Hình thức đầu tư PPP ra đời nhằm mục đích để tối đa hóa hiệu quả các dự án công, đảm bảo chất lượng cao cho các công trình công cộng và tận dụng tối đa, không lãng phí ngân sách nhằm đem lại lợi ích cho nhà nước, doanh nghiệp tư nhân tham gia. Cùng bài viết tìm hiểu về dự án PPP.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về dự án PPP:
1.1. Dự án PPP là gì?
Dự án PPP là các dự án về đầu tư, xây dựng, cải tạo, kinh doanh, vận hành, cung cấp dịch vụ công, quản lý công trình hạ tầng,… dựa trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết trước đó.
Dự án PPP được ra đời và nhằm để thể hiện sự hợp tác của Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trong mối quan hệ kinh tế.
Nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP sẽ được Nhà nước chuyển giao quyền lợi và trách nhiệm theo các mức độ khác nhau. Ngoài ra, tùy vào độ lớn của dự án mà hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho các khối tư nhân cũng khác nhau.
Hơn nữa, nguồn vốn của dự án PPP tập trung chủ yếu từ phía các doanh nghiệp tư nhân. Còn Nhà nước chỉ tham gia đóng góp một phần không vượt quá 30% tổng nguồn vốn của dự án, loại trừ trường hợp Thủ tướng Chính Phủ ban hành quyết định riêng.
Như vậy, ta có thể hiểu các dự án PPP là các dự án xây dựng, vận hành, cải tạo, quản lý công trình hạ tầng cung cấp dịch vụ công. Đây là mô hình đang được áp dụng rất rộng rãi. Mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong các dự án PPP là mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ, mối quan hệ hợp tác công tư nhằm hoàn thiện 1 dự án đầu tư. Các nhà đầu tư có hứng thú với dự án sẽ tham gia đấu thầu, doanh nghiệp trúng thầu sẽ được nhà nước tiến hành chuyển giao quyền lợi, trách nghiệm theo các mức độ nhất định.
1.2. Ưu và nhược điểm của hình thức đầu tư PPP:
Thứ nhất: ưu điểm của hình thức đầu tư PPP:
– Thúc đẩy hiệu quả của quá trình phân phối, quản trị và quản lý các dự án.
– Đảm bảo đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
– Có khả năng tiếp cận với công nghệ mới nhất (bao gồm cả phần mềm và phần cứng) và dễ dàng nắm bắt chúng.
– Giảm thiểu gánh nặng chi phí về thiết kế và xây dựng bởi mô hình PPP có thể sẽ không yêu cầu chi tiền mặt ngay lập tức.
Thứ hai: hạn chế của hình thức đầu tư PPP:
– Rủi ro cao do khả năng của một trong các bên tham gia dự án không đáp ứng vì hạn chế kỹ thuật hoặc trình độ năng lực không đủ.
– Dự án PPP có thể cao hơn so với dự án bình thường, trừ khi chi phí bổ sung được bù đắp bằng hiệu quả tăng trưởng của dự án.
– Các thay đổi liên quan đến quản lý, kiểm soát tài sản cơ sở hạ tầng có thể không đủ để cải thiện hiệu quả kinh tế của nó, ngoại trừ khả năng các điều kiện cần thiết khác được đáp ứng. Những điều kiện đó sẽ bao gồm: quản lý cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính hay các hoạt động liên quan đến môi trường.
– Hiệu quả quản lý kém, không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thành công của dự án.
– Các bộ tham gia dự án không được đào tạo bài bản cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm về PPP.
– Nguồn vốn đầu tư công hạn chế dẫn đến nhiều khó khăn trong việc phân bổ nguồn vốn vào các dự án.
1.3. Một số lĩnh vực áp dụng đầu tư theo hình thức PPP:
Hiện nay, PPP được áp dụng đầu tư tại các lĩnh vực như: Giao thông – đường bộ; Hầm đường bộ, đường bộ, cầu đường bộ và bến phà đường bộ; Cảng biển, cảng hàng không và cảng sông; Cung cấp nước sạch; Nhà máy điện; Hệ thống xử lý nước thải bảo vệ môi trường; Bệnh viện; Phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công; Đường sắt, hầm đường sắt,…
2. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP:
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP gồm có các chủ thể:
– Thứ nhất: Quốc hội có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP.
– Thứ hai: Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP.
Trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây:
+ Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác.
+ Dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
+ Đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên.
+ Đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
– Thứ ba: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác ngoại trừ những dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý.
– Thứ tư: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP.
Trừ những dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ những dự án theo quy định của pháp luật. Ta nhận thấy, tất cả các dự án đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi địa phương đều phải thông qua Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Việc quy định như thế này đã tạo điều kiện thực hiện thống nhất, minh bạch đối với các dự án PPP trên địa bàn cấp tỉnh.
3. Quy trình thực hiện dự án đầu tư:
Quy trình thực hiện dự án đầu tư PPP bao gồm các bước sau đây:
– Bước 1: Đề xuất dự án đầu tư.
Các cơ quan bộ ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc, hay nhà đầu tư là những người có thể đề xuất dự án đầu tư.
– Bước 2: Thẩm định và phê duyệt.
Dựa vào các tiêu chí và trình tự thẩm định phê duyệt đã được quy định chi tiết trong điều luật, cơ quan nhà nước sẽ lựa chọn sơ bộ dự án, bao cao tính khả thi của dự án. Thời gian này không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Bước 3: Công bố dự án.
Việc công bố dự án diễn ra trong vòng 7 ngày kể từ khi dự án được phê duyệt và công bố trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
– Bước 4: Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Ở những dự án do các bộ, ngành ủy ban nhân dân đề xuất thì những cơ quan này sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Quá trình thẩm định cho các cơ quan thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước, các đơn vị đầu mối về PPP do Bộ trưởng, thủ tướng, cơ quan ngang bộ hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Khi dự án đã được chủ thể thực hiện và chủ thể thẩm định thì lúc này sẽ được thủ tướng chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
– Bước 5: Lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng.
Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư có thể là đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu. Trong bước này sẽ thực hiện ký kết hợp đồng thỏa thuận đầu tư và hợp đồng dự án sửa nhà nước và nhà đầu tư được lựa chọn.
– Bước 6: Đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp.
Sau khi đã được lựa chọn thành nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án nhằm mục đích thực hiện và quản lý thực hiện dự án theo pháp luật.
– Bước 7: Triển khai thực hiện dự án.
Quá trình triển khai dự án sẽ được thực hiện dựa trên những định hướng của nhà nước là sự kết hợp nguồn vốn của nhà đầu tư để tiến hành hoàn thành dự án.
– Bước 8: Quyết toán và bàn giao dự án.
Pháp luật quy định rằng trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án, các chủ thể là nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Việc kiểm toán giá trị vốn đầu tư được thực hiện bởi một tổ chức kiểm toán độc lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận lựa chọn.
Đối với các hợp đồng dự án có quy định về việc chuyển giao công trình dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng dự án các điều kiện, thủ tục chuyển giao.