Bảo hộ quyền tác giả là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ghi nhận quyền tác giả của người sáng tạo ra tác phẩm, hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra. Vậy theo quy định của pháp luật hiện nay, đối tượng nào sẽ không thuộc phạm vi được bảo hộ quyền tác giả?
Mục lục bài viết
1. Đối tượng nào không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể bao gồm:
– Các tin tức thời sự thuần túy đưa tin;
– Các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hành chính được ban hành bởi cơ quan có thẩm quyền, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp, bản dịch chính thức của văn bản đó;
– Quy trình, trình tự và thủ tục, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, số liệu và các nguyên lý.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, có quy định cụ thể về các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, hướng dẫn cụ thể quy định tại Điều 15 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022. Cụ thể như sau:
– Tin tức thời sự thuần túy đưa tin được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 15 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 được xem là các thông tin báo chí hằng ngày, đó là các thông tin ngắn, thông tin vật, các số liệu sự thật, tuy nhiên chỉ mang tính chất đưa tin thông thường, không có tính sáng tạo;
– Các văn bản hành chính được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 15 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 sẽ bao gồm các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được ban hành bởi các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoặc có thể được ban hành bởi các tổ chức xã hội và các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
– Quy trình và hệ thống, phương pháp hoạt động, nguyên lý hoạt động, khái niệm, số liệu được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 15 của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 sẽ được hiểu cụ thể như sau:
+ Quy trình là khái niệm để chỉ trình tự và thủ tục cần phải tuân thủ để tiến hành một công việc nhất định nào đó trên thực tế;
+ Hệ thống là khái niệm để chỉ tập hợp nhiều yếu tố khác nhau, tập hợp nhiều đơn vị cùng loại, cùng chức năng, có quan hệ mật thiết, có liên hệ chặt chẽ với nhau, từ đó tạo nên một tổng thể thống nhất;
+ Phương pháp là khái niệm để chỉ các cách thức tiến hành hoạt động nghiên cứu, góc nhìn nhận của các chủ thể trong xã hội đối với các hiện tượng của tự nhiên và các hiện tượng của đời sống xã hội;
+ Khái niệm là từ để chỉ ý nghĩa phản ánh ở dạng khái quát tất cả các loại sự vật, khái quát hiện tượng tồn tại trong hiện thực cuộc sống và những mối liên hệ giữa chúng;
+ Nguyên lý là khái niệm để chỉ những định luật cơ bản có tính chất tổng quát, khái quát, chi phối một loạt các hiện tượng tự nhiên trong xã hội, và đó là tổng hợp những tư tưởng, quan điểm, lý thuyết ban đầu, vô cùng quan trọng, được coi là xuất phát và là cơ sở khởi điểm cho việc xây dựng những nguyên lý khác.
Theo đó thì có thể nói, theo các điều luật cụ thể nêu trên, các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả có thể kể đến như sau:
– Các tin tức thời sự thuần túy đưa tin;
– Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, các văn bản thuộc lĩnh vực tư pháp kèm theo bản dịch chính thức của văn bản đó;
– Quy trình, phương pháp hoạt động, hệ thống hoạt động, khái niệm, nguyên lý hoạt động và số liệu.
2. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định cụ thể về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, trong đó có các loại giáo trình. Cụ thể như sau:
– Tác phẩm văn học, tác phẩm nghệ thuật và các tác phẩm khoa học sẽ được bảo hộ bao gồm các loại sau đây:
+ Các tác phẩm văn học, các tác phẩm khoa học, các loại sách giáo khoa, giáo trình và các loại tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoa các loại tác phẩm được thể hiện dưới dạng ký tự;
+ Các đoạn bài giảng hoặc các bài phát biểu, các bài nói khác;
+ Các loại tác phẩm âm nhạc, tác phẩm báo chí, tác phẩm sân khấu điện ảnh, tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự;
+ Tác phẩm mỹ thuật hoặc mĩ thuật ứng dụng;
+ Tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, các loại bản đồ, họa đồ, sơ đồ, các bản vẽ liên quan đến địa hình, các bản vẽ liên quan đến kiến trúc hoặc các công trình khoa học;
+ Các tác phẩm văn học hoặc nghệ thuật dân gian;
+ Các chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
– Tác phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật sẽ chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với các tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh đó;
– Tác phẩm được bảo hộ theo phân tích nêu trên sẽ phải do tác giả trực tiếp sáng tạo thông qua quá trình lao động trí tuệ của tác giả đó, mà không được sao chép từ các loại tác phẩm của người khác;
– Chính phủ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
Theo đó thì có thể nói, trên đây là tất cả những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.
3. Chính sách của Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, có quy định cụ thể về chính sách của nhà nước liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan. Cụ thể như sau:
– Chính sách hỗ trợ tài chính, kinh phí để thực hiện hoạt động mua bán quyền cho các cơ quan, tổ chức nhà nước có nhiệm vụ phổ biến đối với các loại tác phẩm, bản ghi âm ghi hình, các chương trình phát sóng, các cuộc biểu diễn có giá trị tư tưởng, khoa học, nhân đạo nhân văn, giáo dục và nghệ thuật, nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động công cộng, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước;
– Cần phải ưu tiên cho hoạt động đầu tư, phục vụ cho hoạt động đào tạo và bồi dưỡng các công chức và viên chức làm công tác quản lý, thực thi hoạt động bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan từ trung ương cho đến địa phương;
– Cần phải ưu tiên cho hoạt động đầu tư, ứng dụng đầy đủ các loại khoa học công nghệ tiến bộ, thực hiện hoạt động chuyển đổi số trong quá trình quản lý nhà nước để từ đó bảo hộ cho quy định của pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan;
– Cần phải đẩy mạnh truyền thông, nhằm mục đích nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật liên quan đến quyền tác giả. Cần phải tăng cường giáo dục kiến thức về quyền tác giả và quyền liên quan trong nhà trường, trong các cơ sở giáo dục khác sao cho phù hợp với trình độ đào tạo và phù hợp với từng cấp học;
– Huy động các nguồn lực của xã hội, đầu tư phát triển, hỗ trợ nguồn tài chính cho các hoạt động khuyến khích sáng tạo, chuyển giao công nghệ, khai thác thông tin, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao nguồn năng lực và nhân lực về hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế;
– Ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội, doanh nghiệp hoạt động thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy thực hiện hoạt động chuyển đổi định dạng dễ tiếp cận cho những người khuyết tật theo quy định của pháp luật, từ đó tạo điều kiện cho những người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận với các tác phẩm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.