Điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật định để xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là gì?
Giai đoạn điều tra là một giai đoạn quan trọng trong tố tụng hình sự trong đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi thực hiện để giải quyết vụ án. Kết quả điều tra là cơ sở để VKS quyết định truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án. Giai đoạn điều tra vụ án hình sự được hiểu là giai đoạn tố tụng hình sự mà CQĐT và các cơ quan khác có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ:
Nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên và trên cơ sở đó quyết định: Đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc chuyển toàn bộ các tài liệu của vụ án đó cho
VKS kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can.
Như vậy, điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn quan trọng của quá trình tố tụng hình sự, nhằm thực hiện phần lớn các nhiệm vụ chung của tố tụng hình sự, đó là: Phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi
phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Có thể đưa ra khái niệm về giai đoạn điều tra vụ án hình sự như sau: Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật định để xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.
2. Đặc điểm của giai đoạn điều tra vụ án hình sự:
Thứ nhất, điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn của quá trình tố tụng hình sự, bắt đầu từ khi các cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự cho đến khi CQĐT chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và kết luận điều tra sang VKS đề nghị truy tố hoặc CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
Thứ hai, bản chất hoạt động điều tra là việc các cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người phạm tội, làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án bao gồm cả tình tiết buộc tội và tình tiết gỡ tội, các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phục vụ việc truy tố và giải quyết vụ án hình sự, xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội để kiến nghị với các cấp các ngành thực hiện biện pháp phòng ngừa tội phạm. Nếu chủ động, tích cực, chính xác ngay từ đầu sẽ góp phần bảo đảm cho hoạt động công tố, xét xử có căn cứ và ngược lại nếu hoạt động điều tra không làm tốt rất dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc dẫn đến sai lầm cho các quá trình tố tụng sau.
Thứ ba, chủ thể có quyền và nghĩa vụ thực hiện các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra là CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra để nhằm thu thập các nguồn chứng cứ, từ đó rút ra chứng cứ làm rõ đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự. Các tài liệu, đồ vật khác do người tham gia tố tụng cung cấp cũng có thể là nguồn chứng cứ nếu các thông tin rút ra từ nguồn này thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ. Tuy nhiên, trách nhiệm chứng minh, thẩm quyền điều tra chỉ thuộc về CQĐT và các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.
Thứ tư, biện pháp mà các chủ thể áp dụng trong giai đoạn điều tra là mọi biện pháp do Luật tố tụng hình sự quy định, việc áp dụng các biện pháp đó tùy thuộc vào tính chất, mức độ của từng vụ án. Cụ thể các biện pháp đó là: 1, các biện pháp để thu thập chứng cứ như: Khám nghiệm hiện trường, khám xét, trưng cầu giám định, định giá tài sản, đối chất, nhận dạng, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, lấy lời khai người bị hại; 2, các biện pháp cưỡng chế như các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp cưỡng chế khác như áp giải, dẫn giải được áp dụng để ngăn chặn tội phạm, người phạm tội gây khó khăn cho hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ... Các biện pháp được áp dụng phải theo đúng quy định của Luật tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, chủ thể điều tra có thể thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trinh sát bí mật để thu thập chứng cứ, phát hiện, ngăn ngừa và xác định tội phạm, tuy nhiên, tài liệu trinh sát phải được chuyển hóa thành chứng cứ tố tụng.
Việc xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như các tình tiết khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án đòi hỏi trong giai đoạn điều tra, CQĐT phải thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định có hay không có việc phạm tội, đối chiếu với Bộ luật Hình sự (BLHS) xem hành vi phạm tội thuộc vào điều khoản nào, phải xác định tất cả tội phạm để không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người phạm tội. Điều tra vụ án hình sự có nhiệm vụ xác định người thực hiện hành vi phạm tội; người đó đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; lỗi của họ trong việc thực hiện tội phạm; có vai trò gì trong vụ án đồng phạm.
Để có thể giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự có nhiệm vụ chứng minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến việc xử lý người phạm tội như xác định động cơ, mục đích phạm tội; các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các đặc điểm nhân thân của bị can; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, áp dụng án treo, áp dụng các biện pháp tư pháp và các hình thức xử lý khác đối với người phạm tội.
Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền điều tra còn phải xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, trên cơ sở đó yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa. Trong giai đoạn điều tra, xác định nguyên nhân và điều kiện phạm tội là một nhiệm vụ quan trọng. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội là những nhân tố làm phát sinh hoặc thúc đẩy người phạm tội thực hiện tội phạm. Việc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định làm rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội trong mỗi vụ án cụ thể có ý nghĩa quan trọng để ban hành các văn bản yêu cầu, kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa tội phạm xảy ra.
Để ra quyết định truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, VKS và Tòa án phải dựa vào hồ sơ vụ án. Việc lập và củng cố hồ sơ điều tra là nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn điều tra. CQĐT phải lập hồ sơ ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án, khi có đủ chứng cứ để xác định có tội phạm và bị can thì cần lập kết luận điều tra, nêu rõ các chứng cứ chứng minh tội phạm, những lí do và căn cứ đề nghị truy tố. Căn cứ bản kết luận điều tra, VKS ra bản cáo trạng truy tố, trong trường hợp không có căn cứ để đề nghị truy tố thì ra các quyết định khác theo quy định pháp luật.
Trong tố tụng hình sự nước ta, giai đoạn điều tra vụ án hình sự có vai trò rất quan trọng đối với cả tiến trình giải quyết vụ án hình sự. Kết quả của giai đoạn điều tra vụ án hình sự đóng vai trò quyết định đối với chất lượng, hiệu quả của hoạt động buộc tội và là cơ sở, nền tảng để các chức năng tố tụng hình sự khác trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo được tiến hành. Giai đoạn điều tra vụ án hình sự với hoạt động tố tụng chủ đạo là hoạt động của CQĐT, được đánh giá là giai đoạn tố tụng tiềm ẩn nhiều nhất nguy cơ sai sót, vi phạm pháp luật, kể cả những sai sót, vi phạm pháp luật nghiêm trọng dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự oan, sai.
Để kịp thời ngăn chặn người phạm tội tiếp tục gây án hoặc gây cản trở cho việc thu thập chứng cứ vụ án, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự thường phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế như bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét chỗ ở, khám xét nơi làm việc, khám xét thân thể; tiến hành các hoạt động điều tra khác liên quan đến quyền cơ bản của công dân như triệu tập để lấy lời khai những người có liên quan, hỏi cung bị can. Do đó, hoạt động điều tra thường tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền con người đối với người bị tình nghi thực hiện hành vi phạm tội.
Truy tố, xét xử là giai đoạn mà cơ quan tiến hành tố tụng đã có hồ sơ vụ án hình sự xác định tội phạm và người phạm tội nên việc bỏ lọt tội phạm là rất khó; còn giai đoạn điều tra, CQĐT vừa phải thu thập chứng cứ, tài liệu, vừa lập hồ sơ vụ án, nếu không nhận thức đầy đủ về đặc điểm này, thì khả năng bỏ lọt tội phạm là rất cao và việc khắc phục sẽ rất khó khăn. Đây cũng là giai đoạn mà yếu tố tranh tụng chưa thực sự hiện hữu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền con người, vì thế, rất cần có hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra của VKS và các hình thức giám sát khác. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn điều tra sẽ góp phần phát hiện kịp thời để loại trừ vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; trên cơ sở đó nhằm đảm bảo tính pháp chế của hoạt động tư pháp, đảm bảo cho hoạt động tư pháp được thực thi một cách thống nhất, đúng pháp luật.