Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính? Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính? Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính? Những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính? Quy định về xử phạt vi phạm hành chính mới nhất 2021?
Hiện nay, hệ thống pháp luật nước ta đã gần như được hoàn thiện. Tất cả các lĩnh vực trong đời sống đều có luật hoặc văn bản dưới luật quy định chặt chẽ và chi tiết. Các quy phạm pháp luật đã phần nào điều chỉnh được hành vi con người trong xã hội. Bất kì một hành vi vi phạm pháp luật đều được luật pháp luật điều chỉnh và xử lý nghiêm minh. Hiện nay, theo pháp luật nước ta có nhiều hình thức xử lí một hành vi phạm tội như xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự…
Tùy theo mức độ vi phạm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng hình phạt xử lí riêng. Và vi phạm hành chính là một trong những dạng vi phạm phổ biến nhất tại nước ta. Ranh giới cho vi phạm hành chính và các vi phạm khác đôi khi rất gần nhau. Để làm rõ về vấn đề này, thông qua bài viết, Luật Dương Gia sẽ trình bày về việc các đối tượng nào sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính? Vi phạm hành chính không bị xử phạt khi nào?
Luật sư
Căn cứ pháp luật:
- Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH năm 2017 về hợp nhất
Luật Xử lý vi phạm hành chính do Văn phòng Quốc hội ban hành.
Mục lục bài viết
1. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
Để xử lí triệt để và hiệu quả các vi phạm hành chính thì theo đó pháp luật nước ta đã ban hành kèm theo các nguyên tắc xử lí vi phạm hành chính tại Khoản 1, Điều 3 Luật xử lí vi phạm hành chính như sau:
Thứ nhất, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Đây là nguyên tắc đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền phải tích cực chủ động trong việc thanh tra, kiểm tra và thực thi công vụ và khắc phục kịp thời hậu quả của nó gây ra nhằm đảm bảo lập lại trật tự pháp luật, phòng ngừa và chống vi phạm hành chính, giáo dục người dân trong xã hội có ý thức tôn trọng pháp luật, thực hiện các quy tắc sống cộng đồng.
Thứ hai, việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.
Thứ tư, chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Thứ năm, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
Thứ sáu, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo quy định của Luật xử lí vi phạm hành chính quy định các hình thức xử phạt bao gồm:
Một, cảnh cáo. Đây là hình thức xử phạt được xem là nhẹ nhất trong khung hình phạt của luật xử lí vi phạm hành chính. Đối với các vi phạm mà mức độ nhẹ , không gây hậu quả hoặc gây ra hậu quả nhẹ thì sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Lưu ý: Phạt cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.
Hai, phạt tiền. Tùy thuộc và từng vi phạm hành chính mà cơ quan nhà nước sẽ áp dụng các mức phạt tiền khác nhau. Khung hình phạt được quy định cụ thể tại Luật xử lí vi phạm hành chính.
Ba, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. Đây là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Bốn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). Đây là việc hình thức tịch thu và sẽ sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Năm , trục xuất. Đây là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lưu ý: Đối với phạt cảnh cáo và phạt tiền là hai hình thức xử phạt chính bên cạnh đó, hình thức xử phạt bằng cách tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và hình thức trục xuất đây được xem là hai hình thức bổ sung hoặc có thể là xử phạt chính.
3. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính
Hiện nay, đối tượng vi phạm pháp luật đang ngày càng đa dạng và nhiều lứa tuổi khác nhau. Chính vì vậy theo quy định của pháp luật để bảo vệ tối đa quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân pháp luật nước ta quy định về độ tuổi bị xử lí vi phạm hành chính như sau:
“Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính
- Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;
b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.”
Như vậy, các đối tượng sau đây theo quy định của pháp luật thì sẽ bị áp dụng xử lí vi phạm hành chính.
Thứ nhất, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành
Thứ hai, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
Thứ ba, cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính.
Lưu ý:
– Nếu cán bộ, công chức, viên chức vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ thuộc công vụ, nhiệm vụ được giao, thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
– Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.
4. Những trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định của pháp luật thì các trường hợp sau đây sẽ không bị xử lí vi phạm hành chính:
“Điều 11. Những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.”
Như vậy, không phải bất cứ khi nào có hành vi vi phạm hành chính xảy ra thì cũng bị xử lí theo quy định mà tùy vào từng trường hợp cụ thể mà pháp luật nước ta sẽ quy định không phạt xử lí vi phạm hành chính. Đối với các trường hợp hành vi vi phạm hành chính xảy ra trong các tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, sự kiện bất khả ngờ, bất khả kháng hay tùy vào độ tuổi quy định thì sẽ không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên thực tế đây là một vấn đề phức tạp khó có thể xác định được.