Tố tụng hình sự là những trình tự, thủ tục để xem xét, đánh giá một hành vi cụ thể có phải là tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự hay không. Tuy nhiên, quá trình đó có thể chấm dứt toàn bộ nếu xuất hiện những căn cứ đình chỉ vụ án. Bài viết này tìm hiểu về đình chỉ vụ án, những căn cứ cũng như hậu quả của việc đình chỉ vụ án hình sự.
Mục lục bài viết
1. Đình chỉ vụ án hình sự là gì?
Đình chỉ vụ án hình sự là việc chấm dứt hoạt động tố tụng đối với toàn bộ vụ án hoặc đối với từng bị can khi có những căn cứ do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Từ khái niệm trên có thể thấy, đình chỉ vụ án hình sự có những đặc điểm sau:
– Thứ nhất, việc đình chỉ vụ án hình sự phải dựa vào những căn cứ, thẩm quyền và trình tự thủ tục được quy định tại BLTTHS. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, CQTHTT phải dựa vào những căn cứ đã được quy định trong BLTTHS chứ không thể tùy nghi áp dụng các căn cứ để ra quyết định đình chỉ vụ án được. Đồng thời, việc đình chỉ vụ án phải do người có thẩm quyền ra quyết định theo trình tự, thủ tục được quy định trong BLTTHS.
– Thứ hai, đình chỉ vụ án hình sự là một hình thức kết thúc hoạt động tố tụng trong một giai đoạn tố tụng cụ thể, dẫn đến hậu quả là mọi hoạt động tố tụng đều phải chấm dứt.
– Thứ ba, đình chỉ vụ án hình sự là quyết định tố tụng được áp dụng trong các giai đoạn khác nhau. Đình chỉ vụ án hình sự có thể được thực hiện ở giai đoạn truy tố và do Viện kiểm sát quyết định hoặc ở giai đoạn chuẩn bị xét xử do Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyết định.
Từ những phân tích trên, bạn đọc đã có cái nhìn khái quát về thế nào là đình chỉ vụ án hình sự và việc đình chỉ vụ án hình sự có những đặc điểm gì để làm cơ sở tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.
2. Căn cứ đình chỉ vụ án:
Giai đoạn truy tố
Theo quy định tại Điều 248
– Vụ án thuộc trường hợp chỉ được khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại điện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết đã yêu cầu nhưng đã rút yêu cầu, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức theo quy định tại khoản 2 Điều 155
– Vụ án đã được khởi tố, điều tra nhưng quá trình điều tra đã xác định được vụ án đó thuộc trường hợp không được khởi tố vì có căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
+ Không có sự việc phạm tội;
+ Hành vi không cấu thành tội phạm;
+ Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
+ Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
+ Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Tội phạm đã được đại xá;
+ Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
+ Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
– Khi có căn cứ cho rằng người phạm tội đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Theo đó, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Trong trường hợp này, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội mà họ định phạm; còn nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ các yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Ví dụ: A có ý định giết B và trên thực tế A đã dùng dao đâm B. Tuy nhiên, sau khi đâm, A thấy lương tâm cắn rứt nên đã đưa B đến bệnh viện và nhờ đó B không chết nhưng bị thương tích 30%. Lúc này, A được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích.
– Khi có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 29 Bộ luật hình sự như sau:
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hộ nữa.
Ví dụ:
+ Khi có quyết định đại xá.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong các trường hợp:
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
+ Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.
+ Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
– Khi có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sư 2015: Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp theo quy định:
+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự.
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật hình sự.
+ Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Như vây, có thể thấy trong giai đoạn truy tố này khi Viện kiểm sát xét thấy có căn cứ như vụ án đã kkhởi tố, khởi tố bị can nhưng đã được ryat yêu càu hoặc trong quá trình điểu tra xét thấy vụ án không thuộc vào trường hợp được khởi tố và khi có căn cứ miễn các trách nhiệm hình sự trong vụ án thì bắt buộc phải được đình chỉ vụ án.
Giai đoạn xét xử
Theo quy định tại Điều 282 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
– Vụ án thuộc trường hợp chỉ được khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo yêu cầu của bị hại hoặc người đại điện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết đã yêu cầu nhưng đã rút yêu cầu, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
– Vụ án đã được khởi tố, điều tra nhưng quá trình điều tra đã xác định được vụ án đó thuộc trường hợp không được khởi tố vì có căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể:
+ Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
+ Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
+ Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Tội phạm đã được đại xá;
+ Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
+ Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
– Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa.
Từ những phân tích trên, bạn đọc đã phần nào nắm được những căn cứ là cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành đình chỉ vụ án. Theo đó tương ứng với từng giai đoạn của quá trình tố tụng mà việc áp dụng các căn cứ phải đúng theo quy định của pháp luật.
3. Hậu quả của việc đình chỉ vụ án hình sự:
Khi có quyết định đình chỉ vụ án hình sự, tất cả hoạt động tố tụng đối với toàn bộ vụ án, đối với bị can sẽ chấm dứt, cụ thể:
– Hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đối với bị can: Đối với bị can đang bị tạm giam thì sẽ được trả tự do, đối với các biện pháp ngăn chặn khác như bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh cũng sẽ bị hủy bỏ, bị can không cần phải chấp hành nữa.
– Hủy bỏ các biện pháp cưỡng chế, xử lý vật chứng, tài liệu đồ vật đã tạm giữ (nếu có).
– Các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định tại các văn bản tố tụng trước đó cũng bị hủy bỏ…
Qua những phân tích trên, bài viết giúp bạn đọc hiểu được thế nào là đình chỉ vụ án, những căn cứ được cơ quan có thẩm quyền áp dụng để có thể ra quyết định đình chỉ vụ án hình sự cũng như hậu quả của việc đình chỉ vụ án hình sự. Từ đó, bạn đọc sẽ có cơ sở pháp lý để có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015