Nhãn sinh thái được thể hiện trên những sản phẩm đọc công nhận là đảm bảo tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Vậy thể sản phẩm phải đạt điều kiện gì để được chứng nhận nhãn sinh thái tại Việt Nam? Trình tự, thủ tục cấp chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là nhãn sinh thái Việt Nam?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 145 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường thì Nhãn sinh thái Việt Nam được quy định là loại nhãn do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp chứng nhận cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Để được công nhận nhãn sinh thái Việt Nam thì việc quan trắc, đánh giá, phân tích sự phù hợp của sản phẩm, dịch vụ với tiêu chí được công nhận nhãn sinh thái Việt Nam phải được thực hiện bởi tổ chức về quan trắc môi trường và tổ chức đánh giá sự phù hợp với tiêu chí về chất lượng của sản phẩm, hàng hoá có thẩm quyền.
2. Điều kiện để sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam:
Sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam được biết đến là những sản phẩm thân thiện và có khả năng hạn chế ô nhiễm môi trường. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 145 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 145 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì để được công nhận nhãn sinh thái Việt Nam thì sản phẩm, dịch vụ đó phải đảm bảo các điều kiện như:
– Sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ các nguyên- vật liệu, được sử dụng công nghệ sản xuất và quản lý thân thiện với môi trường;
– Sản phẩm được sản xuất ra thị trường giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sử dụng, thải bỏ sản phẩm, dịch vụ;
– Sản phẩm, dịch vụ được sử dụng phải bảo đảm an toàn cho môi trường và sức khoẻ của con người.
Việc đánh giá một sản phẩm có bảo đảm để được công nhận nhãn sinh thái Việt Nam hay không thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải dựa trên những tiêu chí đánh giá do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và hướng dẫn. Căn cứ theo quy định tại Điều 76 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT thì tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam được xây dựng trên cơ sở sau: Cơ sở đánh giá tác động của toàn bộ vòng đời của sản phẩm, dịch vụ. Vòng đời này được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ thời điểm bắt đầu là quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, phân phối thị trường, sử dụng cho đến khi kết thúc là việc tái chế sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với những sản phẩm cùng loại.
Theo đó, nội dung các tiêu chí được dùng để đánh giá sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được công nhận nhãn sinh thái Việt Nam được quy định cụ thể tại Mẫu số 01 Phụ lục VIII được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Cụ thể các tiêu chí được sử dụng để đánh giá như sau:
– Thứ nhất, tiêu chí về ký hiệu:
NSTVN- số hiệu: năm ban hành;
Tên sản phẩm, dịch vụ được nêu cụ thể.
– Thứ hai, tiêu chí về loại hình, tác động môi trường của sản phẩm, dịch vụ và mục tiêu bảo vệ môi trường:
+ Phải mô tả được loại hình của sản phẩm, dịch vụ;
+ Tác động môi trường của sản phẩm, dịch vụ;
+ Mục tiêu bảo vệ môi trường của sản phẩm, dịch vụ.
– Thứ ba, tiêu chí về thuật ngữ: Thông tin về các thuật ngữ, chứng chỉ quốc tế liên quan đến sản phẩm, dịch vụ đề nghị chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam;
– Thứ tư, các tiêu chí chung và một số tiêu chí cụ thể như: nguyên- vật liệu, nhiên liệu được sử dụng; công nghệ sản xuất; hệ thống đảm bảo cho việc quản lý môi trường; giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm của sản phẩm, dịch vụ; đặc tính kỹ thuật; thu hồi, tài chế, xử lý và thải bỏ.
Ngoài ra, việc đánh giá chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam còn được áp dụng một số tiêu chí khác có liên quan đến từng sản phẩm, dịch vụ riêng biệt. Việc áp dụng những tiêu chí đánh giá được xem là áp dụng những căn cứ để đánh giá xem sản phẩm, dịch vụ đó có thân thiện với môi trường, đảm bảo tiêu chí được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam.
3. Trình tự, thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam:
Để thực hiện chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam thì người có yêu cầu công nhận nhãn sinh thái Việt Nam cần thực hiện theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Cụ thể thực hiện theo các bước sau:
3.1. Chuẩn bị hồ sơ đề nghị chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam:
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ luôn quan tâm đến vấn đề được cấp chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam. Khi xét thấy sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh đảm bảo được các tiêu chí để được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam thì doanh nghiệp đó sẽ tiến hành làm hồ sơ đề nghị chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 146 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị bao gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu sau:
– Văn bản Đề nghị chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Lưu ý văn bản phải được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XXXII ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;
– Báo cáo sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam. Lưu ý văn bản phải được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục XXXII ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;
– Kết quả thử nghiệm sản phẩm có thời hạn không quá 06 tháng tính đến ngày Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được hồ sơ yêu cầu chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam hợp lệ và phải kèm theo mẫu sản phẩm, hoạt động dịch vụ đăng ký chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam. Việc thử nghiệm sản phẩm phải được tiến hành bởi các tổ chức thử nghiệm và phải đáp ứng theo quy định tại Điều 149 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;
– Bản vẽ hoặc bản chụp kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm yêu cầu chứng nhận có kích cỡ 21 cm x 29 cm và kèm theo bản thuyết minh các thông số kỹ thuật của sản phẩm;
Các cá nhân hoặc doanh nghiệp cần lưu ý: Hồ sơ đề nghị chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam chỉ có giá trị trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày có văn bản tiếp nhận hồ sơ. Nếu quá 06 tháng, tổ chức, cá nhân phải lập bộ hồ sơ mới đề nghị chứng nhận.
3.2. Cá nhân hoặc tổ chức có yêu cầu nộp hồ sơ tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
Cá nhân hoặc tổ chức có yêu cầu chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam khi đã chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ giấy tờ, tài liệu nêu trên thì nộp hồ sơ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam.
Việc nộp hồ sơ có thể thực hiện theo một trong hai phương thức sau:
– Phương thức thứ nhất: Nộp trực tiếp tại Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Phương thức thứ hai: Nộp thông qua đường bưu điện gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3.3. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và giải quyết, ra kết quả của yêu cầu:
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp nếu cán bộ tiếp nhận hồ sơ xét thấy hồ sơ chưa đầy đủ, chưa bảo đảm tính hợp lệ thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đăng ký để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam. Đối với trường hợp hồ sơ đã đầy đủ và đảm bảo tính hợp lệ thì Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành tiếp nhận và thực hiện giải quyết yêu cầu.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá theo trình tự chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam. Theo đó, việc tổ chức đánh giá phải trải qua các hoạt động sau:
Thành lập Hội đồng đánh giá; Hội đồng tiến hành khảo sát thực tế và họp Hội đồng đánh giá;
Tiến hành hoạt động trưng cầu giám định để đánh giá sự đảm bảo tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam được pháp luật quy định (trong trường hợp cần thiết).
Sau khi Hội đồng đánh giá thực hiện các hoạt động đánh giá điều kiện nêu trên, nếu sản phẩm, dịch vụ đảm bảo các tiêu chí đánh giá thì Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ được yêu cầu. Trong trường hợp sản phẩm, dịch vụ không đáp ứng bộ tiêu chí mà Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức và phải nêu rõ trong văn bản lý do không đạt yêu cầu.
Lưu ý, trong trường hợp cá nhân, tổ chức có thay đổi về thông số kỹ thuật, đặc tính của sản phẩm, dịch vụ hoặc có thay đổi khác có liên quan đến tiêu chí chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam thì cá nhân, tổ chức đó cần phải gửi hồ sơ đề nghị có thay đổi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá và chứng nhận theo quy định tại Điều 148 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
– Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
– Thông tư số 02/2022/NĐ-CP của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 10/1/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.