Địa điểm kinh doanh là nơi tiến hành các hoạt động kinh doanh cụ thể như mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ tạo ra doanh thu giúp doanh nghiệp cắt giảm các chi phí vận chuyển, dễ dàng tiếp cận đối với đối tác và những khách hàng mới. Vậy có được thành lập địa điểm kinh doanh của công ty khác tỉnh thành không?
Mục lục bài viết
1. Được thành lập địa điểm kinh doanh công ty khác tỉnh không?
Hiện nay, để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thành lập các địa điểm kinh doanh. Việc lập các địa điểm này không chỉ trong phạm vi tỉnh thành mà doanh nghiệp đặt trụ sở chính mà còn có nhu cầu tại các tỉnh thành khác. Tại Điểm a Khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định thì doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.
Do đó, doanh nghiệp có quyền thành lập địa điểm kinh doanh ở bất cứ đâu, trong phạm vi cùng tỉnh với trụ sở chính hoặc đặt địa điểm kinh doanh tại các tỉnh thành khác nhau.
Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có những đặc điểm sau:
+ Khi thành lập địa điểm kinh doanh thì phải làm thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh đến phòng đăng ký kinh doanh nơi lập địa điểm kinh doanh;
+ Địa điểm kinh doanh không được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng;
+ Tại địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp không được phép ký kết hợp đồng và không được xuất hóa đơn;
+ Địa điểm kinh doanh có hoạt động kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào công ty, hạch toán phụ thuộc;
+ Ngành nghề kinh doanh của địa điểm kinh doanh công ty phải được đăng ký và hoạt động theo ngành nghề của trụ sở chính công ty.
Với những đặc điểm như trên các doanh nghiệp ngày càng mở rộng việc thành lập địa điểm kinh doanh với mục đích mở rộng phạm vi kinh doanh của mình. Hồ sơ và thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh không phức tạp và thời gian giải quyết nhanh chóng. Khi thành lập địa điểm kinh doanh các doanh nghiệp sẽ tối giản được các thủ tục kê khai thuế phức tạp như khi lập chi nhánh hay văn phòng đại diện công ty.
2. Thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh:
2.1. Hồ sơ lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh:
Doanh nghiệp cần chuẩn bị một bộ hồ sơ để thông báo lập địa điểm kinh doanh bao gồm các giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Quyết định thành lập địa điểm kinh doanh công ty;
– Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục lập địa điểm kinh doanh;
– Bản sao chứng thực CMTND/Căn cước/Hộ chiếu của người nộp hồ sơ;
–
+ Tên địa điểm kinh doanh được thực hiện như sau:
Phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu;
Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh”;
Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.
Tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
Lưu ý, phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
+ Địa chỉ của địa điểm kinh doanh;
+ Nếu địa điểm kinh doanh được đặt tại đại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở thì phải có thông tin tên và địa chỉ của trụ sở chính doanh nghiệp đó hoặc tên và địa chỉ của chi nhánh;
+ Mã số doanh nghiệp;
+ Lĩnh vực hoạt động của địa điểm kinh doanh.
Lưu ý:
+ Trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh thì thông báo địa điểm kinh doanh do người đứng đầu chi nhánh ký.
+ Còn trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp thì thông báo địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký.
2.2. Thủ tục thành lập địa điểm địa điểm kinh doanh:
Bước 1: Doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, doanh nghiệp gửi hồ sơ đến phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh.
Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ
Phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
Nếu doanh nghiệp có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh thì phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành cấp cho doanh nghiệp;
Trường hợp hồ sơ thông báo lập địa điểm kinh doanh chưa hợp lệ thì phòng đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp.
3. Địa điểm kinh doanh khác với chi nhánh, văn phòng đại diện như thế nào?
Tiêu chí | Chi nhánh | Văn phòng đại diện | Địa điểm kinh doanh |
Khái niệm | Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: Chi nhánh công ty cổ phần đầu tư Ánh Dương | Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: Công ty TNHH Ánh Dương và Cộng Sự- Văn phòng đại diện phía Nam | Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Ví dụ: Công ty Ánh Dương có trụ sở chính ở quận Cầu Giấy, Hà Nội và một số cửa hàng của công ty tại Đống Đa, Nam Từ Liêm. |
Hoạt động kinh doanh | Được đăng ký kinh doanh tất cả các ngành nghề công ty đăng ký. | Không có chức năng kinh doanh, chỉ có chức năng đại diện theo ủy quyền của Công ty. | Được đăng ký một số ngành nghề mà công ty đăng ký. |
Con dấu | Chi nhánh có con dấu riêng | Có con dấu riêng Lưu ý: Doanh nghiệp có quyền quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung con dấu của văn phòng đại diện | Không có con dấu riêng |
Giấy phép hoạt động | Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh | Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện | Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh |
Mã số thuế | Có mã số thuế riêng 13 số. Lưu ý: Chi nhánh sẽ tiến hành kê khai thuế theo mã số thuế chính là mã số chi nhánh ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. | Có mã số thuế riêng 13 số. Lưu ý: Chi nhánh sẽ tiến hành kê khai thuế theo mã số thuế chính là mã số chi nhánh ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. | Không có mã số thuế Lưu ý: Địa điểm kinh doanh có mã số địa điểm kinh doanh gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh |
Ký kết hợp đồng | Người đứng đầu chi nhánh không đương nhiên có quyền đại diện cho chi nhánh, văn phòng đại diện ký kết hợp đồng mà quyền này chỉ phát sinh khi có ủy quyền của người đại diện của công ty. | Văn phòng đại diện không được trực tiếp kinh doanh, không được ký kết các hợp đồng kinh tế với dấu của văn phòng đại diện, nhưng vẫn ký kết hợp đồng theo sự ủy quyền của doanh nghiệp đã mở văn phòng đại diện đó và đóng dấu của doanh nghiệp.. | Địa điểm kinh doanh không có tư cách pháp nhân nên không được ký kết hợp đồng |
Xuất hóa đơn | Được phép xuất hóa đơn, hóa đơn có thể chung mẫu với mẫu hóa đơn của công ty hoặc khác mẫu | Không được xuất hóa đơn, sử dụng hóa đơn của công ty | Không được xuất hóa đơn |
Hạch toán thuế | chi nhánh có thể lựa chọn hình thức Hạch toán độc lập hoặc Phụ thuộc. | Kê khai độc lập với công ty tại cơ quan thuế nơi đặt trụ sở Văn phòng đại diện quản lý. | Chế độ kế toán của địa điểm kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc chi nhánh chủ quản. Địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn với trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc chi nhánh chủ quản. |
Tổ chức hoạt động | Thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. | Cơ cấu tổ chức của văn phòng đại diện sẽ do doanh nghiệp quyết định và hoạt động theo sự cho phép của doanh nghiệp. | Chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh do doanh nghiệp chỉ đạo, không có chức năng đại diện theo ủy quyền. |
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;