Đối tượng xóa mù chữ và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ? Đối tượng phổ cập giáo dục và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục? Thẩm quyền kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ?
Nhà nước ta luôn có các chính sách chú trọng phát triển giáo dục, đặc biệt là đối với chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, điều này nhằm hướng đến 100% dân số đều phải biết chữ. Vậy những đối tượng nào mà pháp luật quy định phải đi học lớp xóa mù chữ và những đối tượng nào sẽ phải hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục? Bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu các vấn đề mà pháp luật quy định liên quan đến xóa mù chữ và phổ cập giáo dục để giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Luật sư
1. Đối tượng xóa mù chữ và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ?
– Đối tượng xóa mù chữ: Theo quy định tại Điều 17
– Tiêu chuẩn công nhận cá nhân đạt chuẩn biết chữ
+ Người mù chữ hoàn thành giai đoạn 1 chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ hoặc hoàn thành lớp 3 chương trình giáo dục tiểu học sẽ được coi là người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1.
+ Người mù chữ hoàn thành giai đoạn 2 chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ hoặc hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học được coi là người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
Theo đó thì tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và mức độ 2 sẽ được xét theo tỷ lệ được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ theo từng xã, huyện, tỉnh, tiêu chuẩn cụ thể như sau:
– Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1
+ Đối với xã: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1; đối với xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 25 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1.
+ Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.
+ Đối với tỉnh: Có ít nhất 90% số huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.
– Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
+ Đối với xã: Có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2; đối với xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có ít nhất 90% số người trong độ tuổi từ 15 đến 35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2.
+ Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Như vậy những người thuộc đối tượng xóa mù chữ sẽ được tham gia chương trình xóa mù chữ, tỷ lệ số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ và tỷ lệ số xã, huyện được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ sẽ là tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ ở các mức độ.
2. Đối tượng phổ cập giáo dục và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục?
2.1. Phổ cập giáo dục mầm non
– Đối tượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thì đối tượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là trẻ em 5 tuổi chưa hoàn thành chương trình giáo dục mầm non với chương trình giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là chương trình giáo dục mầm non dành cho mẫu giáo 5 – 6 tuổi.
– Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: tiêu chuẩn này được xét dựa trên các tiêu chí cá nhân, xã, huyện và tỉnh, cụ thể:
+ Đối với cá nhân: Hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.
+ Đối với xã, phường, thị trấn:
Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đến lớp đạt ít nhất 95%; đối với xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 90%;
Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt ít nhất 85%; đối với xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%.
+ Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện): Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
+ Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh): Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Theo đó đối tượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi là trẻ em 5 tuổi chưa hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non tại các xã, huyện và tỉnh là tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non.
2.2. Phổ cập giáo dục tiểu học
– Đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thì đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học với chương trình giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học là chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
– Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1: tiêu chuẩn này được xét dựa trên các tiêu chí cá nhân, xã, huyện và tỉnh, cụ thể:
+ Đối với cá nhân: Hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học.
+ Đối với xã:
Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt ít nhất 90%;
Tỷ lệ trẻ em đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt ít nhất 80%, đối với xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%.
+ Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1.
+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1.
Theo đó đối tượng phổ cập giáo dục tiểu học là trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học tại các xã, huyện và tỉnh là tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.
2.3. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở
– Đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thì đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở là thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến 18 đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, chưa tốt nghiệp trung học cơ sở với chương trình giáo dục thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở là chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
– Tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1: tiêu chuẩn này được xét dựa trên các tiêu chí cá nhân, xã, huyện và tỉnh, cụ thể:
+ Đối với cá nhân: Được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
+ Đối với xã:
Bảo đảm tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 và tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1;
Tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ít nhất 80%, đối với xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 70%.
+ Đối với huyện: Có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
+ Đối với tỉnh: Có 100% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.
Theo đó đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở là thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến 18 đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, chưa tốt nghiệp trung học cơ sở và tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở tại các xã, huyện và tỉnh là tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
3. Thẩm quyền kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ?
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thì thẩm quyền kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được quy định như sau:
– Đối với cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra và ra quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với xã.
– Đối với cấp huyện: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra và ra quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với huyện.
– Đối với cấp tỉnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra và ra quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với tỉnh.
Như vậy cấp trên của các cơ sở hành chính sẽ tiến hành kiểm tra và ra quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với các cấp. Việc thực hiện kiểm tra và ra quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với cần phải đúng thẩm quyền và kiểm tra đầy đủ các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ để đảm bảo chính xác tình trạng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên các địa bàn xã, huyện, tỉnh.