Đơn phương chấm dứt hợp đồng xuất khẩu lao động. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đơn phương chấm dứt
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư. Tôi xin hỏi câu hỏi như thế này tôi có tham gia chương trình xuât khẩu lao động sang Hàn Quốc theo visa E7. Hợp đồng của tôi đã đi vào hoàn tất và có thông báo đỗ visa rồi nhưng chưa có mã visa và ngày nhập cảnh. Nay tôi vì sức khỏe nên không muốn đi nữa xin hủy hợp đồng, phía đối tác đang có đơn kiện lại. Vậy tôi xin hỏi là khi bị kiện tôi có cách nào làm giảm án hoặc phải bồi thường ít hơn không ạ. Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp với người lao động về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 6 Điều 44 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 có quy định về một trong những nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đó là:
"Chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động."
Như bạn trình bày, Hợp đồng đi làm ở nước ngoài của bạn đã hoàn tất nhưng chưa có mã visa và ngày nhập cảnh. Vậy nên, khi bạn vi phạm hợp đồng, thì căn cứ khoản 3 Điều 23 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
"Trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động".
Trong đó, các thỏa thuận về tiền ký quỹ của người lao động đã được ghi trong Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Như vậy, doanh nghiệp dịch vụ sẽ được phép sử dụng tiền ký quỹ của bạn để bù đắp thiệt hại phát sinh của bạn gây ra cho doanh nghiệp. Sau khi bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì bạn phải nộp bổ sung; nếu còn thừa thì bạn được nhận lại phần còn thừa đó. Và sẽ dựa vào nội dung mà hợp đồng ký kết về các quy định bồi thường, phạt vi phạm khi một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng.