Kiểm toán hiện nay đóng vai trò quan trọng đối với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm xác minh tính trung thực và tính hợp pháp của các báo cáo tài chính. Việc kiểm toán giúp kiểm tra tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính. Cùng bài viết tìm hiểu đoàn kiểm toán là gì? Các quy định pháp luật về Đoàn Kiểm toán.
Mục lục bài viết
1. Đoàn kiểm toán là gì?
Đoàn kiểm toán được hiểu như sau:
Kiểm toán được hiểu cơ bản là quá trình các chuyên gia độc lập, có thẩm quyền và đạo đức nghề nghiệp tiến hành thu thập và đánh giá các bằng chứng có liên quan đến các thông tin của đơn vị được kiểm toán, nhằm mục đích để xác nhận và báo cáo mức độ phù hợp của các thông tin này với các chuẩn mực đã được thiết lập sẵn.
Đoàn kiểm toán về bản chất sẽ thực hiện công việc kiểm toán. Cụ thể đó là tiến hành thu thập, đánh giá các chứng từ, bằng chứng liên quan đến các thông tin tài chính đã được cung cấp để đưa ra những đánh giá, báo cáo về sự phù hợp của thông tin đó với các hạng mục được thiết lập.
Đoàn kiểm toán được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Đoàn kiểm toán theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Căn cứ vào quy mô cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán hoặc không có Tổ kiểm toán. Trong trường hợp đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ thành lập Đoàn kiểm toán theo đề nghị của Vụ Tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ.
Đoàn kiểm toán tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán nhưng Đoàn kiểm toán vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm về những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán,
2. Thành phần Đoàn kiểm toán nhà nước:
Thành phần Đoàn Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 10 Quyết định 03/2020/QĐ-KTNN, cụ thể như sau:
– Đoàn kiểm toán gồm có Trưởng Đoàn, các Phó trưởng Đoàn, các Tổ trưởng Tổ kiểm toán (nếu Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán) và các thành viên. Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định danh sách các thành viên của Đoàn kiểm toán và chỉ định Trưởng Đoàn, Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.
– Thành viên Đoàn kiểm toán gồm: Thành viên là Kiểm toán viên nhà nước và thành viên không phải Kiểm toán viên nhà nước.
Thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước, gồm:
+ Công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước;
+ Cộng tác viên Kiểm toán nhà nước.
– Để nhằm bảo đảm năng lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán, mỗi Tổ kiểm toán phải có ít nhất 02 thành viên là Kiểm toán viên nhà nước trở lên.
Cũng cần lưu ý rằng, hiện nay để các cá nhân có thể làm việc trong bộ máy cơ quan kiểm toán nhà nước không hề đơn giản. Những ứng viên tham gia ứng tuyển cần phải trải qua các kì thi năng lực khi cơ quan kiểm toán nhà nước tuyển dụng. Muốn trở thành một phần của tổ chức này những người tham gia ứng tuyển cần phải trang bị cho bản thân mình đầy đủ những kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn.
3. Vai trò của kiểm toán nhà nước:
Trong cơ chế kinh tế mới, vai trò của kiểm toán đang ngày càng được thể hiện rõ rệt và đang dần tiếp cần dần với các nguyên tắc, chuẩn mực của kế toán kiểm toán các nước. Sự lành mạnh của hệ thống tài chính phụ thuộc nhiều vào chất lượng các thông tin về các hoạt động kinh tế, quản trị kinh doanh do kế toán cung cấp và do kiểm toán xem xét, đánh giá.
kiểm toán ngày càng khẳng định được vai trò của mình đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, cụ thể:
– Đối với cơ quan Nhà nước:
+ kiểm toán phản ánh, kiểm soát ngân quỹ nhà nước và sự vận động của toàn bộ ngân quỹ và tài sản quốc gia
+ Hỗ trợ Nhà nước đưa ra các quyết định và các giải pháp để quản lý kinh tế – tài chính hiệu quả
– Đối với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế:
Kiểm toán ngoài việc thực hiện vai trò kiểm tra, đánh giá các thông tin tài chính – kế toán còn thực hiện công tác tạo lập căn cứ và đưa ra những tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra những quyết định kinh doanh kịp thời, chính xác về đầu tư và kinh doanh.
4. Các quy định pháp luật về Đoàn Kiểm toán:
Đoàn kiểm toán hoạt động dựa trên các nguyên tắc cơ bản như sau:
– Đoàn kiểm toán hoạt động dựa trên nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
– Đoàn kiểm toán hoạt động dựa trên nguyên tắc trung thực, khách quan, công khai, minh bạch.
– Đoàn kiểm toán hoạt động theo chế độ thủ trưởng.
– Khi Đoàn kiểm toán tiến hành kiểm toán, các thành viên của Đoàn kiểm toán phải tuân thủ Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, hệ thống chuẩn mực, hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán, quy trình và các phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, các quy định của Quy chế này.
– Một nguyên tắc nữa cũng rất quan trọng đó là khi tiến hành kiểm toán ở nước ngoài, Đoàn kiểm toán phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và luật pháp nước sở tại; tuân thủ nguyên tắc: tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng và bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để hoạt động của Đoàn kiểm toán có hiệu quả thì Đoàn kiểm toán sẽ cần tuân thủ theo đúng các nguyên tắc được nêu trên. Việc tuân thủ các nguyên tắc này đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động kiểm toán của Đoàn kiểm toán cũng như giúp đảm bảo quá trình kiểm toán diễn ra chính xác, đúng quy định pháp luật.
Theo Điều 4 Quyết định 03/2020/QĐ-KTNN thì thời hạn kiểm toán được quy định cụ thể như sau:
“1. Thời hạn của cuộc kiểm toán được tính từ ngày công bố quyết định kiểm toán đến khi kết thúc việc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán. Trong trường hợp sau khi công bố quyết định kiểm toán phát sinh sự kiện bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, ….) ảnh hưởng đến cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định tạm dừng cuộc kiểm toán. Thời hạn tạm dừng không tính vào thời hạn của cuộc kiểm toán.
2. Thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày.
3. Đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thời hạn cuộc kiểm toán.”
Theo Điều 5 Quyết định 03/2020/QĐ-KTNN thì địa điểm kiểm toán được quy định cụ thể như sau:
“1. Việc kiểm toán được thực hiện tại đơn vị được kiểm toán, trụ sở Kiểm toán nhà nước hoặc tại địa điểm khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
2. Trường hợp việc kiểm toán được thực hiện ngoài trụ sở đơn vị được kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm chuyển hồ sơ, tài liệu theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
3. Địa điểm kiểm toán do Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đề xuất và trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt khi xét duyệt kế hoạch kiểm toán.
4. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, trường hợp cần thiết phải thay đổi địa điểm kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán đề xuất Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quyết định theo ủy quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước đồng thời báo cáo và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước.
5. Trường hợp đối chiếu với bên thứ ba, địa điểm kiểm toán do Tổ trưởng Tổ kiểm toán trình Trưởng Đoàn kiểm toán báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quyết định và phải chịu trách nhiệm.”
Như vậy, thời hạn và địa điểm kiểm toán của Đoàn kiểm toán sẽ cần được thực hiện theo đúng quy định được nêu trên.
Bên cạnh đó, Quyết định 03/2020/QĐ-KTNN còn quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán bao gồm:
– Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với Đoàn kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán:
+ Nghiêm cấm hành vi sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán.
+ Nghiêm cấm hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
+ Nghiêm cấm hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức.
+ Nghiêm cấm hành vi báo cáo sai lệch, không đầy đủ, không kịp thời kết quả kiểm toán.
+ Nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi.
+ Nghiêm cấm hành vi tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán.
+ Nghiêm cấm hành vi tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.
+ Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
– Nghiêm cấm các hành vi vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước và các quy định của Kiểm toán nhà nước.
– Nghiêm cấm hành vi không tuân thủ quy trình, chuẩn mực, hồ sơ mẫu biểu, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.
– Nghiêm cấm hành vi không thực hiện đúng quyết định kiểm toán và kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt.
Đối với các hành vi vi phạm các điều cấm được nêu trên thì tuỳ vào tính chất và mức độ cụ thể của hành vi đó mà các chủ thể sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.