Đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc là gì? Đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc dùng để làm gì? Mẫu đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc? Hướng dẫn đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc?
Tín ngưỡng, tôn giáo là nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm trong bối cảnh du nhập và gia tăng các hình thức tôn giáo vào Việt Nam. Để đảm bảo cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, pháp luật Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh về các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tôn giáo. Với sự ra đời của các tổ chức tôn giáo, nhà nước còn cho phép sự thành lập của các tổ chức tôn giáo trực thuộc mà thủ tục bắt buộc là phải đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016
Nghị định 162/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật tín ngưỡng, tôn giáo
1. Đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc là gì?
Khái niệm tổ chức tôn giáo được nêu rõ trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo, theo đó, tổ chức tôn giáo được hiểu là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo.
Đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc về bản chất cũng là tổ chức tôn giáo nhưng việc thành lập, quản lý tổ chức tôn giáo này được nằm trong tổ chức tôn giáo khác, hay nói cách khác, tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo. Tổ chức tôn giáo trực thuộc có thể được cấp đăng ký pháp nhân thương mại nếu có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc có quyền như nhau được ghi nhận tại Điều 7 Luật tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể: hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và văn bản có nội dung tương tự (sau đây gọi chung là hiến chương) của tổ chức tôn giáo; tổ chức sinh hoạt tôn giáo; xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo; nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho. Thực chất tổ chức tôn giáo trực thuộc không bị áp đặt ý chí hay quản lý quá nhiều từ tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trên cũng không phải là một “cơ quan cấp trên” để thực hiện hoạt động đối với cơ sở tôn giáo trực thuộc, do đó việc quy định quyền như nhau phản ánh sự độc lập tương đối của tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc là văn bản do tổ chức tôn giáo gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền với mong muốn cơ quan này cho phép thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện luật định. Đơn đề nghị phải thể hiện được các nội dung như: lý do; tên tổ chức đề nghị; tên tổ chức tôn giáo trực thuộc dự kiến thành lập; tên tổ chức, người đại diện tổ chức trước và sau khi thành lập; địa bàn hoạt động, số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo trực thuộc tại thời điểm thành lập; cơ cấu tổ chức, địa điểm dự kiến đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi thành lập.
2. Đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc dùng để làm gì?
Đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc là văn bản bắt buộc trong hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, là văn bản thể hiện nguyện vọng của tổ chức tôn giáo trong việc muốn thành lập thêm tổ chức tôn giáo. Đây là căn cứ để phát sinh nghĩa vụ xem xét, đánh giá và quyết định cho phép thành lập của cơ quan có thẩm quyền. Cũng là cơ sở để cơ quan nhà nước quản lý hoạt động của các tổ chức tôn giáo tại địa phương cũng như trong cả nước, tránh tình trạng hoạt động bừa bãi, tràn lan để thực hiện các mục đích trái pháp luật.
Tìm hiểu một số quy định pháp luật về thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, tác giả nhận thấy quy định về nội dung này là chưa thực sự rõ ràng khi kết hợp quy định giữa thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia tách tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tuy nhiên, người đọc chỉ cần nắm bắt được các thông tin cơ bản sau:
Thứ nhất, điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc. (1) Hiến chương của tổ chức tôn giáo có quy định về việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; (2) Có địa điểm hợp pháp để đặt trụ sở.
Thứ hai, hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc: (1) Đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; (2) danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức tôn giáo trực thuộc; (3) Hiến chương của tổ chức tôn giáo trực thuộc (nếu có); (4)
Thứ ba, trình tự, thủ tục đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc. Trước khi thành lập tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tổ chức tôn giáo trực thuộc có văn bản thành lập. Hết thời hạn 01 năm kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, nếu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không thành lập thì văn bản chấp thuận hết hiệu lực.
Thứ tư, thẩm quyền chấp thuận việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;
-Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc thành lập đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
Thực chất, hoạt động đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc không quá khó, thủ tục cũng khá đơn giản, chỉ cần tổ chức tôn giáo chuẩn bị đầy đủ hồ sơ là sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét. Việc quy định thời hạn hiệu lực của văn bản chấp thuận nhằm ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tôn giáo trong việc đã đề nghị thì phải thành lập, tránh tình trạng đề nghị nhưng không làm, khai khống hoạt động. Sau thời hạn đó, nếu muốn thành lập lại thì tổ chức tôn giáo phải thực hiện đề nghị lại, nhưng sẽ khó hơn so với lần đầu.
3. Mẫu đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc?
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
….(1)…., ngày……. tháng…… năm…..
ĐỀ NGHỊ
Thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc
Kính gửi: ……..(2)…….
Tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc (chữ in hoa): ……………
Trụ sở: …………….
Đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc với các nội dung sau:
Lý do thành lập: ………..
Tên tổ chức tôn giáo trực thuộc dự kiến thành lập: ………..
Địa điểm dự kiến đặt trụ sở của tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi thành lập:
Người đại diện của tổ chức trước khi thành lập:
Họ và tên: ………………….. Năm sinh:…………..
Tên gọi trong tôn giáo (nếu có): ……….
Chức vụ, phẩm vị (nếu có): …………………
Số CMND/Số hộ chiếu/Số định danh cá nhân: …………
Ngày cấp:……………….. Nơi cấp:…………..
Người đại diện của tổ chức sau khi thành lập:
Họ và tên: ………………. Năm sinh:………..
Tên gọi trong tôn giáo (nếu có): ………………..
Số CMND/Số hộ chiếu/Số định danh cá nhân:………
Ngày cấp:……………….. Nơi cấp:………………
Địa bàn hoạt động tôn giáo: ……………
Số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo trực thuộc tại thời điểm thành lập:……………
Cơ cấu tổ chức: …………….
Văn bản kèm theo gồm: Danh sách, sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo tổ chức tôn giáo trực thuộc; hiến chương của tổ chức tôn giáo trực thuộc (nếu có);
TM. TỔ CHỨC(3)
(Chữ ký, dấu)
4. Hướng dẫn đơn đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc?
(1) Địa danh nơi có trụ sở của tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc.
(2) Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương đối với đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở nhiều tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đề nghị thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở một tỉnh.
(3) Tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc.