Lực lượng dân quân tự vệ được thành lập ở khắp các địa phương trên địa bàn cả nước và có những vai trò ý nghĩa quan trọng. Vậy đối tượng nào phải tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ? Trường hợp nào được hoãn, tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ:
Độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình:
– Độ tuổi tham gia Dân quân tự vệ:
Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
– Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ:
+ Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm;
+ Dân quân thường trực là 02 năm.
– Kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ:
+ Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi trên.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Tiêu chuẩn tuyển chọn công dân tham gia Dân quân tự vệ:
Công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, có đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn vào Dân quân tự vệ:
– Lý lịch rõ ràng;
– Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
– Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.
2. Các trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11
“1. Công dân được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của dân quân tự vệ;
c) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân;
d) Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân Công an đang phục vụ trong Công an nhân dân;
đ) Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;
e) Lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận;
g) Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
h) Người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài.”
– Việc chăm sóc và giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao và hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Ta đều biết, trẻ em là những chủ thể còn non nớt vể thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt về mọi mặt, từ sức khỏe, học tập, vui chơi giải trí đến việc bày tỏ ý kiến và tham gia những hoạt động tập thể. Và việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao, hệ trọng, quyết định vận mệnh dân tộc. Đó chính là là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhất là đối với trẻ dưới 36 tháng tuổi. Do đó, đối với các chủ thể là phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
– Sức khỏe luôn là vốn quý nhất của mỗi con người, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Có sức khỏe mới đáp ứng được tất cả các nhu cầu hoạt động phục vụ cuộc sống hàng ngày và lao động một cách sảng khoái không trở ngại, khó khăn. Do đó, để tham gia thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ cần đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về sức khoẻ. Đối với các chủ thể không đáp ứng các tiêu chuẩn này thì sẽ tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
– Khi có chồng hoặc vợ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân; Có chồng hoặc vợ là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân Công an đang phục vụ trong Công an nhân dân; Có chồng hoặc vợ là cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì pháp luật quy định cho tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
Đối với các đối tượng này, pháp luật Việt Nam tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Bởi vì chồng hoặc vợ của các chủ thể đang phục vụ trong Quân đội nhân dân; Công an nhân dân hay làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nên người còn lại sẽ không bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong khoảng thời gian này. Quy định này là hoàn toàn hợp lý nhằm bảo đảm quyền lợi của các chủ thể khi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
– Trong một gia đình cần có ít nhất một chủ thể là người lao động làm việc để nuôi gia đình đó. Con người không thể tồn tại và phát triển nếu không lao động, đặc biệt là đối với người dân hộ nghèo, hộ cận nghèo. Do đó, tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ đối với lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, đối với các chủ thể là người phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; người trong hộ gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra khi được Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công dân cư trú hoặc làm việc xác nhận cũng được pháp luật quy định cho tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
– Vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
Các binh sĩ, chiến sĩ đóng góp những vai trò to lớn đối với nền hoà bình, độc lập của đất nước. Bên cạnh những người còn may mắn lành lặn, khoẻ mạnh thì nỗi đau của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% là không thể nào đo lường và bù đắp được. Chính vì thế, pháp luật đã có những chính sách, chế độ ưu đãi đối với các chủ thể này. Pháp luật đã quy định tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ đối với vợ hoặc chồng, một con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% để bảo vệ quyền lợi của các chủ thể này.
– Đối với các chủ thể là người đang học tại trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hay đối với các chủ thể là người đang lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài cũng được pháp luật ưu tiên tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nhằm mục đích để các chủ thể hoàn thành chương trình học tập, nâng cao trình độ và sự hiểu biết, giúp phát triển đất nước, xã hội Việt Nam.
3. Các trường hợp miễn nghĩa vụ dân quân tự vệ:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định nội dung sau đây:
“2. Công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:
a) Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ;
b) Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên;
d) Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
đ) Người làm công tác cơ yếu.”
– Liệt sĩ được hiểu là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp cụ thể do pháp luật quy định. Đối với những chủ thể là vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ sẽ được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Đây là chính sách để nhằm bù đắp cho những đau đớn, hi sinh và mất mát mà họ đã trải qua.
– Như đã phân tích cụ thể ở trên, thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động là những người có công lao to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của toàn đất nước ta. Chính vì thế, đối với vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sẽ được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Đây là một chính sách ưu đãi và đảm bảo quyền lợi, bù đắp một phần tổn thất với các chủ thể này.
– Đơn vị dự bị động viên được hiểu là tổ chức quân sự bao gồm phần lớn hoặc toàn bộ là quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật dự bị trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân; có tổ chức, biên chế chưa hoàn chỉnh hoặc chưa tổ chức trong thời bình, nhưng có kế hoạch động viên, bổ sung trong thời chiến khi có lệnh động viên. Các quân nhân khi đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên sẽ được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
– Đối với những người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay là những người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì cũng sẽ được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Việc quy định như vậy là hoàn toàn hợp lý để đảm bảo các Bà mẹ Việt Nam anh hùng hay người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được nuôi dưỡng và chăm sóc.
– Cuối cùng là các chủ thể là người làm công tác cơ yếu sẽ được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. Hiểu một cách đơn giản thì hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, do lực lượng chuyên trách đảm nhiệm.
Cần lưu ý đối với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
Như vậy, những đối tượng thuộc một trong các trường hợp nêu trên sẽ được miễn, tạm hoãn dân quân tự vệ.