Chống bán phá giá làm việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước nhập khẩu áp dụng một số biện pháp phù hợp tác động trực tiếp đến sản phẩm nhập khẩu để loại bỏ những thiệt hại mà sản phẩm đó gây ra cho ngành sản xuất trong nước. Vậy điều kiện và nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 của Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016 có quy định về thuế chống bán phá giá. Theo đó, điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá bao gồm các điều kiện cơ bản sau:
-
Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại lãnh thổ của Việt Nam và biên độ bán phá giá của hàng hóa phải được xác định cụ thể;
-
Việc bán phá giá hàng hóa được xem là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Như vậy, điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016.
Như vậy, thuế chống bán phá giá là một trong những vấn đề quan trọng để bảo vệ hàng hóa trong nước. Thuế chống bán phá giá là một trong những biện pháp cơ bản phòng vệ thương mại quốc tế (bao gồm: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) của mỗi quốc gia, được xem như “cánh cửa” cần thiết của mỗi quốc gia với mục đích điều tiết và bảo vệ thị trường sản xuất, thương mại trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài theo các điều kiện, nguyên tắc nhất định.
2. Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá:
Nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016. Theo đó, nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá bao gồm các nguyên tắc cơ bản sau:
-
Thuế chống bán phá giá theo quy định của pháp luật chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, trong phạm vi nhất định, hợp lý nhằm mục đích ngăn ngừa thiệt hại hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;
-
Quá trình áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành thủ tục điều tra và phải căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
-
Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với các loại hàng hóa bán phá giá vào lãnh thổ của Việt Nam;
-
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được phép gây thiệt hại đến quyền lợi kinh tế – xã hội trong nước.
Đồng thời, thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá theo quy định hiện nay là không vượt quá 05 năm được tính bắt đầu kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực pháp luật, trong một số trường hợp cần thiết thì quyết định áp thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn thêm.
3. Áp dụng thuế chống bán phá giá như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có quy định về vấn đề áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ. Theo đó:
-
Việc áp dụng, bãi bỏ, thay đổi thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất nhập khẩu và pháp luật về chống bán phá giá, pháp luật trong lĩnh vực chống trợ cấp và pháp luật về tự vệ;
-
Căn cứ mức thuế, số lượng, giá trị hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, cá nhân khai hải quan có trách nhiệm và nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
-
Bộ Công thương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ;
-
Bộ Tài chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về việc kê khai, thu, nộp, hoàn trả thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ;
-
Trường hợp lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xâm phạm hoặc vi phạm, căn cứ vào nội dung trong Điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định áp dụng biện pháp thuế phòng vệ khác sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cần phải lưu ý thêm về vấn đề áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước. Căn cứ theo quy định tại Điều 81 của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định về vấn đề áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Theo đó:
- Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời do cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định dựa trên căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra, mức thuế chống bán phá giá tạm thời sẽ không được phép vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra. Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là không vượt quá 120 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực pháp luật trên thực tế. Khi có yêu cầu của tổ chức và cá nhân xuất khẩu hàng hóa tương tự vào lãnh thổ của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương hoàn toàn có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời tuy nhiên không vượt quá thời gian 60 ngày;
-
Việc áp dụng biện pháp cam kết được thực hiện theo quy định như sau: Sau khi có kết luận sơ bộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trước khi kết thúc quá trình điều tra, nhà sản xuất/xuất khẩu hàng hóa bị điều tra có thể đưa ra cam kết về việc tự nguyện điều chỉnh giá bán hoặc về việc tự nguyện hạn chế khối lượng, hạn chế số lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam; Cơ quan điều tra có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết dựa trên cơ sở lấy ý kiến của tổ chức, hoặc ý kiến của cá nhân đại diện ngành sản xuất trong nước;
-
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện như sau: Trong trường hợp không đạt được cam kết sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra cần phải công bố kết luận cuối cùng về nội dung điều tra của mình. Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và các căn cứ để ban hành kết luận đó bắt buộc phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên có liên quan trong quá trình điều tra vụ việc; căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công thương là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp chống bán phá giá; mức thuế chống bán phá giá theo quy định của pháp luật không được phép vượt quá biên độ bán phá giá được thể hiện trong kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra; thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo quy định hiện nay không vượt quá 05 năm được tính bắt đầu kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trên thực tế, ngoại trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác;
-
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được thực hiện theo quy định như sau:
+ Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc xác định có khả năng đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ trưởng Bộ Công thương là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;
+ Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với các loại hàng hóa nhập khẩu trong khoảng thời gian 03 tháng (90 ngày) trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời, nếu các loại hàng hóa nhập khẩu được xác định là hàng hóa bị bán phá giá trái quy định pháp luật; khối lượng hàng hóa hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào lãnh thổ của Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành thủ tục điều tra kéo dài cho đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời, gây ra thiệt hại trên thực tế và khó có khả năng khắc phục đối với ngành sản xuất trong nước.
Như vậy, quy định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được thực hiện theo khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 nêu trên.
THAM KHẢO THÊM: