Cơ sở tôn giáo được xem là tập hợp các tín đồ và các nhà tu hành của một tôn giáo nhất định, được tổ chức theo cơ cấu do nhà nước công nhận nhầm thực hiện các hoạt động tôn giáo, trong đó có hoạt động đào tạo tôn giáo.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện và thủ tục thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo:
Bất kỳ ai cũng được tự do theo tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Theo đạo, chuyển đạo hay bỏ đạo trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành là quyền tự do của mỗi người. Nhà nước Việt Nam thừa nhận và đảm bảo cho mọi công dân có hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi; không có sự phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Các tôn giáo được nhà nước thừa nhận đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi người cần ý thức tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác, đồng thời chống lại những phần tử lợi dụng tôn giáo chống lại giai cấp công nhân, lợi ích dân tộc. Nhà nước chủ trương tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm mọi sinh hoạt tôn giáo bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Nhìn nhận được vấn đề đó nên các cơ sở đào tạo tôn giáo xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên thì quá trình thành lập các cơ sở đào tạo tôn giáo cần phải tuân theo những điều kiện và thủ tục luật định. Cụ thể như sau:
1.1. Quy định về điều kiện thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo:
Căn cứ theo quy định tại Điều 37 của Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 hiện nay có ghi nhận về việc thành lập cơ sở tôn giáo thì cần phải đáp ứng được những điều kiện cơ bản như sau:
– Thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo thì cần phải đáp ứng được cơ sở vật chất đầy đủ và đảm bảo cho quá trình đào tạo tôn giáo, cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật hiện nay được hiểu là tất cả các phương tiện sử dụng cho mục đích giảng dạy và đào tạo tôn giáo, phục vụ cho các chủ thể trong quá trình học tập và một số hoạt động khác có liên quan đến việc bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo tôn giáo, nâng cao khả năng tiếp thu và lĩnh hội, trải nghiệm trên thực tế;
– Phải có địa điểm hợp pháp để đặt cơ sở đào tạo tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Địa điểm hợp pháp hiện nay có thể hiểu là đất hoặc nhà ở, hoặc các công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;
– Có các chương trình đào tạo và nội dung đào tạo hợp lý, quy trình đào tạo phù hợp với thực tế, phải có sự đan xen môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo tôn giáo. Căn cứ theo quy định tại Điều 40 của Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 hiện nay có quy định rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo ở trung ương phải có trách nhiệm trong việc chủ trì và phối hợp với chủ thể có thẩm quyền đó là Bộ Giáo dục và đào tạo cùng với Bộ tư pháp, và các cơ quan ban ngành có liên quan để hướng dẫn thành lập chương trình và nội dung giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam xuyên suốt quá trình đào tạo tôn giáo, với mục đích học hỏi về tôn giáo nhưng cũng không quên đi truyền thống lịch sử của dân tộc, không lợi dụng tôn giáo để chống đối đảng và chính quyền;
– Cần phải đáp ứng yêu cầu về nhân sự quản lý và giảng dạy, có kiến thức chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp.
1.2. Quy định về thủ tục thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo:
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 của Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 hiện nay, thì quá trình thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo cần phải trải qua một số giai đoạn cơ bản như sau:
Bước 1: Các chủ thể có nhu cầu thành lập cơ sở tôn giáo cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhìn chung thì một bộ hồ sơ yêu cầu thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo sẽ bao gồm những giấy tờ cơ bản sau đây:
– Văn bản đề nghị thành lập các cơ sở đào tạo tôn giáo, trong đó nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, tên của cơ sở đào tạo tôn giáo, họ và tên của người đại diện cơ sở tôn giáo đó, lý do thành lập cơ sở đào tạo và sự cần thiết trong quá trình thành lập cơ sở đào tạo đó … cùng với một số nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật;
– Danh sách và sơ yếu lý lịch kèm theo phiếu lý lịch tư pháp, cùng với các bản tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người đại diện và những người dự kiến lãnh đạo các cơ sở đào tạo tôn giáo theo quy định pháp luật;
– Biên bản dự thảo của quy chế tổ chức và quá trình hoạt động của các cơ sở đào tạo tôn giáo, trong đó thể hiện rõ nội dung cơ bản như tên cơ sở đào tạo, địa điểm đặt trụ sở của cơ sở đào tạo tôn giáo, chức năng và nhiệm vụ của cơ sở đào tạo, cơ cấu tổ chức và các nhân sự trong cơ sở đào tạo, trình độ và các loại hình đào tạo theo quy định pháp luật, khái quát về các chương trình và nội dung giảng dạy, quy chuẩn đào tạo, một số vấn đề về tài chính và tài sản;
– Bản dự thảo quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo tôn giáo được lập phù hợp với quy định pháp luật;
– Các giấy tờ chứng minh rằng cơ sở tôn giáo đó có địa điểm hợp pháp và cơ sở vật chất đảm bảo với yêu cầu cho việc đào tạo, ý kiến chấp thuận của chủ thể có thẩm quyền đó là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về địa điểm đặt cơ sở đào tạo tôn giáo.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ nêu trên thì các chủ thể có nhu cầu thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể là các chủ thể có nhu cầu thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo sẽ có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo ở cấp trung ương.
Bước 3: Sau khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành hoạt động xem xét và chấp thuận việc thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo. Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo ở cấp trung ương sẽ có nghĩa vụ trả lời bằng văn bản về việc thành lập cơ sở tôn giáo, trong thời gian luật định đó là 60 ngày làm việc, được tính kể từ ngày nhận bộ hồ sơ đầy đủ hợp lệ, trong trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì tổ chức tôn giáo có văn bản thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo. Hết thời hạn 03 năm được tính kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, nếu như các tổ chức tôn giáo không thành lập cơ sở đào tạo thì văn bản này sẽ hết hiệu lực. Ngoài ra cần lưu ý, các cơ sở đào tạo tôn giáo sẽ không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Người nước ngoài có được theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 49 của Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 hiện nay có quy định về việc người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo trên lãnh thổ của Việt Nam, cụ thể như sau:
Người nước ngoài học tại cơ sở tôn giáo trên lãnh thổ của Việt Nam phải là những chủ thể đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật, người nước ngoài này phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam và tự nguyện đăng ký học, tự nguyện đăng ký được đào tạo tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam, các chủ thể này cần phải làm hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo ở cấp trung ương khi có nhu cầu muốn được theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo tại Việt Nam. Nhìn chung thì hồ sơ đề nghị sẽ bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:
– Văn bản đề nghị nêu rõ lý do, nêu rõ nguyện vọng, nêu rõ cơ sở đào tạo, họ và tên, kèm theo quốc tịch của người có nhu cầu đăng ký học, thời gian học và khoa học đào tạo tôn giáo;
– Bản dịch hộ chiếu của người đăng ký học được dịch sang tiếng Việt có công chứng tại cơ quan có thẩm quyền;
– Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo ở cấp trung ương sẽ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho người nước ngoài trong thời hạn 45 ngày, được tính kể từ ngày nhận bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong trường hợp không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chính đáng.
3. Quy định của pháp luật về giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo:
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 của Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 có quy định về các trường hợp giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo, theo đó thì các cơ sở đào tạo tôn giáo sẽ giải thể trong một số trường hợp sau đây:
– Cơ sở đào tạo tôn giáo sẽ giải thể theo quyết định của tổ chức tôn giáo;
– Hết thời hạn ba năm được tính kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc thành lập, tuy nhiên cơ sở đào tạo tôn giáo vẫn không tổ chức được hoạt động đào tạo của mình trên thực tế;
– Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo cơ sở tôn giáo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ theo quy định pháp luật.
Nhìn chung thì các tổ chức tôn giáo có quyền giải thể cơ sở tôn giáo theo nguyện vọng của mình. Các tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo về việc giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo ở cấp trung ương chậm nhất là 20 ngày, được tính kể từ ngày giải thể.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016;
– Nghị định 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.