Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là cá nhân có tinh thần rõ ràng, có năng lực phẩm chất đạo đức tốt, có đầy đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có trình độ đáp ứng quy định của pháp luật. Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về điều kiện và thủ tục xét thăng hạng cho giảng viên đại học?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện xét thăng hạng giảng viên đại học:
Điều kiện xét thăng hạng cho giảng viên đại học hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể như sau:
1.1. Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) với mã số V.07.01.02:
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có quy định về tiêu chuẩn và điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II). Theo đó, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ được thực hiện thủ tục đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính khi đáp ứng được một số tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
-
Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu, cơ sở giáo dục đó có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp của viên chức xét thăng hạng, đồng thời được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia kỳ xét thăng hạng đó;
-
Cá nhân đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III với mã số V.07.01.03;
-
Cá nhân được xếp loại chất lượng ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính; cá nhân có đầy đủ năng lực phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không đang trong thời gian bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan trực tiếp đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật;
-
Cá nhân đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính; đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên chính căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT).
1.2. Điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có quy định về tiêu chuẩn và điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) với mã số V.07.01.01. Theo đó, viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ có quyền thực hiện thủ tục đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp khi đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
-
Cơ sở giáo dục công lập có nhu cầu, cơ sở giáo dục đó có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xét thăng hạng, đồng thời được cơ quan có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng đó;
-
Cá nhân đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng II;
-
Cá nhân được xếp loại chất lượng ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm thực hiện thủ tục dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp; cá nhân có đầy đủ phẩm chất, năng lực chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời gian áp dụng hình thức xử lý kỷ luật; không đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật Đảng pháp luật;
-
Đáp ứng đầy đủ yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên chính; đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng và năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT).
2. Thủ tục xét thăng hạng giảng viên đại học:
Quy trình, thủ tục xét thăng hạng đối với giảng viên đại học như sau:
Bước 1: Căn cứ tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên đại học theo quy định tại Mục 2 Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp bắt buộc phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, phù hợp với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Giảng viên được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đơn vị sự nghiệp công lập đó có nhu cầu, cá nhân đáp ứng đầy đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật có liên quan. Quá trình xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên cần phải được tổ chức theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, minh bạch, vô tư, khách quan và đúng quy định của pháp luật.
Bước 2: Tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trong quá trình xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cần phải thành lập Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp căn cứ theo quy định tại Điều 38 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Theo đó, hội đồng thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thành lập. Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo nguyên tắc đa số, trong trường hợp số phiếu biểu quyết ngang nhau thì sẽ thực hiện theo ý kiến của chủ tịch Hội đồng. Về hình thức và nội dung xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Theo đó:
-
Về nội dung, đánh giá việc đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định Điều 38 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP;
-
Về hình thức, tiến hành theo hình thức thẩm định hồ sơ.
Bước 3: Xác định dạng viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng. Theo đó, giảng viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng là người đã ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP và được người đứng đầu cơ quan xét thăng hạngcông nhận kết quả trúng tuyển. Sau đó, bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trong khoảng thời gian 15 ngày làm việc được tính bắt đầu kể từ ngày nhận được danh sách trúng tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền hoặc người được phân cấp phải thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên trúng tuyển theo quy định của pháp luật. Việc xếp lương chức danh nghề nghiệp mới bổ nhiệm sẽ được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cần phải lưu ý thêm, thành phần hồ sơ trong quá trình xét thăng hạng được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Nghị định 115/2020/NĐ-CP, gồm các loại giấy tờ sau:
-
Sơ yếu lý lịch;
-
Bản tự nhận xét, đánh giá cá nhân;
-
Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của chức danh nghề nghiệp xét thăng hạng;
-
Trong trường hợp có yêu cầu về ngoại ngữ thì cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ.
3. Yêu cầu phẩm chất cá nhân cần đáp ứng của giảng viên đại học là gì?
Căn cứ theo quy định tại Mục I Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 05/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có quy định rõ các yêu cầu liên quan đến phẩm chất cá nhân của giảng viên chính hạng II. Cụ thể như sau:
-
Tuyệt đối trung thành với chính sách của nhà nước, tin tưởng và nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan khác;
-
Có tinh thần trách nhiệm cao với công việc tập thể, luôn luôn có thái độ phối hợp tốt trong công tác;
-
Trung thực, kiên định tuy nhiên biết lắng nghe;
-
Có thái độ điềm tĩnh và cẩn thận trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ;
-
Khả năng sáng tạo và tư duy độc lập;
-
Một số phẩm chất khác phù hợp với yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, giảng viên chính hạng II yêu cầu thêm về trình độ đào tạo như sau:
-
Về trình độ đào tạo: Cần phải tốt nghiệp trình độ thạc sĩ trở lên ngành/chuyên ngành giảng dạy, phù hợp với vị trí việc làm; trình độ lý luận chính trị đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn của Chủ tịch hội đồng đại học, phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật và cấp có thẩm quyền;
-
Về bồi dưỡng và chứng chỉ: Cá nhân có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính; kiến thức khác phù hợp với yêu cầu của từng đơn vị;
-
Về kinh nghiệm và thành tích công tác: Cá nhân là giảng viên có kinh nghiệm trong giảng dạy đại học;
-
Một số yêu cầu khác: Cá nhân có khả năng đề xuất những chủ trương, giải pháp giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến chuyên môn; các tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định của cấp có thẩm quyền trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: