Theo quy định của pháp luật, thì tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ được coi nghĩa vụ của công dân Việt Nam. Vậy thì, pháp luật hiện nay quy định như thế nào về vấn đề: Điều kiện ra quân trước thời hạn với nghĩa vụ dân quân tự vệ.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện ra quân trước thời hạn với nghĩa vụ dân quân tự vệ:
1.1. Nghĩa vụ dân quân tự vệ được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 hiện hành, thì cần phải hiểu, dân quân tự vệ chính là khái niệm để chỉ lực lượng vũ trang trong quần chúng tuy nhiên không thoát ly khỏi quá trình sản xuất và công tác của người dân, dân quân tự vệ được tổ chức ở địa phương hoặc ở các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội hoặc các đơn vị sự nghiệp công lập, được tổ chức trong các đơn vị kinh tế. Dân quân tự vệ chính là một phần quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Trong đó thì dân quân tự vệ có chức năng bảo vệ đảng cũng như bảo vệ chính quyền, có chức năng bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, cũng như bảo vệ tài sản của các cơ quan tổ chức tại địa phương và ở cấp cơ sở, dân quân tự vệ cũng là thành phần nòng cốt trong lực lượng đánh giặc khi có chiến tranh xảy ra. Nhìn chung thì theo Điều 6 của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 hiện hành thì thành phần của dân quân tự vệ bao gồm những vấn đề cơ bản sau đây:
– Dân quân tự vệ tại chỗ: lực lượng này sẽ tiến hành làm nhiệm vụ ở các thôn bản, trong các tổ dân phố hoặc khu dân phố, trong các tiểu khu … hoặc ở phạm vi hẹp khác theo quy định của pháp luật;
– Dân quân tự vệ cơ động: lực lượng này đóng vai trò quan trọng tiến hành các nhiệm vụ trên địa bàn theo quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Dân quân thường trực: dân quân thường trực thường làm nhiệm vụ theo quy định của pháp luật tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng;
– Dân quân tự vệ biển: là những lực lượng tiến hành nhiệm vụ trên các hải đảo và các vùng biển của Việt Nam.
1.2. Điều kiện ra quân trước thời hạn với nghĩa vụ dân quân tự vệ:
Để trả lời cho câu hỏi: những điều kiện nào thì được ra quân trước thời hạn với nghĩa vụ dân quân tự vệ? Cần phải tìm hiểu quy định của pháp luật về dân quân tự vệ, cụ thể là căn cứ tại Điều 12 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 hiện hành có quy định về các trường hợp được thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước hạn như sau:
– Dân quân tự vệ mang giới tính nữ, đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, hoặc dân quân tự vệ mang giới tính nam một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi; quy định này được đánh giá là phù hợp với pháp luật về hôn nhân gia đình cũng như pháp luật về trẻ em hiện nay, tạo điều kiện cho những người bố và người mẹ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi có thể được phép thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn theo quy định của pháp luật;
– Những chủ thể không đủ sức khỏe để tiến hành thực hiện nhiệm vụ dân quân tự vệ vì thế họ có thể được tôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn;
– Hoàn cảnh gia đình khó khăn đột suất mà không có đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc, chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện (nơi không có đơn vị hành chính cấp xã) hoặc những người đứng đầu cơ quan và tổ chức xác nhận theo đúng quy định;
– Những chủ thể có lệnh gọi nhập ngũ hoặc có lệnh gọi thực hiện tham gia nghĩa vụ công an nhân dân hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tuyển dụng vào các vị trí công chức, viên chức, vị trí trong lĩnh vực công nhân quốc phòng, hoặc công dân công an theo quy định;
– Các chủ thể có giấy báo vào học tại các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có giấy báo nhập học tại các trường của cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức chính trị, nhập học đối với các trường của tổ chức chính trị xã hội, bao gồm cả những người có giấy báo đi lao động cũng như đi học tập hoặc làm việc tại nước ngoài.
Như vậy thì có thể thấy không phải chủ thể nào cũng được phép ra quân trước thời hạn với nghĩa vụ dân quân tự vệ. Mà chỉ những chủ thể rơi vào những điều kiện nhất định thì mới được thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn theo như quy định đã phân tích ở trên.
2. Các chủ thể có tên trong danh sách dân quân tự vệ có bắt buộc phải đi không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của luật dân quân tự vệ năm 2019 hiện hành thì có quy định như sau: Công dân Việt Nam mang giới tính nam với độ tuổi từ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, và công dân Việt Nam mang giới tính nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi thì sẽ phải có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ theo đúng quy định của pháp luật và nếu tình nguyện tham gia dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với những công dân là Nam và đến hết 45 tuổi đối với công dân là nữ. như vậy theo như quy định nói trên thì tham gia dân quân tự vệ được coi là nghĩa vụ của công dân Việt Nam.
Vì vậy đối với câu hỏi: các chủ thể có tên trong danh sách dân quân tự vệ có bắt buộc phải đi không? Thì câu trả lời là có. Vì thế nếu như các chủ thể có tên trong danh sách dân quân tự vệ thì công dân bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Và trừ một số trường hợp theo Điều 11 của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 hiện hành thì sẽ được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ, cụ thể như sau:
– Những chủ thể là phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, những chủ thể là nam giới đang một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà không có sự góp mặt của người vợ;
– Những người không đủ sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật, những người có chồng hoặc có vợ là sỹ quan hoặc công chức viên chức, làm việc trong quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân quốc phòng, là hạ sĩ quan hoặc binh sĩ đang phục vụ trong lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam;
– Người có chồng hoặc có vợ là sỹ quan hoặc hạ sĩ quan, là công nhân công an hoặc chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng công an nhân dân Việt Nam, bao gồm cả những người có chồng hoặc có vợ là công chức viên chức hoặc thanh niên xung phong được điều động bởi các chủ thể có thẩm quyền đến công tác và làm việc tại những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ;
– Người đang là lao động duy nhất trong các hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật, họ đang trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân của mình không có khả năng lao động hoặc chưa đến độ tuổi lao động, thậm chí là người thân trong hộ gia đình của họ bị thiệt hại nặng do quá trình tai nạn giao thông hoặc do thiên tai …;
– Những người thuộc diện thương binh bệnh binh theo quy định của pháp luật về người có công với cách mạng hoặc người bị nhiễm chất độc da cam nay suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%, những người đang theo học tại các trường học trong nước hoặc những người đang lao động, học tập và làm việc tại nước ngoài.
3. Các trường hợp miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ:
Căn cứ Điều 11 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 hiện hành, công dân được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong trường hợp sau đây:
– Vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ theo quy định của pháp luật về người có công với cách mạng;
– Vợ hoặc chồng, con của thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– Quân nhân dự bị đã được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên theo quy định của pháp luật hiện nay;
– Người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng theo quy định của pháp luật về người có công với cách mạng; người trực tiếp nuôi dưỡng người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; bao gồm cả những chủ thể là người làm công tác cơ yếu.
4. Cố tình trốn không tham gia dân quân tự vệ bị phạt thế nào?
Có thể đánh giá, hành vi trốn tránh, chống đối việc tham gia dân quân tự vệ là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 14 của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 hiện nay. Nếu cố tình trốn không tham gia dân quân tự vệ thì sẽ bị phạt hành chính theo quy định của pháp luật, cụ thể là căn cứ vào Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã có ghi nhận rằng:
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt;
– Ngoài ra còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là: Buộc thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ đối với những chủ thể có hành vi vi phạm.
Ngoài ra thì hiện nay, pháp luật không có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi trốn không tham gia dân quân tự vệ. Do đó, nếu vi phạm thì chỉ dừng lại ở mức bị phạt hành chính.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Dân quân tự vệ năm 2019;
– Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.