Lý do xin ra khỏi ngành Công an nhân dân. Điều kiện xin ra khỏi ngành Công an nhân dân. Thủ tục xin ra khỏi ngành Công an nhân dân. Trợ cấp được hưởng khi xin ra khỏi ngành Công an nhân dân theo nguyện vọng.
Công an nhân dân là ngành nghề cao cả và quan trọng trong Bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay. Để được làm việc và phục vụ trong ngành Công an nhân dân thì phải đảm bảo được các điều kiện khắt khe và đặc thù riêng biệt của ngành. Tuy nhiên, vì một số lý do mà có nhiều chiến sĩ Công an nhân dân đã phải xin ra khỏi ngành khi đang đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân. Vậy điều kiện xin ra khỏi ngành công an là gì? Việc xin ra khỏi ngành cần thực hiện những thủ tục nào?
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
–
–
– Nghị định số 06/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/1/2010 quy định những người là công chức;
– Nghị định số 46/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/4/2010 quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức;
– Nghị định số 49/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 06/6/2019 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân.
Mục lục bài viết
1. Lý do xin ra khỏi ngành Công an nhân dân?
Theo Luật Công an nhân dân năm 2018, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, công an nhân dân là lực lượng chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; bảo vệ trật tự và an toàn xã hội; làm công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội.
Hiện nay, có rất nhiều chiến sĩ công an đã xin ra khỏi ngành Công an nhân dân vì một số lý do chủ yếu như:
– Bản thân không có cơ hội phát triển, thăng tiến trong công việc;
– Bản thân không phù hợp với lối văn hoá công việc trong ngành Công an nhân dân;
– Bản thân chiến sĩ công an muốn thay đổi mục tiêu nghề nghiệp;
– Bản thân tìm thấy cơ hội nghề nghiệp tốt hơn;
– Lấy vợ hoặc lấy chồng theo tôn giáo hoặc có liên quan đến yếu tố nước ngoài và một số yếu tố khác mà ngành Công an nhân dân không cho phép;
– Hoàn cảnh gia đình bắt buộc phải xin ra khỏi ngành;
– Nghỉ hưu…
2. Điều kiện xin ra khỏi ngành Công an nhân dân:
Công an nhân dân khi thôi việc theo nguyện vọng phải đáp ứng đầy đủ điều kiện được thôi việc khi chưa đến thời gian được nghỉ hưu. Theo đó tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 49/2019/NĐ-CP có quy định trường hợp Công an nhân dân thôi việc khi chưa hết tuổi phục vụ ngành Công an nhân dân mà có nguyện vọng thôi phục vụ trong Công an nhân dân và được cấp có thẩm quyền đồng ý. Thông thường hạn tuổi phục vụ trong ngành Công an nhân dân phụ thuộc vào vị trí, cấp bậc mà người đó nắm giữ tại cơ quan, đơn vị, chẳng hạn như: Hạ sĩ quan là 45 tuổi; Cấp uý là 53 tuổi; Thiếu tá, trung tá: nam 55 tuổi, nữ 53 tuổi; Thượng tá: nam 58 tuổi, nữ 55 tuổi; Đại tá: nam 60 tuổi, nữ 58 tuổi và Cấp tướng là 60 tuổi. Do đó, khi chưa hết hạn tuổi phục vụ trong ngành Công an nhân dân thì vẫn được bố trí vị trí phù hợp với chuyên môn và chức năng của mỗi người.
Pháp luật tuy chưa quy định bất kỳ điều luật nào điều chỉnh cụ thể về điều kiện xin ra khỏi ngành Công an nhân dân theo nguyện vọng hay điều kiện thôi việc của một số ngành nghề khác nhưng tại Điều 4 Nghị định số 46/2010/NĐ-CP có quy định về một số trường hợp không giải quyết thôi việc theo nguyện vọng, cụ thể là:
– Chưa phục vụ trong ngành nghề đủ thời gian cam kết với cơ quan, tổ chức hay đơn vị khi được xét tuyển vào;
– Đang trong thời gian thực hiện việc biệt pháp, luân chuyển cán bộ, đang bị xem xét kỷ luật hay bị truy cứu về trách nhiệm hình sự;
– Chưa hoàn thành các khoản thanh toán tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân phải thi hành đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác;
– Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị đó chưa bố trí được người khác thay thế.
Theo như quy định trên, các điều kiện được nêu ra chỉ áp dụng đối với công chức nhà nước. Vậy, làm trong ngành Công an nhân dân có thể áp dụng các điều kiện đó để xem xét được hay không? Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP thì công chức được xác định đối với các đơn vị Công an nhân dân là: Người làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan hay hạ sĩ quan chuyên nghiệp. Như vậy, công an nhân dân theo quy định này được xác định là công chức nhà nước. Do đó, khi xin ra khỏi ngành sẽ áp dụng các điều kiện cũng như thủ tục xin thôi việc như đối với công chức nhà nước.
Căn cứ vào những quy định phân tích ở trên, nếu thuộc một trong các trường hợp không được xét thôi việc thì sẽ không được giải quyết việc xin ra khỏi ngành Công an nhân dân. Nếu không phạm vào những trường hợp bị cấm thì có thể xin ra khỏi ngành và thực hiện làm hồ sơ, thủ tục xin ra khỏi ngành Công an nhân dân theo nguyện vọng của cá nhân.
3. Thủ tục xin ra khỏi ngành Công an nhân dân:
Khi người làm trong ngành Công an nhân dân có nguyện vọng xin ra khỏi ngành và không rơi vào các trường hợp không được xét duyệt ra khỏi ngành thì sẽ tiến hành làm thủ tục ra khỏi ngành Công an nhân dân.
Theo đó, khi có nguyện vọng ra khỏi ngành, công an phải làm Đơn xin ra khỏi ngành gửi đến cơ quan, đơn vị Công an nhân dân mà người đó đang phục vụ có thẩm quyền giải quyết. Trong đơn phải trình bày rõ thông tin cá nhân, chức vụ đang nắm giữ và nêu rõ được lý do xin ra khỏi ngành Công an nhân dân.
Sau khi làm Đơn xin ra khỏi ngành, thủ trưởng đơn vị sẽ giải quyết trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn của người có nguyện vọng.
4. Trợ cấp được hưởng khi xin ra khỏi ngành Công an nhân dân theo nguyện vọng:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 5 và Điều 13 Nghị định số 49/2019/NĐ-CP thì khi công an xuất ngũ, thôi phục vụ trong ngành Công an nhân dân nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu hoặc không chuyển ngành thì được hưởng các chế độ sau:
– Thứ nhất, được hưởng trợ cấp trong việc tạo công ăn việc làm theo quy định của Nhà nước; được ưu tiên trong học nghề hoặc giới thiệu việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm và được ưu tiên tuyển chọn trong các chương trình hợp tác đưa người đi xuất khẩu lao động;
– Thứ hai, được hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần. Theo đó, cứ mỗi năm công tác thì được tính bằng một tháng tiền lương hiện thưởng và phụ cấp (nếu có) và trợ cấp xuất ngũ một lần của thời gian tăng thêm do quy đổi ( nếu có). Trong đó:
+ Tiền lương tháng hiện hưởng để tính trợ cấp xuất ngũ một lần bao gồm: lương cấp bậc hàm, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên, thâm niên vượt khung hoặc hệ số bảo lưu ( nếu có);
+ Thời gian công tác để tính trợ cấp xuất ngũ một lần là: thời gian học tập, công tác và làm việc có đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa được hưởng trợ cấp xuất ngũ, thôi việc theo quy định pháp luật;
+ Thời gian tăng thêm do quy đổi ( nếu có) để tính trợ cấp xuất ngũ một lần là: cứ 01 năm được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương liền kề trước khi ra khỏi ngành;
– Thứ ba, được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì công an nhân dân khi xuất ngũ mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Theo đó, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi bị đuổi khỏi ngành công an cũng được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể cứ mỗi năm được tính như sau:
+ Đối với những năm đóng trước năm 2014 thì áp dụng hệ số 1,5 nhân với mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội;
+ Đối với những năm đóng từ năm 2014 trở đi thì áp dụng hệ số 2 nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
– Thứ tư, được cơ quan, đơn vị trợ cấp tiền tàu xe từ đơn vị trở về địa phương.
Một điểm cần lưu ý đối với hạ sĩ quan và sĩ quan khi đã xuất ngũ về địa phương trong khoảng thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày quyết định xuất ngũ có hiệu lực, nếu tìm được công việc mới và có yêu cầu chuyển ngành làm việc thì phải hoàn trả chế độ bảo hiểm xã hội và trợ cấp xuất ngũ một lần đã được nhận. Thêm vào đó, đối với chiến sĩ công an có thời gian phục vụ trong ngành Công an nhân dân đủ 15 năm thì khi bị ốm đau hay bệnh tật sẽ được khám- chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.