Cơ sở, định hướng bảo đảm áp dụng đúng quy định của pháp luật hình sự đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Sau gần 15 năm thi hành, BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, kể từ sau khi BLHS năm 1999 được ban hành, tình hình đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt. Việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mà nội dung cơ bản là ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại những chuyển biến lớn, tích cực về kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Điều này đã làm cho BLHS hiện hành trở nên bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù năm 2009 Quốc hội khoá XII đã sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS nhưng do phạm vi sửa đổi chỉ giới hạn trong một số điều nên chưa thể khắc phục được đầy đủ, toàn diện những bất cập của BLHS trong thực tiễn.
Chính vì vậy, ngày 27/11/2015, Quốc hội đã ban hành BLHS gồm 3 phần, 26 chương, 426 điều (thay vì BLHS năm 1999 gồm 2 Phần, 24 Chương, 344 Điều). Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 355 BLHS năm 2015 với nội dung như sau:
“1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Trong những năm gần đây, các tội phạm tham nhũng, trong đó có tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã có những diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, chính vì thế Đảng ta đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ và sự nghiệp đổi mới của đất nước. Trong các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI và lần thứ XII đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm về phòng, chống tham nhũng. Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Chính phủ cũng xác định: “Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng với tinh thần quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Số liệu được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 cho thấy, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ (Cấp độ Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; cấp độ Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; cấp độ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý); trong đó, Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo, với mức án rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội, phòng, chống tham nhũng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định và phát huy. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực…
Tuy nhiên, qua quá trình thực tế điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tội phạm lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản cũng cho thấy một số bất cập sau:
Thứ nhất, một số quy định của BLHS còn vướng mắc khi áp dụng như:
+ Tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” khi xác định trách nhiệm hình sự của chủ thể lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong vụ án đồng phạm.
Như đã đề cập ở Chương 2, tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại điểm a khoản 1 các điều 353, 354, 355 và 358 của BLHS là trường hợp trước đó người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tương ứng nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Tình huống đặt ra là, đối với trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000 đồng mà có người đồng phạm và người đó không phải chủ thể đặc biệt quy định tại Điều 352 BLHS thì họ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự cùng với người có chức vụ, quyền hạn hay không?
Về lý luận cũng như thực tiễn vấn đề này còn có nhiều ý kiến khác nhau: Có ý kiến cho rằng chỉ những người đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản còn người đồng phạm khác chưa bị xử lý kỷ luật, chưa bị kết án về hành vi này nên không bị chịu trách nhiệm hình sự. Ý kiến khác thì cho rằng những người đồng phạm khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản vì họ chỉ là người đồng phạm khác nên không bắt buộc phải thỏa mãn các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt.
+ Thực tế xét xử còn cho thấy việc áp dụng tình tiết tăng nặng định khung lợi dụng chức vụ, quyền hạn ở một số tội danh cụ thể với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản còn có nhiều vướng mắc và dễ gây nhầm lẫn khi áp dụng, cụ thể như giữa hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa, cơ quan tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 174 BLHS với hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 BLHS. Hoặc giữa hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại điểm d khoản 2 Điều 175 BLHS và hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 BLHS.
Thứ hai, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án kinh tế, tham nhũng cho thấy, đối tượng phạm tội tham nhũng, kinh tế là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật, nhiều mối quan hệ nên tài sản tham nhũng luôn tiềm ẩn nguy cơ cao bị tẩu tán, chuyển nhượng bất hợp pháp. Hành vi tham nhũng thường chỉ bị phát hiện sau một thời gian dài, nên việc thu thập chứng cứ trong điều tra vụ án gặp khó khăn, phức tạp, đặc biệt là việc xác định tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.
Công tác điều tra án tham nhũng thường mất nhiều thời gian, nhiều giai đoạn do nhiều cơ quan có chức năng khác nhau thực hiện nên khi các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu giữ, kê biên tài sản nên có tình trạng đối tượng lợi dụng để tẩu tán tài sản. Mặt khác, cũng do công tác điều tra mất nhiều thời gian nên tài sản được các cơ quan có thẩm quyền kê biên, phong tỏa để đảm bảo thi hành án như: ôtô, máy móc, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, cổ phiếu, các dự án bất động sản… đã bị giảm giá trị nhiều lần khi cơ quan thi hành án xử lý tài sản. Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế xử lý tài sản phong tỏa, kê biên nhằm hạn chế tối đa sự sụt giảm giá trị này.
Những vụ án có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về hành vi phạm tội của cán bộ thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền cần có ý kiến trước khi khởi tố nhưng một số cơ quan, tổ chức chậm cho ý kiến hoặc chỉ cho ý kiến chung chung, nên các cơ quan tiến hành tố tụng khó thực hiện; vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số nơi còn có tình trạng can thiệp quá sâu vào công tác chuyên môn nhưng cũng có nơi “phó mặc” cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tiếp tục xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ lớn đe dọa đến sự sống còn của chế độ và sự nghiệp đổi mới của đất nước, Văn kiện Đại hội XIII có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trên tinh thần đó, Văn kiện đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”; đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.
Văn kiện cũng đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng:“Nâng cao vai trò phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Đảng ta xem đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân.