Đòi lại quyền sử dụng đất đã tặng cho cho con. Quyền sử dụng đất đã tặng cho con nhưng con dâu đứng tên thì tôi có đòi lại được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi là trước đây tôi có 12ha đất do cha tôi để lại cho tôi. Trong nhà tôi có 4 người con trai 3 người lấy vợ và ở riêng chỉ có 1 đứa ở chung với tôi nên tôi đã cho 12ha đất đó cho đứa con ở chung với tôi, cùng lúc đó hàng xóm có bán một mảnh đất hơn 8ha, vì đất của tôi quá xa nhà nên con tôi đã quyết bán 12ha về mua lại đất của hàng xóm còn số tiền dư thì tôi không hỏi. Nhưng khi làm giấy tờ đất tôi có nói với con trai tôi là để cha đứng tên sau này cha mất cha để lại cho con nhưng con dâu tôi dành đứng tên con trai tôi thì sợ vợ nên đã để cho con dâu tôi đứng tên. Nhưng không ngờ sau này trong một sự cố lao động con trai tôi đã qua đời con dâu tôi đã bỏ đi về nhà cha mẹ ruột, trong nhà tôi chỉ còn tôi và vợ tuổi đã hơn 70 không thể làm thuê để mưu sinh nên chỉ sống qua ngày trên 8ha đất đó, tôi đã kêu con dâu tôi trả quyền sử dụng đất nhưng con dâu tôi nhất định là không trả. Con dâu tôi đã sống ở nhà tôi đựơc 5 năm nhưng không giúp được gì cho gia đình mà lại còn lấy tiền bên nhà chồng đem về cho cha mẹ ruột. Nên hôm nay tôi muốn hỏi luật sư là tôi có thể lấy lại quyền sử dụng đất được không. Chân thành cám ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất: Bạn có đề cập nội dung là cho con mình thì thời điểm cho là từ bao giờ, có giấy tờ pháp lý gì hay không thì mới đảm bảo bảo được việc mua bán chuyển nhượng là đúng với quy định của pháp luật hay không?
Thứ hai: Về việc đòi lại quyền sử dụng đất
Trường hợp 1: Nếu như việc tặng cho trước kia là không có, chỉ nói miệng chưa thực hiện thủ tục gì mà con trai và con dâu tự ý mua bán, sang tên con dâu đứng thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự này vô hiệu theo quy định tại Điều 128 đến Điều 134 của Bộ luật dân sự 2005, buộc người con dâu phải trả lại quyền sử dụng đất đã giao dịch trước đó.
Trường hợp 2: Nếu việc tặng cho hợp lệ thì khi con trai bạn mất mà không để lại di chúc, xem xét yếu tố tài sản chung của hai vợ chồng (theo quy định Luật hôn nhân và gia đình 2014)
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Nếu có căn cứ chứng minh được, thời điểm bạn cho là cho cả con trai và con dâu thì đây sẽ là tài sản chung, khi con trai bạn mất do sự cố lao động, không để lại di chúc thì một nửa tài sản chung sẽ là di sản của con bạn để lại, được phân chia thừa kế theo pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Cũng theo quy định của Bộ luật dân sự 2005
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Như vậy, bạn có quyền yêu cầu về chia di sản thừa kế để đòi lại một phần diện tích đất đai đó.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.