Để có thể tổ chức sự kiện ngoài trời thì cá nhân tổ chức cần thực hiện thủ tục để được chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền. Vậy điều kiện, thủ tục xin giấy phép tổ chức sự kiện phố đi bộ được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện xin giấy phép tổ chức sự kiện phố đi bộ:
Để tổ chức sự kiện thành công thì phải diễn ra những quá trình khác nhau, trong đó phải tiến hành xin giấy phép của cơ quan chức năng để hoàn tất việc tổ chức này. Thông thường những sự kiện được tổ chức tại phố đi bộ gồm nhiều lĩnh vực khác nhau có thể kể đến là tổ chức biểu diễn ca nhạc, tổ chức triển lãm, tổ chức biểu diễn thời trang, được nói chung là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về khái niệm biểu diễn nghệ thuật cụ thể như sau: Hoạt động biểu diễn nghệ thuật được hiểu là hoạt động thể hiện các loại hình nghệ thuật biểu diễn, tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu hoặc cùng với đó kết hợp giữa loại hình nghệ thuật biểu diễn với trình diễn thời trang, các hoạt động văn hoá, thể thao.
Cá nhân tổ chức có nhu cầu tổ chức sự kiện phố đi bộ thì phải đảm bảo các điều kiện để được thực hiện các hoạt động trên. Hiện nay, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2020/NĐ-CP thì điều kiện, thủ tục tổ chức biểu diễn nghệ thuật quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này như sau:
+ Thứ nhất, phải đảm bảo điều kiện tổ chức là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật; hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn; tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật tại cơ quan có thẩm quyền;
+ Thứ hai, các hoạt động tổ chức sự kiện khi được cấp phép thu hút rất nhiều người tham gia nên vấn đề an ninh, trật tự luôn được quan tâm hàng đầu. Chính vì vậy, điều kiện cơ bản cần đáp ứng phải là điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, các yếu tố liên quan đến y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;
+ Thứ ba, hoạt động tổ chức sự kiện phải diễn ra hợp pháp, được thể hiện thông qua văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Thủ tục xin giấy phép tổ chức sự kiện phố đi bộ:
2.1. Hồ sơ xin giấy phép tổ chức sự kiện phố đi bộ:
Hồ sơ để xin giấy phép tổ chức sự kiện phố đi bộ phải thực hiện theo đúng quy định. Theo đó, đơn vị tổ chức phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tài liệu dưới đây để gửi đến cơ quan có thẩm quyền hoàn tất việc xin chấp thuận tô chức sự kiện, cụ thể:
– Cần soạn thảo văn bản đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật Mẫu văn bản này cần được thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP);
– Cần có kịch bản, danh mục tác phẩm gắn với tác giả, người chịu trách nhiệm chính về nội dung chương trình (Ngoài ra, đối với tác phẩm nước ngoài phải kèm gửi kèm bản dịch tiếng Việt có chứng thực chữ ký người dịch xác nhận nội dung).
2.2. Thủ tục xin giấy phép tổ chức sự kiện phố đi bộ:
Bước 1. Chuẩn bị và nộp hồ sơ:
Tổ chức, cá nhân sau khi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đã được hướng dẫn trong bài viết thì tiến hành nộp tại cơ quan có thẩm quyền. Hình thức nộp hồ sơ có thể gửi trực tiếp; thông qua đường bưu chính hoặc tiến hành trực tuyến tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thời gian để nộp hồ sơ cần đảm bảo là cách ít nhất 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức biểu diễn nghệ thuật;
Bước 2. Xem xét, cấp phép tổ chức sự kiện p hồ sơ:
Khi nhận được hồ sơ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu nhận thấy hồ sơ chưa hợp lệ, thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm gửi văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ;
Còn trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định tiến hành hoàn tất yêu cầu cấp văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật đó là cấp văn bản chấp thuận này cho cá nhân, tổ chức có đơn đề nghị. Mẫu chấp thuận phải được thực hiện trong một thể thống nhất là theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, hoàn tất việc này bằng cách đăng tải trên hệ thống thông tin điện tử. Trong trường hợp không chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do;
Nếu có phát sinh sự thay đổi về nội dung biểu diễn nghệ thuật đã được chấp thuận trước đó thì tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải có văn bản nêu rõ lý do gửi trực tiếp; co thể thông qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận. Cơ quan đã chấp thuận phải xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân đề nghị trong khoảng thời hạn 02 ngày làm việc, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ,;
Nếu có sự thay đổi về các thông tin thời gian, địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã được chấp thuận thì tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật tiến hành lập văn bản thông báo các nội dung đã được thay đổi và tiến hành gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận và chính quyền địa phương nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật ít nhất 02 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức.
Các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với nhau để thực hiện cấp giấy phép tổ chức sự kiện phố đi bộ. Theo đó, Hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương có trách nhiệm tiến hành thông báo theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 144/2020/NĐ-CP tới Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức biểu diễn sau khi có văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
3. Cơ quan nào được trao thẩm quyền chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật:
Như đã biết, cá nhân để được biểu diễn thì đơn vị tổ chức phải hoàn tất được các thủ tục sự chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các cơ quan được thực hiện hoạt động này được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2020/NĐ-CP bao gồm:
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền trong viêc chấp thuận tổ chức biểu diễn nghệ thuật trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương;
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận hồ sơ đề nghị tổ chức biểu diễn nghệ thuật được tổ chức trên địa bàn quản lý không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
4. Mức xử phạt đối với hành vi biểu diễn nghệ thuật không xin phép là bao nhiêu?
Việc biểu diễn nghệ thuật trong trường hợp bắt buộc phải xin cấp giấy chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền mà cá nhân, tổ chức cố tình không xin giấy phép thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính. Đối với quy định về mức xử phạt đối với hành vi biểu diễn nghệ thuật không xin phép thì tại Điều 11 Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã ghi nhận như sau:
Nếu có hành vi vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn thì mức phạt tiền có thể áp dụng là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu có thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Cá nhân, tổ chức đã chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép tổ chức và đã được chấp thuận nhưng thực hiện việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn không đúng nội dung ghi trong văn bản chấp thuận;
– Vi phạm trong việc thông báo với cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị; phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức;
Đặc biệt, trong trường hợp thực hiện hành vi tổ chức biểu diễn nghệ thuật dẫn đến tình trạng nhiều người tập trung, gây mất trật tự công cộng thì sẽ áp dụng mức phạt tiền từ 1.000.000 triệu đồng đến 2.000.000 triệu đồng. Thực hiện theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Lưu ý: Mức phạt đã được trình bày trong bài viết sẽ được áp dụng đối với cá nhân còn trong trường hợp tổ chức có cùng một hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
Nghị định 144/2020/NĐ-CP hoạt động nghệ thuật biểu diễn;
Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.