Thuế sử dụng đất là nghĩa vụ tài chính được pháp luật quy định đối với người sử dụng đất. Vậy pháp luật hiện hành quy định đối tượng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là những ai?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là thuế sử dụng đất nông nghiệp?
Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể thế nào là thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và theo thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật thì có thể hiểu Thuế sử dụng đất nông nghiệp là một loại thuế gián thu được đánh vào những cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp, có hoạt động sản xuất và có thu nhập trực tiếp từ canh tác, sản xuất đất nông nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Đối với những cá nhân, hộ gia đình được Nhà nước trao quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không sử dụng thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, thuế sử dụng đất nông nghiệp có thể được miễn hoặc giảm đối với từng trường hợp cụ thể theo quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất.
2. Đối tượng chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là những ai?
Hiện nay quy định về thuế sử dụng đất nông nghiệp vẫn đang được áp dụng theo quy định tại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 và Nghị định 74-CP của Chính phủ ban hành năm 1993 Quy định chi tiết thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Những văn bản này đều được thông qua và ban hành từ rất lâu nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật mới ra đời bãi bỏ hiệu lực của những văn bản đó nên Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 và Nghị định số 74-CP của Chính phủ ban hành năm 1993 vẫn đang có hiệu lực thi hành.
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 và Điều 1 Nghị định số 74-CP của Chính phủ ban hành thì đối tượng phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp bao gồm:
– Tổ chức, cá nhân sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp đều phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm:
+ Các hộ gia đình nông dân, hộ tư nhân và cá nhân;
+ Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất dành cho nhu cầu công ích của xã;
+ Các doanh nghiệp nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản bao gồm nông trường, lâm trường, xí nghiệp, trạm trại và các doanh nghiệp khác, cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội và các đơn vị khác sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
– Hộ được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp không sử dụng đất vẫn phài thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Như vậy, những cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khi được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nếu các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình nêu trên được Nhà nước giao quyền sử dụng đất nhưng không sử dụng thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.
3. Loại đất nông nghiệp nào phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 và Nghị định số 74-CP của Chính phủ ban hành năm 1993 thì cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được Nhà nước giao quyền sử dụng đất đối với những loại đất sau thì phải thực hiện nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp:
– Đất trồng trọt là đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cỏ;
– Đất trồng cỏ là đất đã có chủ sử dụng vào việc trồng cỏ để chăn nuôi gia súc;
– Đất trồng cây hàng năm là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng (từ khi trồng đến khi thu hoạch) không quá 365 ngày như lúa, ngô, rau, lạc… hoặc cây trồng một lần cho thu hoạch một vài năm nhưng không trải qua thời kỳ xây dựng cơ bản như mía, chuối, cói, gai, sả, dứa (thơm)…;
– Đất trồng cây lâu năm là đất trồng các loại cây có chu kỳ sinh trưởng trên 365 ngày, trồng một lần nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm và phải trải qua một thời kỳ xây dựng cơ bản mới cho thu hoạch như cao su, chè, cà phê, cam, quýt, nhãn, cọ, dừa…;
– Đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là đất đã có chủ sử dụng chuyên nuôi trồng thuỷ sản hoặc vừa nuôi trồng thuỷ sản vừa trồng trọt, nhưng về cơ bản không sử dụng vào các mục đích khác;
– Đất trồng là đất đã được trồng rừng và đã giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, chăm sóc và khai thác, không bao gồm đất đồi núi trọc.
Lưu ý, nếu người sử dụng đất thuộc diện phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước trao quyền sử dụng đất nhưng không sử dụng đất thì vẫn phải chịu trách nhiệm nộp thuế theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993.
4. Cách tính thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay:
Như đã phân tích tại mục 2 của bài viết này thì Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 và Nghị định số 74-CP vẫn đang còn hiệu lực thi hành. Do đó, việc tính thuế sử dụng đất nông nghiệp vẫn được áp dụng theo quy định tại các văn bản pháp luật này.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 và Nghị định số 74-CP thì việc tính thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay được xác định theo công thức sau:
Thuế sử dụng đất nông nghiệp = Diện tích đất x Định suất thuế tính bằng kilôgam thóc (tính trên một đơn vị diện tích của từng hạng đất)
Trong đó:
– Diện tích đất được xác định thể tính thuế sử dụng đất nông nghiệp được xác định như sau:
Theo quy định tại Điều 6 Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 thì diện tích đất này được xác định là diện tích mà người sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao phù hợp với sổ địa chính của Nhà nước.
Theo quy định tại Điều 14 Luật Đất đai năm 2013 hiện hành thì diện tích đất được dùng để tính thuế của từng cá nhân, hộ gia đình, tổ chức phải nộp là diện tích thực tế được ghi trong sổ địa chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc dựa vào kết quả đo đạc gần nhất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý ruộng đất. Trong trường hợp địa phương nơi có đất chưa lập sổ địa chính hoặc chưa có số liệu đo đạc chính xác thì diện tích đất được xác định là diện tích ghi trong tờ khai nộp thuế;
Như vậy, diện tích đất tính thuế là diện tích thực tế sử dụng được ghi trong sổ địa chính của Nhà nước hoặc diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Diện tích đất tính thuế gồm diện tích thực tế sử dụng kể cả bờ xung quanh của từng thửa ruộng, đất phục vụ trực tiếp cho sản xuất, không kể phần bờ dùng cho giao thông nội đồng hoặc dùng chung cho từ một cánh đồng trở lên.
– Định suất thuế dùng để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp:
Theo quy định tại Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 và Nghị định số 74-CP thì định suất thuế là một trong những yếu tố cần có để thực hiện tính thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, đối với mỗi loại đất nông nghiệp khác nhau thì sẽ có mức định só thuế tính bằng kilogam thóc trên một đơn vị diện tích theo từng hạng đất khác nhau. Cụ thể như sau:
– Đối với đất trồng cây hàng năm và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản có mức định suất thuế tương ứng với từng hạng đất như sau:
Hạng đất | Định suất thuế |
1 | 550 |
2 | 460 |
3 | 370 |
4 | 280 |
5 | 180 |
6 | 50 |
– Đối với đất trồng cây lâu năm có mức định suất thuế tương ứng với từng hạng đất như sau:
– Đối với cây ăn quả lâu năm trồng trên đất trồng cây hàng năm chịu mức định suất thuế tương ứng với từng hạng đất như sau:
Định suất thuế với với loại đất này bằng 1,3 lần thuế sử dụng đất trồng cây hàng năm cùng hạng, nếu thuộc đất hạng 1, hạng 2 và hạng 3; Bằng thuế đất trồng cây hàng năm cùng hạng, nếu thuộc đất hạng 4, hạng 5 và hạng 6. Cụ thể dưới bảng sau:
Hạng đất | Định suất thuế |
1 | 715 |
2 | 598 |
3 | 481 |
4 | 280 |
5 | 180 |
6 | 50 |
– Đối với đất trồng các loại cây lâu năm thu hoạch một lần chịu mức thuế bằng 4% giá trị sản lượng khai thác.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1193;
– Luật Đất đai năm 2013;
– Nghị định số 74-CP của Chính phủ ban hành ngày 25 tháng 10 năm 1993 Quy định chi tiết thi hành Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.