Hợp đồng thực hiện chuyên môn nghiệp vụ là một loại hợp đồng lao động được ký kết giữa một tổ chức có thẩm quyền và một cá nhân nhằm thực hiện công việc chuyên môn. Vậy đơn vị sự nghiệp được ký hợp đồng làm chuyên môn?
Mục lục bài viết
1. Đơn vị sự nghiệp được ký hợp đồng làm chuyên môn?
Điều 9 Nghị định 111/2022/NĐ-CP hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính quy định hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở trong đơn vị sự nghiệp công lập, Điều này quy định về hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở trong đơn vị sự nghiệp công lập như sau:
– Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây sẽ được gọi là đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây sẽ được gọi là đơn vị nhóm 2) ký kết
– Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (sau đây được gọi là đơn vị nhóm 3) ký kết hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước để đáp ứng những nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực còn thiếu so với định mức số lượng người làm việc ở trong đơn vị sự nghiệp công lập do bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành. Đối với các đơn vị tự bảo đảm dưới 70% chi thường xuyên hoặc là đơn vị chưa được giao quyền tự chủ tài chính thì sẽ phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thống nhất trước khi thực hiện.
– Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (sau đây được gọi là đơn vị nhóm 4), trừ đơn vị thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và lĩnh vực y tế, được ký kết hợp đồng lao động có thời gian không quá 12 tháng để làm những công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung để bổ sung các nhân lực còn thiếu so với số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao hoặc là để kịp thời thay cho số viên chức nghỉ thai sản, thôi việc, nghỉ hưu.
– Đơn vị nhóm 4 thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và y tế ký kết hợp đồng lao động mà có thời gian không quá 12 tháng để làm công việc ở vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyển ngành và các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung, nhưng số lượng người mà ký kết hợp đồng lao động chiếm không quá 70% số chênh lệch giữa số lượng người làm việc mà được giao với số lượng theo định mức do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế ban hành. Số lượng hợp đồng ký kết do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý ở Trung ương xem xét, quyết định.
– Đơn vị nhóm 3 và đơn vị nhóm 4 còn số lượng người làm việc đã được cấp có thẩm quyền giao thì sẽ phải thực hiện tuyển dụng đối với số được giao.
– Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương nơi mà tổ chức chính quyền đô thị và nơi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị căn cứ vào quy mô dân số, căn cứ điều kiện về ngân sách, đặc thù về kinh tế – xã hội trong mỗi thời kỳ và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực mà còn thiếu so với định mức số lượng người làm việc quyết định việc ký kết hợp đồng dịch vụ với các đơn vị, tổ chức ngoài công lập để thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực giáo dục và y tế tại những đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm việc không làm tăng tổng chi ngân sách thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước theo các quy định. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương quản lý nằm ở trên địa bàn những địa phương nêu ở trên do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý ở Trung ương quyết định.
Qua các quy định trên có thể khẳng định được rằng đơn vị sự nghiệp hoàn toàn được ký hợp đồng làm chuyên môn, tuy nhiên sẽ tùy theo loại của đơn vị sự nghiệp công lập mà đơn vị sự nghiệp công lập đó được quyền ký hợp đồng làm chuyên môn theo loại hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn.
2. Tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng làm chuyên môn:
Điều 10 Nghị định 111/2022/NĐ-CP hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ, Điều này quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
– Cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ phải đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được hưởng các quyền lợi sau đây:
+ Đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện đối với những cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ, bao gồm:
++ Có một quốc tịch chính là quốc tịch Việt Nam;
++ Đủ tuổi lao động theo quy định của pháp
++ Có đầy đủ sức khỏe để làm việc;
++ Có lý lịch đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
++ Có khả năng đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm;
++ Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ hoặc không trong thời gian đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào những cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; không đang trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan đến công việc ký kết hợp đồng;
++ Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành và theo những tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.
+ Đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành;
+ Chịu trách nhiệm về việc thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, theo các thỏa thuận trong hợp đồng và theo yêu cầu của đơn vị sự nghiệp công lập;
+ Thời gian làm việc theo hợp đồng lao động (không kể thời gian tập sự, thời gian thử việc) đối với trường hợp ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ được tính làm căn cứ để xếp lương theo vị trí việc làm nếu được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, làm viên chức. Việc xếp lương tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo đúng quy định của pháp luật;
+ Được hưởng những chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
– Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Thực hiện ký kết hợp đồng trong tổng số hợp đồng đã được cấp có thẩm quyền quyết định;
+ Chi trả lương, thực hiện chế độ, chính sách khác cho những người lao động theo thỏa thuận hoặc chi trả theo hợp đồng dịch vụ, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật lao động và quy định của pháp luật khác có liên quan;
+ Thường xuyên theo dõi, đánh giá về vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ của người ký hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ;
+ Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về việc hoàn thành các nhiệm vụ được giao;
+ Trường hợp ký kết hợp đồng lao động với cá nhân thì đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải tăng mức trích lập Quỹ phúc lợi bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm để bảo đảm giải quyết chế độ, chính sách trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Thẩm quyền ký hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn:
– Đối với đơn vị nhóm 1, đơn vị nhóm 2 và đơn vị nhóm 3 tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị hoặc người được ủy quyền ký hợp đồng.
– Đối với đơn vị nhóm 3 tự bảo đảm từ 10% đến dưới 70% chi thường xuyên và đơn vị nhóm 4 thì người có thẩm quyền ký hợp đồng làm việc với viên chức theo các quy định của pháp luật về viên chức hoặc người được ủy quyền ký hợp đồng.
– Đối với ký kết hợp đồng dịch vụ thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thực hiện ký hợp đồng theo đề xuất của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc là ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký. Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện việc ký hợp đồng sau khi báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 111/2022/NĐ-CP hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính.