Định tội danh đối với tội mua bán người là việc căn cứ trên các chứng cứ, tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế để đối chiếu sự phù hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm, từ đó xác định người đó có phạm tội mua bán người hay không.
Mục lục bài viết
1. Định tội danh đối với tội mua bán người là gì:
Muốn giải quyết một vụ án hình sự cũng như muốn xác định được tội phạm và truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người đúng tội. Các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành định tội danh, việc định tội danh là bước đầu tiên để xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội, từ đó đưa ra quyết định | hình phạt phù hợp. Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng sẽ xác định hành vi của người đó đã thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nào trong số các cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS. Chúng ta cần hiểu chính xác khái niệm này, hiện nay thì nhiều quan điểm về vấn đề này như sau:
Theo quan điểm của GS.TSKH Lê Cảm thì:
Định tội danh là một quá trình nhận thức lý luận có tính logic, đồng thời là một trong những dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, cũng như pháp luật tố tụng hình sự và, được tiến hành bằng cách trên cơ sở các chứng cứ các tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để đối chiếu, so sánh và kiểm tra nhằm xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng do luật hình sự quy định, hay nói cách khác là nhằm đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hóa và phân hóa trách nhiệm hình sự một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật.
Còn theo quan điểm của TS. Dương Tuyết Miên:
Định tội danh là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) và một số cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để xác định một người có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì đó là tội gì, theo điều luật nào của Bộ luật hình sự hay nói cách khác đây là quá trình xác định tên tội cho hành vi nguy hiểm đã được thực hiện.
ThS. Đoàn Tất Minh cũng đưa ra quan điểm của mình về khái niệm định tội danh như sau: Định tội danh là thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền trong tố tụng hình sự nhằm đối chiếu sự phù hợp giữa các dấu hiệu thực tế của cấu thành tội phạm với các dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm được mô tả (quy định) trong Luật hình sự để giải quyết án hình sự bằng việc ra kết luận bằng văn bản áp dụng pháp luật.
Mỗi tác giả lại có cái nhìn, phương pháp tiếp cận khác nhau nhưng đều thống nhất định nghĩa về định tội danh đều ở điểm: Định tội danh là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền đối chiếu, so sánh về mặt pháp luật nhằm xác định một tội phạm xảy ra trên thực tế có tên gọi là gì theo quy định của pháp luật hình sự.
Việc xác định tội danh trong vụ án hình sự, những vấn đề lý luận và thực tiễn luôn luôn được những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng quan tâm. Yêu cầu của công tác xét xử án hình sự là phải xét xử đúng người đúng tội và việc xác định đúng người phạm tội, đúng tội phạm là trách nhiệm của người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự. Để đạt được yêu cầu này, thì phải nắm vững nguyên tắc cơ bản về xác định tội danh. Đối với một vụ án hình sự, định tội danh là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả giải quyết vụ án, là cơ sở để xác định thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng, là tiền đề cho việc phân hóa TNHS và quyết định hình phạt một cách chính xác. Nếu định tội danh sai sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn, gây oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Việc định tội danh thực chất là xác định hành vi đã thực hiện có phạm tội hay không và nếu phạm tội thì theo quy định nào của BLHS? Định tội danh phải dựa trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được, các tài liệu chứng cứ đó có đủ để CTTP hay không, việc định tội danh cơ bản đã xác định được phạm vi chịu TNHS của người phạm tội.
Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp thực hiện quá trình gồm ba giai đoạn là định tội danh, định khung hình phạt và quyết định hình phạt, trong đó định tội danh là giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất, giai đoạn nền tảng cho toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Ở Việt Nam, khái niệm mua bán người chưa được quy định trong văn bản pháp luật nào, tìm thấy định nghĩa mua bán người trong một vài văn bản pháp luật quốc tế. Hành vi mua bán người có thể hiểu bao gồm một số hành vi như: hành vi tuyển mộ, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận, nhận người trong nước hoặc qua biên giới. Phương thức thủ đoạn thường thấy là ép buộc, bắt cóc lừa gạt nạn nhân, lạm dụng quyền lực – vị thế với mục đích nhằm bóc lột bao gồm: bóc lột sức lao động, làm mại dâm hoặc những hình thức bóc lột tình dục khác.
Điều 150 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) đã quy định về khái niệm tội mua bán người:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 пăт:
a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này”.
Định tội danh đối với tội mua bán người là hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự quy định tại Điều 150 BLHS 2015 và pháp luật tố tụng hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như một số cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thực hiện trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để nhằm đối chiếu sự phù hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể đã được quy định trong Điều 150 Bộ luật Hình sự, từ đó xác định người đã thực hiện hành vi đó có phạm tội mua bán người hay không.
2. Đặc điểm của định tội danh đối với tội mua bán người:
Từ những định nghĩa trên, tôi rút ra những đặc điểm của định tội danh đối với tội mua bán người như sau:
Thứ nhất, định tội danh đối với tội mua bán người có thể hiểu là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự được thực hiện trên cơ sở xác định các tình tiết cụ thể của hành vi phạm tội theo đúng nội dung quy phạm pháp luật hình sự tại điều 150 BLHS 2015 quy định cấu thành tội phạm tương ứng. Định tội danh đối với tội mua bán người xác định các dấu hiệu của cấu thành tội phạm mua bán người phù hợp, tương ứng với các tình tiết của hành vi phạm tội bằng các phương pháp cụ thể của các chủ thể có thuẩn quyền theo đúng các giai đoạn, quy định.
Thứ hai, Định tội danh là giai đoạn cơ bản của việc áp dụng pháp luật hình sự. Định tội danh đúng có ý nghĩa vô vùng to lớn trong việc thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Nó thể hiện việc đánh giá chính trị – xã hội và pháp lý đối với những hành vi phạm tội cụ thể ở đây là tội phạm mua bán người. Định tội danh đúng giúp loại trừ án oan sai đảm bảo hình phạt răn đe và giáo dục người phạm tội. Ngoài ra định tội danh còn góp phần xác định tình hình tội phạm từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Như vậy, chủ thể có thể có thẩm quyền, trong hoạt động định tội danh đối với tội mua bán người chính là các cơ quan tư pháp hình sự gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và một số cơ quan khác có thẩm quyền. Các chủ thể này tiến hành định tội danh đối với tội mua bán người căn cứ vào các quy định pháp luật hình sự theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong luật tố tụng hình sự.
Thứ ba, định tội danh đối với tội mua bán người căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án mua bán người sau đó kết hợp giữa việc áp dụng áp dụng pháp luật hình sự (luật về nội dung) và pháp luật tố tụng hình sự (luật về hình thức là một trong những dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, cũng như pháp luật tố tụng hình sự, để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng do luật hình sự quy định, nhằm xác định được sự thật khách quan, tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hoá và phân hoá trách nhiệm hình sự một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật. Không chỉ vậy, đối với từng vụ án cụ thể khác nhau, các chủ thể định tội danh còn phải căn cứ vào từng đặc điểm, tình tiết của từng vụ án đó để có thể tiến hành định tội danh đúng.