Trong hệ thống hình phạt hiện hành, hình phạt tù có thời hạn giữ một vị trí rất quan trọng bởi lẽ đây là một loại hình phạt được xuất hiện từ khá sớm và hiện nay được áp dụng phổ biến nhất. Vậy điều kiện và trình tự thủ tục áp dụng hoãn chấp hành hình phạt tù được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các điều kiện hoãn chấp hành hình phạt tù:
Trong hệ thống hình phạt hiện hành, hình phạt tù có thời hạn giữ một vị trí rất quan trọng bởi lẽ đây là một loại hình phạt được xuất hiện từ khá sớm và hiện nay được áp dụng phổ biến nhất. Tù có thời hạn là loại hình phạt buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời gian nhất định, thời gian này đã được ấn định trong bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, hoãn chấp hành hình phạt tù là một chế định mang tính chất nhân đạo và có mối quan hệ chặt chẽ với thi hành hình phạt tù có thời hạn. Hoãn chấp hành hình phạt tù thực chất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép người bị kết án do có hành vi vi phạm pháp luật được tiếp tục sống và làm việc ngoài xã hội, chưa buộc họ phải vào trại giam chấp hành hình phạt đã tuyên trong bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù chỉ có trong một thời gian nhất định tùy thuộc vào từng lý do hoãn. Các điều kiện, thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù do pháp luật về hình sự quy định. Bộ luật hình sự quy định những điều kiện cụ thể được hoãn chấp hành hình phạt tù.
Căn cứ theo điều 67 Bộ Luật hình sự 2015 thì người bị kết án có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do mắc bệnh khi có đồng thời những điều kiện sau:
Một là, là người đang mắc một trong các bệnh mà mức độ nghiêm trọng của bệnh đó được liệt kê của tiểu mục trên ngoài ra có thể còn một số trường hợp khác vì trong hướng dẫn của Nghị quyết ngoài phần liệt kê còn có “... ” có nghĩa là có một số những bệnh khác nếu bệnh đó cũng làm cho người bị kết án không thể đi thi hành án được.
Hai là, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc nếu người bị kết án bị bệnh nặng và nếu phải đi chấp hành án sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ.
Có thể thấy, pháp luật quy định việc hoãn chấp hành hình phạt tù cho người bị bệnh nặng có ý nghĩa đề cao quyền được sống của con người, mặc dù họ phạm tội nhưng hành vi phạm tội của họ không bị pháp luật tước đi quyền sống đó thì họ có quyền được tôn trọng và bảo vệ. Mặc dù quyền được sống đó được bảo vệ nhưng cũng phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt khi tiến hành những thủ tục. Cụ thể phải xem xét người bị kết án đang mắc bệnh gì, đang ở những giai đoạn nào, mức độ nguy hiểm đến đầu và tài liệu chứng cứ chứng minh thì phải là kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên, từ đó mới là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét việc hoãn. Đặt ra câu hỏi, tại sao luật chỉ quy định tài liệu chứng cứ kết luận làm căn cứ hoãn thi hành án phải là kết luận của bệnh viện từ cấp tỉnh trở lên? Bởi lẽ, việc xét hoãn chấp hành hình phạt tù cho người bị kết án cần có tài liệu cụ thể, chân thật, độ chính xác cao. Tránh trường hợp người bị bệnh nặng thật thì không được hoãn, mà tạo điều kiện cho những người lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lạm dụng hoãn nhằm trốn tránh thực hiện hình phạt. Chính vì vậy, các nhà làm luật đã dự liệu đầy đủ và cho rằng chỉ có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên, nơi có công nghệ, trình độ cao mới là cơ sở để đưa ra kết luận chính xác nhất, nhanh nhất phục vụ cho việc ra một quyết định có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bị kết án. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến thời điểm thu thập tài liệu chính là tại thời điểm xem xét việc hoãn thi hành án chứ không đặt ra trước hoặc sau khi hoãn vài tháng, vài năm. Mặc dù pháp luật đã quy định điều kiện chặt chẽ như trên nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về đối tượng xin hoãn chấp hành án phạt tù với lý do bệnh nặng, như vẫn chưa có hướng dẫn các danh mục bệnh nặng, hay những loại bệnh cụ thể nào thì có thể được hoãn chấp hành án phạt tù; hoặc theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2007/NQ–HĐTP nêu trên thì các trường hợp xin hoãn chấp hành án phạt tù phải có kết luận của Bệnh viện cấp tỉnh nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp người bị kết án nằm liệt giường hoặc hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không có điều kiện để nằm viện hoặc có nằm viện cũng không xin được bệnh án. Do vậy, cơ sở để Tòa án xem xét hoãn chấp hành án phạt tù là rất khó. Ngược lại, cũng có một số trường hợp sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án giao quyết định thi hành án phạt tù cho cơ quan Công an thi hành thì người bị kết án lại vào bệnh viện để điều trị bệnh, gây khó khăn cho việc thi hành bản án. Tuy pháp luật đã dự liệu khi cho rằng chỉ có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên mới là cơ sở để đưa ra kết luận chính xác nhất, nhanh nhất phục vụ cho việc ra một quyết định có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bị kết án nhưng khi áp dụng trên thực tế lại ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị kết án là người có hoàn cảnh khó khăn. Tác giả thấy cần cân nhắc quy định cụ thể tình trạng bệnh nặng và chỉ cần kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên để thuận lợi cho việc hoãn chấp hành hình phạt tù, tránh việc lợi dụng để trốn tránh việc chấp hành án phạt tù hoặc gây khó khăn trong việc giải quyết việc hoãn chấp hành án phạt tù. Nhiều trường hợp người bị kết án đã quá già yếu, nhưng quy định hiện hành không cho đối tượng này được hoãn nên rất khó thi hành trên thực tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng các bị án bị phạt tù giam vẫn còn tại ngoại nhiều. Vì vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể để có cơ sở giải quyết đối với người bị kết án tù giam đã quá già yếu.
Ngoài ra, về thời hạn hoãn hình phạt cũng cần phải xem xét. Tại Nghị quyết 01/2007/NQ–HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán
Từ những phân tích trên cho thấy, việc pháp luật đưa ra chế định hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do bệnh nặng phần nào đã thể hiện việc bảo vệ quyền con người một cách tối đa, nâng cao giá trị nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta. Để hoàn thiện hơn quy định này cần nghiên cứu bổ sung phù hợp vừa đảm bảo giá trị nhân đạo vốn có nhưng cũng không làm mất đi tính nghiêm minh của hình phạt.
Ba là, Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Tại điểm b Khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự 2015 đã quy định đối tượng được hoãn là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Theo đó, nếu là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho dù họ có bị xử phạt vì bất kỳ tội gì tội xâm phạm an ninh quốc gia hay tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Và cho dù họ bị xử phạt tù lần này là lần thứ bao nhiêu cũng không đặt ra. Qua đây để thấy nhà làm luật Việt Nam không chỉ bảo vệ quyền lợi của người bị kết án, tôn trọng quyền được sinh nở mà còn hướng tới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Phụ nữ có thai thì thể chất yếu và có những đặc trưng riêng hoặc khi chấp hành hình phạt có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ trong bụng hoặc việc con nhỏ cần được chăm sóc bởi chính người mẹ để đảm bảo sự phát triển của trẻ em nên việc đặt ra trường hợp hoãn là có thể hiểu được.
Để giải thích rõ hơn quy định trên, tại Nghị quyết 01/2007/NQ HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định: “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không phân biệt là con đẻ hay con nuôi), nếu họ bị xử phạt tù lần đầu”. Theo đó, người phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng có thể là đang nuôi con đẻ hoặc nuôi con nuôi nhưng giới hạn khi họ bị xử phạt từ lần đầu. Đây cũng là việc hạn chế hơn so với quy định của Điều 61 Bộ luật hình sự và phải tuân theo trình tự thủ tục xem xét rất chặt chẽ từ việc xác định con nuôi như thế nào và xem xét việc xử phạt tù lần đầu đối với họ ra sao. Về điều kiện để được nhận con nuôi phải thỏa mãn theo điều 14 Luật nuôi con nuôi và việc đăng ký nuôi con nuôi cũng có thủ tục nhất định được quy định tại điều 23 Nghị định 19/2011/NĐ–CP ngày 21/3/2011 hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật nuôi con nuôi. Chỉ khi thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi theo đúng các quy định như vậy mới thỏa mãn yếu tố xác định người mẹ nuôi con nuôi dưới 36 tháng tuổi vì có nhiều trường hợp gia đình không có con và nhận nuôi đứa trẻ. Phải xem xét chặt chẽ vì có thể có những trường hợp lợi dụng việc nhận nuôi đứa trẻ chỉ nhằm trốn tránh việc thi hành án.
Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù với lý do có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được quy định cụ thể tại Điểm b tiểu mục 7.3 mục 7 Nghị quyết 01/2007/NQ–HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, thời hạn hoãn là đến khi con đủ 36 tháng tuổi và trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi. Pháp luật quy định thời hạn như vậy vì cho rằng trẻ em dưới 36 tháng tuổi cần có sự chăm sóc của mẹ ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Điều này ta không chỉ thấy trong các quy định của chế định hoãn chấp hành hình phạt tù mà ta còn thấy cả trong chế định về hôn nhân gia đình như khi ly hôn nếu con dưới 36 tháng tuổi thì ưu tiên người mẹ được quyền nuôi con theo khoản 3 điều 81 Luật hôn nhân gia đình năm 2014. Pháp luật quy định về thời hạn hoãn cho đến khi con được 36 tháng nhưng trên thực tế khi người mẹ mới đang mang thai thì không thể xác định chính xác thời điểm đứa trẻ ra đời. Chính vì vậy việc ghi thời hạn hoãn trong quyết định thi hành án gặp khó khăn vì cơ quan có thẩm quyền phải xác định, ghi đúng luật và chuẩn theo thời điểm người bị kết án là phụ nữ đó phải đi thi hành án đúng thời điểm đứa trẻ đủ 36 tháng tuổi.
Qua phân tích có thể thấy, pháp luật đã quy định rõ đối tượng và điều kiện hoãn khi phụ nữ có thai và nuôi con dưới 36 tháng. Đồng thời với trường hợp nuôi con nuôi dưới 36 tháng tuổi đã căn cứ vào pháp luật có liên quan để xác định. Tuy nhiên, chưa có quy phạm điều chỉnh về trường hợp nếu có vấn đề rủi ro xảy ra như trong quá trình hoãn thì đứa trẻ qua đời khi đó người mẹ của đứa trẻ đó không còn thuộc diện nuôi con dưới 36 tháng tuổi nữa nhưng lại không có quy định nào để làm căn cứ pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền ra một quyết định nào đó như hủy bỏ hay bãi bỏ quyết định hoãn thi hành án để bắt người đó đi thi hành án.
Bốn là, Người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Để tạo điều kiện cho những người có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức quá nghiêm trọng có điều kiện để chăm lo cho gia đình và có thời gian bố trí, sắp xếp các công việc trong gia đình trước khi họ đi chấp hành án. Ví dụ như việc nhờ người chăm sóc, nuôi dưỡng những thành viên còn lại trong gia đình hay hoàn tất thủ tục nhờ trung tâm bảo trợ xã hội. Pháp luật hình sự Việt Nam đã tạo điều kiện cho những người bị kết án về những hành vi không quá nghiêm trọng có cơ hội được hoãn chấp hành hình phạt tù. Điều này được thể hiện ở quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do là lao động duy nhất được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự 2015 và tại Nghị quyết 01/2007/NQ–HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn rõ ràng hơn cụ thể hơn về như thế nào thì được gọi là lao động duy nhất: “Là người duy nhất trong gia đình đang lao động có thu nhập và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống (như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng... những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động”.
Như vậy xét về căn cứ pháp lý thì ta thấy pháp luật đã quy định khá cụ thể những điều kiện để một người có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do là lao động duy nhất. Để một người được hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do là lao động duy nhất thì ngoài những điều kiện chung để được hoãn thi hành án như nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn, người bị kết án phạt tù còn phải có đủ những điều kiện sau:
Thứ nhất: Là người bị kết án không vi phạm quy định trong Bộ luật hình sự đối với các tội về xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác có tính chất tội phạm là rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Hay cũng có nghĩa là họ phải không bị xử phạt tù về những tội phạm và điều khoản quy định tại chương XI cũng như họ không bị bản án của Tòa án tuyên với mức áp dụng khung hình phạt tù có mức phạt tù cao nhất trên 07 năm tù.
Thứ hai: Là người duy nhất trong gia đình đang lao động có thu nhập. Có nghĩa là trong gia đình họ thì họ là người duy nhất đang lao động có thu nhập. Vậy khái niệm “gia đình” trong trường hợp này được hiểu như thế nào cho đúng và chính xác nhất ? Đối chiếu theo cách hiểu trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 làm căn cứ hướng dẫn và xem xét về khái niệm gia đình thì chúng ta có thể sẽ thấy nó không được bám sát so với tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay.
Thứ ba: Với trường hợp này khi người bị kết án đi chấp hành hình phạt tù trong cơ sở giam giữ thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống. Vậy hiểu như thế nào về “khó khăn đặc biệt trong cuộc sống“? Theo cách giải thích thì khó khăn đặc biệt trong cuộc sống là “như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng... những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động“. Có nghĩa là ngoài người bị kết án ra trong gia đình tất cả nguồn thu nhập của cả gia đình đều trông chờ vào người bị kết án, không ai có khả năng lao động được nữa, nguồn thu nhập người bị kết án kiếm được là nguồn tiền chính để chi tiêu trong cả gia đình.
Năm là, Hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do công vụ
Đây một trong những trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù có đặc thù đặc biệt xuất phát từ lý do công việc mà người bị kết án đang làm, tạo điều kiện để cho nơi những người bị kết án này làm việc trong thời gian nhất định chưa thể tìm người thay thế thì họ có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù để tiếp tục hoàn thành nốt công việc. Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 thì người bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ thì được hoãn đến 01 năm. Ngoài ra theo hướng dẫn giải thích tại Nghị quyết 01/2007/NQ – HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó được hiểu, người bị kết án phạt tù chỉ được hoãn chấp hành hình phạt tù vì lý do công vụ khi: (i) người bị kết án bị xử phạt tù về tội ít nghiêm trọng, có nghĩa là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; (ii) do nhu cầu công vụ, có nghĩa là do nhu cầu của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần thiết sự có mặt của họ để thực hiện công vụ nhất định; (iii) nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ, điều này được xác nhận bằng văn bản của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó. Các điều kiện được xác định cụ thể qua việc hiểu thế nào là công vụ (có thể hiểu cơ bản là hoạt động của công chức nhà nước nhân danh nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội), công vụ thực hiện cho cơ quan tổ chức nào; có thể công việc đó có nhiều người thay thế nhưng cần xác định là tại thời điểm người bị kết án đó phải đi thi hành không có người thay thế chứ không đặt ra tại thời điểm khác. Việc xác định người bị kết án bị xử phạt tù về hành vi ít nghiêm trọng phải xác định tại thời điểm bắt đầu phải đi thi hành án đang thực hiện công vụ cho một cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương nào đó.
Pháp luật cũng quy định thời hạn hoãn đối với trường hợp này là được | hoãn đến 01 năm. Bởi lẽ, lý do để người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù là vì lý do công vụ tại thời điểm người bị kết án đó phải thi hành án không có người thay thế ngay; do đó nếu có người thay họ thực hiện công việc đó thì họ đương nhiên có thể đi thi hành án được, có nghĩa là vẫn có thể có người khác thay thế họ làm công việc đó được. Điều này còn thể hiện việc tránh tình trạng lợi dụng hoàn cảnh để trốn tránh việc thi hành án.
Quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù với lý do công vụ này mang tính đặc thù cao, khác so với các lý do khác mục đích nhân đạo đặt ra với cá nhân thì tại trường hợp này tính chất nhân đạo còn đặt ra đối với cộng đồng và xã hội.
2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng hoãn chấp hành hình phạt tù:
– Người có thẩm quyền đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù gồm: Người bị kết án phạt tù; Viện kiểm sát cùng cấp; Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú; Cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú.
Ngoài các đối tượng trên, mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 không quy định nhưng Nghị quyết 01/2007/NQ – HĐTP ngày 02/102007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: Người thân thích của người bị kết án (cha, mẹ, vợ, chồng, anh, em...) hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú đề nghị bằng văn bản cho người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù. Việc mở rộng thêm các đối tượng được phép đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù để tạo điều kiện tốt nhất cho những người có đủ điều kiện để hoãn chấp hành hình phạt tù những kiến thức pháp luật cũng như sự hiểu biết chưa nhiều thực hiện những quyền của họ.
– Người có thẩm quyền xem xét, quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự quân khu hoặc tương đương, Chánh án Tòa án quân sự khu vực đã ra quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị kết án đang tại ngoại hoặc Phó Chánh án được Chánh án ủy quyền theo khoản 1 Điều 44 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 và khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự 2019. Khi được Chánh án ủy quyền thì Phó Chánh án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án về nhiệm vụ đã được ủy quyền.
Trình tự, thủ tục hoãn chấp hành hình phạt tù được thực hiện như sau:
Thứ nhất, về căn cứ ban hành quyết định, đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người phải chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người phải chấp hành án làm việc ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan.
Thứ hai, thẩm quyền ban hành thuộc về Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù. Nếu có tài liệu nào chưa đầy đủ thì Chánh án Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù phải tiến hành bổ sung thêm tài liệu hoặc làm rõ thêm các vấn đề có liên quan đến điều kiện hoãn chấp hành hình phạt tù. Thời hạn để xem xét, quyết định cho hoặc không cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù được tính lại kể từ ngày Chánh án Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản trả lời về các vấn đề cần được làm rõ.
Thứ ba, nếu chấp nhận hoãn chấp hành hình phạt tù thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Tòa án đã ra quyết định hoãn phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau: Người chấp hành án; Viện kiểm sát cùng cấp; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được hoãn thi hành án đang cư trú; Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở. Nếu không chấp nhận hoãn chấp hành hình phạt tù thì Chánh án cũng phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do không chấp nhận đối với người đã có đề nghị và phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp.
3. Nghĩa vụ của người được hoãn chấp hành hình phạt tù:
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù thì pháp luật Việt Nam vẫn có sự ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người bị kết án. Theo đó, người được hoãn chấp hành hình phạt tù phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, người được hoãn chấp hành hình phạt tù không được đi khỏi nơi cư trú trong thời gian được hoãn chấp hành án nếu không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội và phải có mặt theo yêu cầu triệu tập của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được hoãn chấp hành án; không được thực hiện hành vi phạm tội mới, bỏ trốn hoặc vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nếu người bị kết án đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng trong thời hạn được hoãn mà người này lại phạm tội mới thì đây là căn cứ để chấm dứt thời hạn hoãn, thời hạn/phần thời hạn hình phạt tù còn lại sẽ được tổng hợp với hình phạt mới.