy vay nợ đó là vô hiệu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.