Hình phạt trục xuất là gì? Trục xuất tiếng anh là gì? Nguyên tắc áp dụng hình phạt trục xuất là gì? Thủ tục áp dụng hình phạt trục xuất? Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất? Quyền, nghĩa vụ của người bị trục xuất?
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể. Vậy ai là người có thẩm quyền áp dụng hình phạt này, nguyên tắc và thủ tục áp dụng hình phạt trục xuất như thế nào? Để giải đáp những vấn đề này, bài viết dưới đây của Luật Dương Gia sẽ đi vào tìm hiểu hình phạt trục xuất.
Cơ sở pháp lý:
Nghị Định số 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
1. Hình phạt trục xuất là gì?
Theo quy định tại Điều 37 Bộ Luật Hình sự 2015 thì:
“Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.”
Như vậy, theo quy định này thì hình phạt trục xuất có hai đặc điểm chính là:
Thứ nhất, trục xuất chỉ áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam.
Thứ hai, trục xuất có thể áp dụng là hình phạt tiền hoặc hình phạt bổ sung.
Tuy nhiên, đối với trường hợp này, không phải mọi trường hợp người nước ngoài phạm tội theo pháp luật hình sự Việt Nam thì hình phạt trục xuất này sẽ được áp dụng bình đẳng như nhau. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.” Như vậy thì đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Cần phân biệt rõ hình phạt trục xuất và biện pháp trục xuất: Biện pháp trục xuất mang tính chất là chế tài hành chính, là biện pháp áp dụng đối với người nước ngoài có các hành vi vi phạm các quy định pháp luật hành chính, đây là một dạng trách nhiệm hành chính, người vi phạm không phải mang án tích. Còn đối với hình phạt trục xuất, người nước ngoài phạm tội buộc phải chịu hình phạt trục xuất theo luật hình sự Việt Nam chỉ khi có quyết định thi hành án của Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền và người chịu hình phạt trục xuất phải mang án tích.
2. Trục xuất tiếng anh là gì?
Trục xuất trong tiếng anh là “Expulsion”
3. Nguyên tắc áp dụng hình phạt trục xuất là gì?
Theo Nghị Định số 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, nguyên tắc áp dụng hình phạt trục xuất được quy định như sau:
“1. Việc tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng thủ tục, thẩm quyền và thời hạn quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị tạm giữ, áp giải theo thủ tục hành chính và người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
3. Trong mọi trường hợp, việc tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền quy định tại Điều 12, Điều 25, Điều 7, Nghị định này; phải giao cho người bị tạm giữ, áp giải, người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất một bản. Người ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.”
4. Thủ tục áp dụng hình phạt trục xuất?
Điều 6 Nghị Định số 112/2013/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất:
“1. Cơ quan phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi ngay tài liệu, tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) liên quan đến vụ vi phạm đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký thường trú, tạm trú hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Đối với trường hợp vi phạm do cơ quan ở Trung ương, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phát hiện thì hồ sơ vi phạm được gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
2. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Hồ sơ gồm có:
a) Tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị trục xuất;
b) Tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật hành chính;
c) Các hình thức xử lý đã áp dụng (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm);
d) Văn bản đề nghị trục xuất.”
Quyết định xử phạt trục xuất:
– Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo đề nghị trục xuất của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, chuyển đến Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thì phải thông báo ngay cho cơ quan phát hiện vi phạm biết.
– Quyết định xử phạt trục xuất phải ghi rõ những nội dung sau:
+ Ngày, tháng, năm ra quyết định xử phạt trục xuất;
+ Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt trục xuất;
+ Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu/giấy tờ thay thế hộ chiếu của người bị trục xuất;
+ Hành vi vi phạm hành chính của người bị trục xuất;
+ Điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có);
+ Thời gian thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
+ Nơi bị trục xuất đến;
+ Cửa khẩu thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
+ Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
+ Nơi ở bắt buộc của người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
+ Chữ ký của người ra quyết định xử phạt trục xuất.
– Quyết định xử phạt trục xuất phải được gửi cho người bị trục xuất và Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam trước khi thi hành. Quyết định xử phạt trục xuất phải được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
5. Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất?
Theo Điều 5 Nghị Định số 112/2013/NĐ-CP: “Người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Điểm đ Khoản 5, Khoản 7 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính.”
Điểm đ Khoản 5 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;”
Khoản 7 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính: “Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.”
6. Quyền, nghĩa vụ của người bị trục xuất
Quyền của người bị trục xuất:
– Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành;
– Được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp;
– Được thực hiện các chế độ quy định tại Điều 31 Nghị định này trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất;
– Được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
– Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nghĩa vụ của người bị trục xuất:
– Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất;
– Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
– Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
– Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp không tự nguyện chấp hành, sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương I, Phần thứ tư của Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.