Tổ chức họp báo là một trong những hoạt động quen thuộc trong lĩnh vực báo chí. Vậy điều kiện, thủ tục cấp giấy phép chấp thuận tổ chức họp báo được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về họp báo:
Theo quy định của Luật báo chí 2016, việc tổ chức họp báo được quy định cụ thể như sau:
– Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Việc họp báo của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện như sau:
+ Khi có nhu cầu tổ chức họp báo tại Hà Nội, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài phải có văn bản đề nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông ít nhất là 02 ngày làm việc trước khi tiến hành họp báo. Đối với cơ quan đại diện nước ngoài, văn bản đề nghị đồng gửi Bộ Ngoại giao để thông báo;
+ Khi có nhu cầu tổ chức họp báo tại các địa phương khác của Việt Nam, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài phải có văn bản đề nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 02 ngày làm việc trước khi tiến hành họp báo;
+ Họp báo của đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc Bộ Ngoại giao được thực hiện theo chương trình chính thức của đoàn. Cơ quan chủ quản đón đoàn có trách nhiệm thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông biết ít nhất là 01 ngày làm việc trước khi tiến hành họp báo để phối hợp;
+ Đối với họp báo của đoàn khách nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan nhà nước khác của Việt Nam, cơ quan chủ quản đón đoàn phải có văn bản đề nghị gửi Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ít nhất là 02 ngày làm việc trước khi tiến hành họp báo;
+ Thủ tục cho phép tổ chức họp báo thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền không chấp thuận hoặc đình chỉ cuộc họp báo nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam;
+ Đối với những trường hợp họp báo khẩn cấp, sau khi có đề nghị của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể.
– Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.
– Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời Điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
2. Điều kiện tổ chức họp báo:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, muốn tổ chức họp báo, các cá nhân, tổ chức phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện cụ thể sau đây:
– Điều kiện 1: Tổ chức, công dân muốn họp báo phải báo trước bằng văn bản chậm nhất là 24 (hai mươi tư) tiếng đồng hồ trước khi họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí
– Điều kiện 2: Nội dung họp báo phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và mục đích của tổ chức đó. Việc họp báo chỉ được tổ chức khi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đồng ý bằng văn bản trong thời gian chậm nhất là 6 tiếng đồng hồ trước khi họp báo.
– Điều kiện 3: Đối với họp báo trong nước: Tổ chức, công dân ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông.
– Điều kiện 4: Đối với cơ quan đại diện nước ngoài có trụ sở ở các địa phương ngoài Hà Nội khi họp báo có mời công dân Việt Nam tham dự thì thông báo bằng văn bản cho Sở Thông tin và Truyền thông; đồng thời thông báo cho Sở Ngoại vụ.
– Điều kiện 5: Đối với cơ quan nước ngoài và cá nhân người nước ngoài họp báo ở địa phận nào thì đăng ký bằng văn bản với Sở Thông tin và Truyền thông chậm nhất trước 48 giờ.
3. Thủ tục cấp giấy phép chấp thuận tổ chức họp báo:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Cá nhân, tổ chức muốn tổ chức họp báo sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ xin cấp giấy phép chấp thuận tổ chức họp báo. Hồ sơ gồm các giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
+ Công văn đề nghị xin tổ chức họp báo với đầy đủ các thông tin về nội dung, mục đích, thời gian địa điểm, người chủ trì họp báo.
+ Bản sao giấy thành lập hoặc giấy đăng ký kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp.
+ Danh sách cơ quan báo chí tham gia cuộc họp.
+ Chương trình họp báo.
+ Thông cáo báo chí.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, cá nhân, tổ chức sẽ nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở thông tin và truyền thông).
– Bước 2: Thụ lý và giải quyết hồ sơ.
Nếu hồ sơ hợp lệ, Sở thông tin và truyền thông sẽ thụ lý và cho tổ chức họp báo.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, Sở thông tin và truyền thông sẽ trả hồ sơ về để các cá nhân, tổ chức chỉnh lý và bổ sung. Khi trả hồ sơ về phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
– Bước 3: Cấp giấy phép chấp thuận tổ chức họp báo.
Như vậy, để được cấp giấy phép chấp thuận tổ chức họp báo, các cá nhân, tổ chức phải đảm bảo tuân thủ thực hiện theo các quy trình, thủ tục nêu trên. Đây chính là cơ sở để việc cấp giấy phép diễn ra chuẩn chỉnh, đảm bảo tính pháp lý.
4. Quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí trong hoạt động họp báo:
– Cơ quan chủ quản báo chí là cơ quan, tổ chức đứng tên đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí, thành lập và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí.
– Theo quy định của Luật báo chí 2016, Cơ quan chủ quản báo chí có những quyền hạn sau đây:
+ Xác định loại hình báo chí, tôn chỉ, Mục đích, đối tượng phục vụ, ngôn ngữ thể hiện của từng loại hình, từng loại sản phẩm báo chí, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của cơ quan báo chí;
+ Bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ Miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí và gửi văn bản thông báo về việc miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí tới Bộ Thông tin và Truyền thông;
+ Thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí; khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.
– Cơ quan chủ quản báo chí có những nhiệm vụ như sau:
+ Chỉ đạo cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, Mục đích, nhiệm vụ, phương hướng hoạt động; tổ chức nhân sự và chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan báo chí;
+ Bảo đảm nguồn kinh phí ban đầu và Điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí;
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cơ quan báo chí, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
– Theo quy định của pháp luật hiện hành, người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí và liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đối với các sai phạm của cơ quan báo chí trực thuộc.
5. Mẫu đơn xin phép tổ chức họp báo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
….., ngày…….tháng……năm…..
ĐƠN XIN PHÉP HỌP BÁO
Kính gửi SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TỈNH/THÀNH PHỐ…
Tôi là:……… Sinh ngày…………
Giấy chứng minh nhân dân số: ……… cấp ngày …/…/… tại……
Hộ khẩu thường trú: ………………
Nơi ở hiện tại: ……………………
Số điện thoại liên hệ: ………………
Là đại diện theo pháp luật/theo ủy quyền của công ty……..
Tôi làm đơn này kính đề nghị Sở Thông tin và truyền thông tỉnh/thành phố…… xem xét, chấp thuận cho công ty tôi được tổ chức họp báo theo các nội dung sau
1. Mục đích họp báo:
2. Nội dung họp báo:
3. Thành phần tham dự buổi họp báo
4. Người chủ trì họp báo… Chức vụ….
5. Thời gian, địa điểm họp báo
6. Các chi tiết kèm theo tại buổi họp báo (tài liệu, hiện vật, chiếu phim….)
Chúng tôi xin cam kết thực hiện đúng nội quy và các quy định về tổ chức họp báo theo pháp luật hiện hành
Người làm đơn
(Ký và ghi rõ họ tên)
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật báo chí 2016.