Công ty trách nhiệm hữu hạn (hay còn được viết tắt là công ty TNHH) là một loại hình tổ chức doanh nghiệp được thành lập bởi các cá nhân hoặc bởi các tổ chức, trong đó các chủ sở hữu được gọi là thành viên, được Luật doanh nghiệp công nhận và thừa nhận tư cách pháp nhân. Dưới đây là quy định của pháp luật về điều kiện thành lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH):
Tại Việt Nam, mỗi loại hình doanh nghiệp đều được pháp luật quy định những điều kiện thành lập cụ thể và riêng biệt. Điều kiện để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (trong đó bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, cần phải đáp ứng điều kiện về chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Văn bản hợp nhất
– Các chủ thể được xác định là cơ quan nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản của nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận riêng cho cơ quan và đơn vị đó;
– Các đối tượng được xác định là cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức và pháp luật về viên chức;
– Các đối tượng được xác định là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đang công tác và làm việc trong các cơ quan đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Các đối tượng được xác định là sĩ quan, hạ sĩ quan, sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an làm việc và công tác trong các cơ quan đơn vị thuộc công an nhân dân Việt Nam. Ngoại trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để thực hiện trách nhiệm quản lý phần vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp hoặc thực hiện trách nhiệm quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
– Các cán bộ lãnh đạo, giữ chức vụ quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp nhà nước căn cứ theo quy định tại Điều 88 của Văn bản hợp nhất Luật doanh nghiệp năm 2022, ngoại trừ những đối tượng được xác định là người được cử làm đại diện theo ủy quyền để thực hiện trách nhiệm quản lý phần vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp khác;
– Chủ thể được xác định là người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức hoặc làm chủ hành vi, các tổ chức không có tư cách pháp nhân theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015;
– Chủ thể đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quyết định có hiệu lực của tòa án, bị giam giữ hoặc đang trong thời gian chấp hành án phạt tù, những đối tượng đang trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc các cơ sở giáo dục bắt buộc, đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ/cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc trong một khoảng thời gian nhất định, các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản và pháp luật về phòng chống tham nhũng. Trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu thì người thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp bắt buộc phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho các cơ quan đăng ký kinh doanh;
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.
Thứ hai, cần phải đáp ứng điều kiện về ngành nghề kinh doanh. Ngành nghề kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn phải thuộc Danh mục ngành nghề được phép đăng ký kinh doanh, không bị pháp luật cấm kinh doanh. Pháp luật Việt Nam hiện nay cấm kinh doanh đối với các ngành nghề sau:
– Kinh doanh vũ khí, kinh doanh các loại quân trang quân dụng, kinh doanh đạn dược, các phương tiện kĩ thuật quân sự phục vụ trong lực lượng vũ trang;
– Kinh doanh các loại chất ma túy, chất nổ, chất phóng xạ, chất độc;
– Kinh doanh dịch vụ mại dâm, buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em, tổ chức mại dâm;
– Kinh doanh dịch vụ đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc;
– Kinh doanh các loại hóa chất độc hại, có tính độc hại cao;
– Kinh doanh các loại hiện vật thuộc văn hóa, bảo tàng, di tích lịch sử;
– Kinh doanh các loại sản phẩm phản động, văn hóa đồi trụy, mê tín dị đoan, có hại đến giáo dục nhân cách, các loại pháo;
– Kinh doanh động thực vật hoang dã thuộc danh mục Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết và tham gia.
Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh những ngành nghề theo quy định của pháp luật bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề, tiếng người quản lý và điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn cần phải có chứng chỉ hành nghề đó. Theo đó, pháp luật Việt Nam có quy định các ngành nghề sau đây cần phải có chứng chỉ hành nghề: Kinh doanh dịch vụ pháp lý, thiết kế công trình, kiểm toán, khám chữa bệnh, dược phẩm, dịch vụ thú y, thuốc thú y, môi giới chứng khoán.
Thứ ba, cần phải đáp ứng điều kiện về tên công ty. Tên công ty trách nhiệm hữu hạn cần phải đảm bảo 02 yếu tố, đó là công ty trách nhiệm hữu hạn (loại hình công ty) và tên cụ thể. Tên của công ty trách nhiệm hữu hạn không được chung, tương tự hoặc gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký trên thị trường, không vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc trái văn hóa lịch sử, không có các từ ngữ liên quan tới các cơ quan đoàn thể nhà nước. Ví dụ như: Công ty TNHH An Phát … Đồng thời, trụ sở của công ty trách nhiệm hữu hạn không được đặt tại chung cư hoặc các tòa nhà có mục đích sử dụng hỗn hợp, chỉ có chức năng dùng để ở.
Thứ tư, cần phải đáp ứng điều kiện về vốn (trong đó bao gồm vốn điều lệ, vốn pháp định và ký quỹ). Công ty trách nhiệm hữu hạn có toàn quyền quyết định mức vốn điều lệ của công ty. Tuy nhiên cần phải xem xét đến các yếu tố sau:
– Năng lực tài chính của các thành viên góp vốn vào công ty;
– Lĩnh vực mà công ty kinh doanh;
– Khả năng hoạt động kinh doanh của công ty trên thực tế;
– Đối tác, khách hàng và các dự án của công ty.
Đồng thời, số vốn này cần phải được các thành viên góp đủ trong thời gian 90 ngày được tính kể từ ngày công ty được cấp giấy phép kinh doanh. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định hoặc vốn ký quỹ, tùy thuộc vào loại hình ngành nghề kinh doanh mà công ty đăng ký kinh doanh.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn lựa chọn loại hình kinh doanh ngành nghề tạm nhập tái xuất các loại hàng hóa thực phẩm đông lạnh thì cần phải có số tiền ký quỹ là 10.000.000.000 đồng nợ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đó đặt kho bãi căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Theo đó, muốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn thì cần phải xem xét các điều kiện nêu trên.
2. Thành phần hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH):
Thành phần hồ sơ đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên/công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo mẫu tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
– Danh sách các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty;
Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với các thành viên công ty được xác định là cá nhân, giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với các thành viên của công ty là tổ chức, giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với trường hợp người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Trong trường hợp các thành viên là tổ chức nước ngoài thì các loại giấy tờ pháp lý cần phải được thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự;
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp công ty được thành lập hoặc tham gia bởi các nhà đầu tư nước ngoài/các tổ chức quốc tế có vốn đầu tư nước ngoài;
Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục hành chính, văn bản ủy quyền không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.
3. Quy trình thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH):
Trình tự và thủ tục đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn như sau:
Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ để đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn. Sau đó phải nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp này được xác định là Phòng đăng ký kinh doanh. Có thể nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu chính.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu, Phòng đăng ký kinh doanh cần phải thông báo bằng văn bản nội dung cần phải sửa đổi bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp trong khoảng thời gian 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp nhận hồ sơ thông qua hình thức trực tuyến tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, nếu nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ, Phòng đăng ký kinh doanh cần phải thông báo qua mạng thông tin điện tử cho các doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi và bổ sung.
Bước 3: Nhận kết quả.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022 Luật Doanh nghiệp;
– Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương;
– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
– Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: