Tin báo, tố giác tội phạm là gì? Xác định cơ quan có thẩm quyền và hình thức tố giác, tin báo tội phạm? Quy trình tiếp nhận tin tố giác tội phạm ra sao? Đường dây nóng tố giác tội phạm của Bộ Công an là số bao nhiêu? Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm?
Tin báo, tố giác về tội phạm là nguồn thông tin quan trọng, là cơ sở ban đầu để cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xác minh các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự và tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo. Việc tin báo tội phạm có ảnh hưởng rất lớn và quan trọng, chính vì vậy ngay khi phát hiện người phạm tội, cần tìm cách tố giác một cách nhanh chóng kịp thời và chính xác.
Mục lục bài viết
1. Tin báo, tố giác tội phạm là gì?
“Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.”
Như vậy, tố giác tội phạm được hiểu là cơ bản là sự thông báo tới cơ quan có thẩm quyền khi một cá nhân nào đó bắt gặp hoặc phát hiện hành vi mà theo họ hành vi đó là vi phạm pháp luật hình sự. Những thông tin này sau khi được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận trực tiếp từ các cơ quan, cá nhân hoặc tiếp nhận từ các phương tiện thông tin đại chúng thì được xác định là tin báo về tội phạm.
2. Xác định cơ quan có thẩm quyền và hình thức tố giác, tin báo tội phạm:
2.1. Thẩm quyền, trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
Việc xác định cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 145
Hiện nay pháp luật đã mở rộng phạm vi tố giác tội phạm, tạo điều kiện cho người dân tham gia tố giác tội phạm được thuận tiện và rộng rãi, nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức để nhanh chóng xử lý và khắc phục. Cơ quan, tổ chức khi nhận được tố giác tội phạm của công dân có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản, để các cơ quan trên xem xét khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
Theo đó, chỉ có cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp quận, huyện, thị xã; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có chức năng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Lưu ý: Các cơ quan Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (được quy định tại Khoản 6, Điều 9
2.2. Các hình thức tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể bằng các hình thức sau:
– Bằng miệng: đến trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm;
– Bằng văn bản: gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm.
Khi tố giác, báo tin về tội phạm tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân sau khi tố giác, báo tin về tội phạm cần theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
– Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
– Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
3. Quy trình tiếp nhận tin tố giác tội phạm ra sao?
Trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì cán bộ tiếp nhận phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận. Biên bản tiếp nhận tố giác tội phạm của công dân được lập theo yêu cầu chung được quy định tại Điều 133 của Bộ luật tố tụng hình sự với các nội dung như sau:
– Thời gian tiếp nhận thông tin, họ tên cán bộ tiếp nhận; họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân), ngày, tháng, năm, đơn vị cấp của người tố giác, báo tin;
– Thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc;
– Tóm tắt nội dung, diễn biến vụ việc;
– Các thông tin khác có liên quan (nếu có) như: họ tên, địa chỉ, đặc điểm nhận dạng của đối tượng, người làm chứng, hậu quả thiệt hại…;
– Lý do người tố giác, báo tin biết được vụ việc đó, những ai cùng biết vụ việc đó.
Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
4. Đường dây nóng tố giác tội phạm của Bộ Công an là số bao nhiêu?
Khi lựa chọn hình thức tố giác tội phạm qua điện thoại, bạn có thể liên hệ với các đường dây nóng như sau:
4.1. Các cơ quan trực thuộc Bộ:
* Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an:
– Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại Thành phố Hà Nội:
Số điện thoại: 069.2342431
Địa chỉ: 07 Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
– Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tại Thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 069.3336310
Địa chỉ: 254 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
* Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an
– Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an
Thành phố Hà Nội:
+ Địa chỉ: 47 Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội- Số điện thoại: 069.2345860
Thời gian làm việc: Từ 17h ngày hôm trước đến 7h30’ ngày hôm sau (các ngày trong tuần) Cả Thứ 7, Chủ nhật và các ngày Lễ, Tết
+ Địa chỉ: 497 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội- Số điện thoại: 069.2321667
Thời gian làm việc: Từ 7h30’ đến 17h hàng ngày (trừ Thứ 7, Chủ nhật)
Thành phố Hồ Chí Minh:
Địa chỉ: Nhà C1, 358 Nguyễn Trãi, Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 069.3376809
– Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội
Số điện thoại: 069.2348560
Địa chỉ: 497 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội
– Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu
Số điện thoại: 069.2321671
Địa chỉ: 47 Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
– Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy
Số điện thoại: 069.2345923
Địa chỉ: 497 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
4.2. Công an Thành phố trực thuộc Trung ương:
Thành phố Hà Nội | 024.3942.2532 069.219.6242 069.219.6254 069.219.6530 069.219.6764 |
Thành phố Hồ Chí Minh | 0693187200 |
Thành phố Đà Nẵng | 069.4260254 |
Thành phố Hải Phòng | 069.278.5874 |
Thành phố Cần Thơ | 0693.672214 |
5. Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm:
Những người dám đứng lên đấu tranh, phát giác tội phạm là những người dũng cảm, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, người bị tố giác, tố cáo đe dọa hoặc dùng vũ lực, dùng quyền lực để xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người tố giác, tố cáo hoặc người thân của những người này. Tuy nhiên, nếu người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, pháp luật có các quy định về quyền và nghĩ vụ của người tố giác báo tin về tội phạm được quy định tại Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể:
* Về quyền:
– Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
– Yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa.
– Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
– Người tố giác tội phạm được yêu cầu biện pháp bảo vệ: Nếu cá nhân, tổ chức tố giác tội phạm có căn cứ cho rằng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại xuất phát từ việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì có quyền đề nghị được bảo vệ bởi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Khi xét thấy có căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu trên thì cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc phải giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết nếu xét thấy không cần thiết.
* Về nghĩa vụ:
– Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm.
– Trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 144 Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 bổ sung trách nhiệm của việc cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
Trên đây là các nội dung liên quan đến Đường dây nóng tố giác tội phạm là số bao nhiêu? Đồng thời có các thông tin liên quan đến: Khái niệm Tố giác tội phạm; Xác đinh cơ quan có thẩm quyền và hình thức tố giác tin báo tội phạm; Quy trình tiếp nhận tin tố giác tội phạm ra sao?; Quyền và nghĩa vụ của người tố giác báo tin về tội phạm. Hy vọng các thông tin này hữu ích và giúp bạn giải đáp thắc mắc.