Hiện nay do tình trạng người vay tiền không có khả năng chi trả và bỏ trốn nên nhiều người cho vay không xác định được nơi cư trú của người vay nên đã đăng tải các thông tin đòi nợ nên trang mạng xã hội. Vậy hành vi đòi nợ trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Mục lục bài viết
1. Đòi nợ trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không?
Câu hỏi: Chị A ở Thái Bình có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau:
Tôi có vay của chị N số tiền 1.000.000.000 đồng tuy nhiên do làm ăn thua lỗ nên không có khả năng thanh toán. Chị N có nhiều lần yêu cầu bên phía tôi trả nợ nhưng do cho kiếm được tiền nên tôi đành khất. Tuy nhiên, một vài ngày sau tôi thấy chị N đã đăng tin đòi nợ lên trang cá nhân Facebook của chị ấy yêu cầu tôi trả nợ. Hành vi này của chị N có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không?
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 26
Bên cạnh đó theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 27/2018/NĐ-CP về các hành vi nghiêm cấm lợi dụng việc đăng các thông tin sử dụng dịch vụ internet để cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi dưới đây:
– Nội dung bài đăng nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trực tiếp gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; làm nguy hại chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; hoặc tuyên truyền các hành vi bạo lực như chiến tranh, khủng bố; gây nên những mâu thuẫn, hiểu lầm và hận thù giữa dân tộc tôn giáo sắc tộc.
– Thông qua mạng internet người cung cấp các thông tin nhằm tuyên truyền, kích động người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: bạo lực, đồi trụy, tội ác, dâm ô và các tệ nạn xã hội khác hoặc hành vi truyền bá mê tín dị đoan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong, mĩ tục của dân tộc.
– Đăng tải các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác theo quy định của pháp luật lên các trang mạng xã hội.
– Đăng tải các thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích vu khống gây mất uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
– Đăng tải các thông tin về các hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm bị nghiêm cấm để thực hiện việc mua bán hàng hóa và dịch vụ đó; truyền bá những tác phẩm về văn học, nghệ thuật, báo chí hoặc các xuất bản phẩm bị cấm loan truyền.
– Hành vi giả mạo các chủ thể khác và phát tán thông tin sai sự thật nhằm xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác.
Như vậy, từ các quy định trên có thể thấy pháp luật nghiêm cấm các hành vi đăng các thông tin sai sự thật hoặc có hành vi đưa các thông tin nhằm xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên trong trường hợp của chị nếu như chị N có các nội dung thông tin trên bài đăng không chính xác về số lượng và có những lời lẽ xúc phạm nhằm gây ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự nhân phẩm của chị thì đó sẽ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Ngược lại, nếu như nội dung đăng tải hoàn toàn đúng sự thật và chị N không đăng những lời lẽ nhằm mục đích xúc phạm đến danh dự nhân phẩm uy tín của chị thì hành vi đó không bị nghiêm cấm và cũng không phải là hành vi trái pháp luật. Do đó, việc chị N đăng tin đòi nợ lên trang cá nhân Facebook có thể là hành vi vi phạm pháp luật tùy thuộc vào nội dung chị N đăng tải có đúng sự thật và có nhằm mục xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của chị A hay không.
2. Hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Như đã đề cập ở trên hành vi đăng tải các thông tin lên mạng xã hội nhằm mục đích xâm phạm đến danh dự nhân phẩm uy tín của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP theo đó: người có hành vi xúc phạm người khác trên các trang mạng xã hội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Áp dụng hình phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với những người có hành vi lợi dụng việc sử dụng mạng xã hội để thực hiện việc cung cấp, loan truyền các thông tin giả mạo thông tin sai sự thật xuyên tạc vu khống nhằm mục đích xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh dự nhân phẩm của cá nhân.
Ngoài bị áp dụng hình phạt tiền người có hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng các dịch vụ mạng xã hội hoặc thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đó là: buộc người đó phải thực hiện việc gỡ bỏ các thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc các thông tin có nội dung vi phạm pháp luật theo quy định.
Cần lưu ý: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt vi phạm hành chính trên là mức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân còn đối với tổ chức sẽ gấp hai lần nghĩa là hành vi vi phạm nêu trên áp dụng với tổ chức sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng.
3. Hành vi đòi nợ người khác trên mạng xã hội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Hành vi đòi nợ người khác trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như hành vi đó vi phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác. Theo đó, nếu một người lợi dụng việc đăng thông tin đòi nợ nên các trang mạng xã hội tuy nhiên thông tin này nhằm mục đích để xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc tổ chức hoặc thông tin đăng tải là thông tin bịa đặt sai sự thật thì người đăng tải có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:
Nếu một người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm danh dự của người khác thì có thể bị áp dụng các hình phạt cảnh cáo phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trong thời hạn đến 03 năm.
Nếu người có hành vi làm nhục người khác thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì có thể bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn từ 03 tháng đến 02 năm:
– Thực hiện hành vi phạm tội từ hai lần trở lên nghĩa là cả hai lần thực hiện hành vi làm nhục người khác đều thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội làm nhục người khác.
– Thực hiện hành vi làm nhục đối với hai người trở lên.
– Thông qua chức vụ quyền hạn của mình người phạm tội sử dụng nó như một công cụ hoặc phương tiện để thực hiện hành vi làm nhục người khác một cách thuận lợi hơn.
– Thực hiện hành vi làm nhục đối với người đang thi hành công vụ.
– Thực hiện hành vi làm nhục đối với người có công lao dạy dỗ, nuôi dưỡng, hoặc chăm sóc, chữa bệnh cho người có hành vi phạm tội.
– Thông qua mạng máy tính mạng viễn thông hoặc các phương tiện điện tử để thực hiện hành vi làm nhục người khác.
– Hậu quả của hành vi làm nhục người khác làm cho nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của họ có thể từ 31 % đến 60 %.
Áp dụng hình phạt tù có thời hạn từ 02 đến 05 năm nếu người có hành vi làm nhục người khác thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
– Hậu quả của hành vi làm nhục người khác đã gây ra rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61 % trở lên.
– Nghiêm trọng hơn hành vi làm nhục người khác gây hậu quả khiến cho nạn nhân tự sát. Hậu quả không bắt buộc trong trường hợp này.
Ngoài bị áp dụng các hình phạt nêu trên người có hành vi làm nhục người khác còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ cấm hành nghề hoặc làm các công việc nhất định trong thời hạn từ 01 đến 05 năm.
Như vậy, có thể thấy trường hợp một người có hành vi đòi nợ qua mạng xã hội nhưng với mục đích làm nhục người khác cũng có thể bị xử phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;
Nghị định 72/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 27/2018/NĐ-CP Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng