Sau khi đọc xong câu chuyện Chuyện người con gái Nam Xương, ta đã thấy được số phận đáng thương của người phụ nữ thời phong kiến. Dưới đây, chúng ta cùng đóng vai, hóa thân vào nhân vật Vũ Nương kể lại Chuyện người con gái Nam Xương để thấu hiểu hơn về thân phận của người phụ nữ thời xưa.
Mục lục bài viết
1. Tóm tắt chuyện Chuyện người con gái Nam Xương:
Câu chuyện kể về cuộc đời và cái chết oan ức của nàng Vũ Nương. Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, tính tình hiền dịu, đẹp người đẹp nết nên nàng đã được Trương Sinh để ý và xin về cưới. Trương Sinh tuy yêu vợ nhưng chàng lại có tính đa nghi, luôn phòng ngừa vợ quá mức. Khi Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà chăm mẹ chồng và con nhỏ. Nhưng chuyện không may xảy ra, mẹ chồng ốm và qua đời, một mình nàng lo hậu sự. Trong lúc chồng đi lính, bé Đản – con của vợ chồng Trương Sinh hay hỏi cha đâu, nàng chỉ vào cái bóng của mình trên tường và trêu rằng đấy là cha. Lúc Trương Sinh trở về, bé Đản không nhận cha và bé bảo cha mình hàng đêm vẫn đến. Trương Sinh tức giận, mắng chửi rủa Vũ Nương thậm tệ, đuổi nàng ra khỏi nhà mặc cho nàng thanh minh và hàng xóm khuyên can. Vũ Nương uất ức đến sông Hoàng Giang nhảy xuống tự vẫn để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Cùng làng có người tên là Phan Lan vì cứu Linh Phi lúc hóa rùa đã được Linh Phi cứu sống, tình cờ gặp Vũ Nương ở thủy cung. Phan Lang trở về trần gian Vũ Nương gửi theo chiếc hoa vàng cùng lời nhắn Trương Sinh. Biết vợ bị oan Trương Sinh đã lập đàn giải oan bên bến Hoàng Giang. Vũ Nương hiện ra giữa dòng ngồi trên chiếc kiệu hoa đa tạ chàng rồi biến mất.
2. Đóng vai Vũ Nương kể lại nỗi oan của mình:
Tôi là Vũ Nương, tên thật là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương. Trong làng mọi người hay khen tôi là công dung ngôn hạnh. Chính vì thế, nên tôi đã được chàng Trương Sinh, một người cùng làng để ý và hỏi cưới. Chàng là một người đàn ông rất yêu thương vợ mình nhưng bởi tính chàng hay ghen tuông, kể cả những chuyện nhỏ nhặt và đa nghi tôi nên tôi cũng cố gắng giữ gìn khuôn phép để giữ hạnh phúc gia đình không xảy ra cãi vã.
Năm ấy, chàng phải đi lính để bảo vệ tổ quốc do quân giặc đến quấy nhiễu nước ta. Trước khi đi, mẹ chàng dặn dò chàng kĩ lưỡng, mẹ chỉ mong chàng bình an trở về, làm việc gì cũng phải tính toán thật kĩ, nếu gặp khó thì lui. Tôi rót chén rượu tiễn chồng mà trong lòng rối bời, nước mắt cứ rơi, tôi sợ chàng sẽ gặp phải chuyện gì. Tôi chẳng dám mong đem được ấn phong hầu, cũng không cần chàng” mặc áo gấm trở về quê cũ”. Tôi chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ. Sau khi chàng đi được đầy tuần thì tôi sinh ra đứa con của hai chúng tôi, bé tên Đản.
Chàng đi được nửa năm thì mẹ chàng đổ bệnh nặng, một phần do nhớ con quá mức, một phần do tuổi cao sức yếu. Tôi lo lắng chạy đi chạy lại thuốc men và ngày đêm cúng bái lễ phật, một bên vừa chăm con nhỏ một bên chăm mẹ chồng khiến tôi tất bật chân tay. Nhưng vận trời khó tránh, bà đã qua đời, trước khi qua đời bà đã nhờ tôi gửi lời nhớ Trương Sinh da diết và cảm ơn tôi vì tôi đã làm tròn trách nhiệm của người con dâu, thương mẹ chồng như mẹ đẻ. Lúc đó, tôi đã hứa với bản thân mình phải cố gắng chăm sóc, nuôi dạy con mình, dành tình yêu duy nhất cho chồng.
Chẳng mấy chốc, bé Đản đã bập bẹ biết nói, hay hỏi tôi cha của con đâu, tôi chỉ vào bóng mình và nói đấy là cha, hai mẹ con cười đùa rất vui, tôi làm vậy một phần vì muốn con mình đỡ cô đơn, một phần để an ủi bản thân của mình.
Cho đến năm sau, đất nước trở về bình yên thì lúc đó cũng là lúc Trương Sinh trở về. Vừa về đã hay tin mẹ chàng mất, chàng đau đớn tột cùng, cùng con đi ra viếng mộ mẹ. Trưa đến, tôi đang trong nhà bỗng nhiên nghe tiếng gọi lớn của Trương Sinh, giọng rất giận dữ, tôi vội chạy ra xem chuyện gì. Chưa kịp hỏi chàng chửi tôi thậm tệ, chửi rủa rồi đánh tôi nữa. Chàng nghi ngờ tôi ở nhà đã ăn ngủ cùng người đàn ông nào. Tôi cố gắng giải thích nhưng chàng không nghe, mặc hàng xóm khuyên can rồi đuổi tôi ra khỏi nhà. Vì giữ sự trong sạch cho mình, chứng minh mình không hề phản bội, tôi đau lòng nhảy xuống sông Hoàng Giang, đau lòng ngửa mặt lên trời thề rằng “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ.Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Sau khi thề xong, tôi gieo mình tự vẫn, tưởng pha đấy tôi đã từ trần nhưng khi mở mắt ra thấy mình nằm trong cung cấm đền dao và tôi biết được người cứu tôi là Linh Phi. Tuy sống trong cuộc sống sung sướng dưới cung nước nhưng nỗi nhớ chồng con da diết không thể nguôi ngoai được. Không lâu sau, hay tin Linh Phi gặp được ân nhân cứu mình thuở xưa. Đến dự tiệc ở gác Triêu Dương, tôi ngạc nhiên vì người đàn ông chính là Phan Lang, người cùng làng với tôi ở Nam Xương. Khi mới gặp lại, có lẽ ông ấy không nhận ra tôi, nhưng sau khi nghe tôi giãi bày, ông Phan khuyên tôi nên trở về cuộc sống trần gian. Tôi gửi trao chiếc hoa vàng cho chàng Trương Sinh và dặn Phan nói lại với chàng Trương nếu chàng ấy còn chút tình xưa với tôi thì hãy lập đàn giải oan ở bến sông. Chẳng lâu sau, làm đúng như lời dặn của tôi, chàng Trương lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang.
Đứng ở giữa dòng, tôi ngồi trên chiếc kiệu hoa, nói vọng ra: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể về trần gian được nữa”. Tôi mặc dù lòng đau như cắt nhưng tôi không thể trở về nhà nữa, nơi đó không còn chỗ để cho mình dung thân và tôi cũng nguôi ngoai được phần nào khi nỗi oan của tôi được minh oan.
3. Hóa thân Vũ Nương kể lại câu chuyện ngắn gọn nhất:
Tôi tên Vũ Nương, sinh ra trong một gia đình nghèo khó, được mọi người trong làng nhận xét về tôi là người con gái khá xinh đẹp. Tôi được Trương Sinh để ý và lấy tôi về làm vợ. Tính chàng hay ghen nên tôi sống khá giản dị. Chẳng mấy chốc, Trương Sinh đi lính, tôi không mong chức quan hầu mà chỉ mong hai chữ bình yên chờ chàng trở về. Khi Trương Sinh đi được nửa năm, thì mẹ chồng tôi lâm bệnh và mất. Mọi chuyện hậu sự tôi lo hết, thương mẹ chồng như mẹ đẻ. Trước khi mất bà có dặn tôi gửi lời thương nhớ tới Trương Sinh và cảm ơn tôi những ngày chăm lo cho bà. Căn nhà lạnh lẽo ấy giờ chỉ còn tôi và bé Đản – con trai của tôi và Trương Sinh. Tôi hay trêu đùa bé rằng cái bóng của mình là cha đứa bé mà không hề hay biết cái trêu đó đã hại chết mình. Khi chàng đi lính về, hôm ấy chàng bế con ra thăm mộ mẹ. Khi trở về thì liền tức giận chửi mắng và đuổi tôi ra khỏi nhà mặc lời khuyên can của hàng xóm. Chàng nghi tôi thất tiết, không giữ gìn khuôn phép. Tôi tuyệt vọng nhảy sông Hoàng Giang tự vẫn nhưng có lẽ ông trời vẫn thương tôi nên đã để Linh Phi cứu giúp. Không bao lâu sau tôi gặp người cùng làng tên Phan Lang, đây cũng là ân nhân của Linh Phi. Sau khi nghe Phan Lang kể chuyện Trương Sinh thức tỉnh ra và nhận mình sai, tôi đã nhờ Phan Lang nhắn nhủ tới chồng tôi nếu thương tôi thì lập đàn giải oan ở bến sông Hoàng Giang. Trương Sinh nghe thấy vậy liền làm theo, tôi đã hiện lên cảm tạ tình chàng và biến mất. Sống ở xã hội phong kiến, nơi mà phụ nữ không có tiếng nói này thật sự không dành cho tôi.
4. Vào vai Vũ Nương kể lại Chuyện người con gái Nam Xương:
Tôi tên thật là Vũ Thị Thiết, mọi người hay gọi là Vũ Nương, quê ở Nam Xương. Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó nhưng được cha mẹ dạy bảo đàng hoàng về lễ nghĩa nên mọi người trong làng rất yêu quý tôi và hay trêu tôi đầy đủ cả công dung ngôn hạnh. Năm ấy, tôi đã đến tuổi lấy chồng, mà tôi lại được một chàng cùng làng để ý. Chàng tên Trương Sinh, gia đình khá giả, vì sự yêu mến dung hạnh của tôi nên chàng đã xin mẹ trăm lạng vàng đến cưới tôi làm vợ. Tôi cũng yêu mến chàng nên cuộc sống hôn nhân khá viên mãn, hạnh phúc. Tính chồng tôi hay ghen tuông, tôi cũng biết ý tứ nên giữ gìn khuôn phép, cuộc sống lại càng hạnh phúc hơn. Tôi cứ ngỡ cuộc sống êm đềm cứ thế mà trôi qua, nào ngờ quân giặc đến quấy phá nước ta, chàng mặc dù con nhà hào phú nhưng vẫn phải đi lính vì ít học. Trước ngày chàng lên đường, tôi nhìn cảnh mẹ chồng dặn dò con trai mà lòng tôi nghẹn ngào. Lúc rót chén rượu tiễn chồng, tôi buồn không nói lên lời, cảm giác nghẹn ở cổ càng khiến tôi khó chịu, hạnh phúc chưa được bao lâu mà đã phải xa chồng. Tôi không biết gì hơn ngoài cầu mong chồng trở về khỏe mạnh, lành lặn, chẳng cần phải có chức danh cao sang quyền quý chỉ cần chàng về mang theo hai chữ bình yên. Sau khi chồng đi được hơn một tuần thì tôi hạ sinh một bé trai rất kháu khỉnh, đặt tên là Đản. Có đứa trẻ trong nhà rộn hẳn lên, tôi đã bớt trống trải hơn. Ngày qua tháng lại, thấm thoắt đã nửa năm trôi qua, vì nhớ thương con trai và tuổi già sức yếu nên mẹ chồng tôi đã lâm bệnh nặng. Tôi lo lắng chạy ngang chạy dọc thuốc thang cho mẹ, chăm mẹ từng chút một, tụng kinh niệm phật mong mẹ khỏe lên. Một tay chăm con nhỏ một tay chăm mẹ bệnh nên tôi quên ăn quên ngủ lúc nào không hay. Nhưng số trời đã định, bà không qua khỏi. Trước khi mất, bà trăn trối rằng “Sau này, trời xét lòng thành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Tôi đau lòng, thương xót lo ma chay lễ tế như cha mẹ ruột của mình. Hậu sự đã xong xuôi, giờ căn nhà ấy chỉ còn tôi và bé Đản. Một cảm giác trống rỗng và lạc lõng bao trùm lấy tôi. Có một lần bé Đản hỏi về cha của bé, tôi chỉ vào bức tường chiếu bóng của tôi và nói đấy là cha. Hằng tối tôi lại bảo với con là “Cha Đản lại đến kia kìa!”, đứa bé ngây thơ vẫn tưởng thật và cùng vui đùa với cái bóng của tôi. Hai mẹ con cứ thế nô đùa với nhau, tâm trạng tôi cũng khá khẩm hơn.
Qua năm sau, giặc rút quân và đất nước trở về bình yên như trước. Chồng tôi quay về nhà, tôi hạnh phúc tới mức không nói lên lời, xúc động chảy nước mắt, cảm xúc như vỡ òa. Sau bao lâu cuối cùng cũng được đoàn tụ cùng chồng. Giờ đây cả gia đình tôi sẽ sống trong hạnh phúc đầy ắp tiếng cười. Tuy nhiên, sau khi biết tin mẹ chàng mất, chàng buồn bã rồi bế con ra thăm mộ mẹ. Tôi không biết trong khoảng thời gian đó đã xảy ra chuyện gì nhưng lúc trở về nhà chàng rất tức giận, tôi sợ hãi hỏi chàng rồi bỗng nhiên chàng chửi tôi thậm tệ, chửi tôi là loại con gái trắc nết hư thân rồi đuổi tôi ra khỏi nhà mặc cho lời can của hàng xóm. Tim tôi như thắt lại, tôi cảm giác giờ đây như có hàng trăm hàng nghìn con dao nhọn đang đâm vào người mình. Tôi tuyệt vọng đến tột cùng, giọt nước mắt cứ thế rơi dài trên má, tôi đã nảy ra ý định tự tử. Tắm rửa sạch sẽ, tôi ngửa mặt lên trời than rồi mong trời chứng giám cho lòng chung thủy trong sạch của bản thân, thề xong tôi gieo mình tự vẫn. Tôi đã tưởng mình chết lúc đó rồi nhưng tự nhiên bản thân cử động được và tôi mở mắt ra, người cứu tôi là Linh Phi, một người vô cùng nhân hậu, tốt bụng. Một hôm Linh Phi tổ chức một yến tiệc để thiết đãi ân nhân của mình thuở trước, lại càng không ngờ đến đó là Phan Lang – người cùng làng với tôi lúc tôi còn ở trần thế. Gặp lại được nhau, chúng tôi đã nhắc lại vài chuyện cũ, cũng nhờ vì vậy mà tôi biết được chồng mình đã thấu rõ được nỗi oan của bản thân, bởi vì lúc chàng bế đứa con bé bỏng ngồi bên ngọn đèn dầu, thì con trỏ bóng nhận cha. Nghe kể xong, tôi buồn rầu và xót xa không kể siết. Phan Lang khuyên tôi trở về nhưng tôi không thể trở về được nữa dù rất nhớ chồng con. Nhân lúc Phan Lang trở về trần thế tôi đã gửi nhờ một chiếc hoa vàng và nói với Trương Sinh còn thương tôi thì hãy lập đàn giải oan cho tôi.
Trương Sinh đã làm theo lập đàn giải oan ba ngày ba đêm tại bến Hoàng Giang. Đến ngày thứ ba tôi đã hiện lên cùng năm mươi chiếc kiệu hoa và võng lọng của Linh Phi ban cho. Tôi ở giữa sông nói vọng vào bờ tạ lỗi với chồng con rồi biến mất.
Tôi xác định không quay trở về bởi nơi đấy không dành cho tôi, xã hội phong kiến với những tập tục như đàn bà không có lời ăn tiếng nói trong nhà, trọng nam khinh nữ, người thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ chúng ta. Qua câu chuyện này, tôi cũng có đôi lời nhắn nhủ với mọi người rằng trong hôn nhân nếu muốn hạnh phúc thì vợ chồng phải tin tưởng, hiểu cho nhau, đừng vì cái tôi lớn quá mà mất đi hạnh phúc của chính mình.